Bé gái 5 tuổi nhập viện cấp cứu vì có búi tóc lớn trong dạ dày
Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam cho biết đơn vị này vừa tiến hành phẫu thuật lấy thành công búi tóc có lẫn dây chun trong dạ dày bệnh nhi T.D.A.T (5 tuổi, trú tại Điện Bàn, Quảng Nam), theo VTV News.
Trước đó vài ngày, bệnh nhi xuất hiện triệu chứng đau bụng âm ỉ vùng thượng vị. Sáng 10/5, bệnh nhi được người nhà đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam. Tiến hành kiểm tra và siêu âm bụng, các bác sĩ phát hiện trong dạ dày bệnh nhi có khối bã thức ăn rắn chắc. Người nhà kể bệnh nhi hay ngậm và nuốt tóc của mình.
Sau đó, bệnh nhi được thực hiện nội soi dạ dày. Các bác sĩ nhận thấy trong dạ dày bệnh nhi một khối tóc, dây chun dính chặt với nhau kéo dài từ dạ dày xuống đến ruột non đoạn tá tràng.
Do kích thước khối này quá lớn để lấy qua đường nội soi, sau khi hội chẩn ý kiến giữa các y bác sĩ, khối dị vật được kéo ngược từ ruột non lên lại dạ dày để chuẩn bị cho phẫu thuật mở dạ dày lấy dị vật.
Ekip khoa Ngoại tổng hợp đã tiến hành cuộc mổ, qua đường mổ nhỏ trên thành bụng mở vào dạ dày lấy thành công toàn bộ khối dị vật kích thước 15x4x3cm, gồm các búi tóc lẫn dây chun bện chặt vào nhau.
Bác sĩ CKI Thái Kế Huấn, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp cho biết bệnh nhi này được chẩn đoán mắc hội chứng Rapunzel (hội chứng tóc mây) rất hiếm gặp. Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ và giáo viên mầm non cần lưu ý nếu trẻ nhỏ xuất hiện các hành vi như thích ngậm, nuốt tóc hay các vật dạng sợi thành thói quen thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời.
Phẫu thuật ghép một phần gan của mẹ cho con gái 3 tuổi
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết đơn vị này vừa tiến hành phẫu thuật ghép gan thành công cho bệnh nhi H.L (SN 2019, trú tại TP.HCM) được chẩn đoán bị teo đường mật.
Qua quá trình thăm khám và chuẩn bị cẩn thận, ca ghép gan của bệnh nhi được thực hiện thành công với sự hỗ trợ của gần 70 y bác sĩ. Sau hơn 44 ngày phẫu thuật, sức khỏe của hai mẹ con bệnh nhi đã ổn định, có những chuyển biến tốt.
Tuy bệnh nhi hiện đang gặp một số vấn đề về hậu phẫu nhưng bác sĩ cho biết mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát, trẻ đã đủ điều kiện xuất viện. Theo các bác sĩ, sau hậu phẫu, bệnh nhi vẫn cần phải được theo dõi sát sao và cẩn trọng để trẻ thích ứng và nhanh hồi phục sức khỏe cho đến khi ra viện.
"Trách nhiệm của các bác sĩ rất nặng nề bởi đây là một kỹ thuật khó, phải phối hợp liên bệnh viện với nhau. Khi mọi diễn tiến thuận lợi, tôi và đồng nghiệp cảm thấy rất nhẹ nhõm", TS.BS Trần Thanh Trí - Trưởng khoa Gan - Mật - Tụy và Ghép gan cho hay. Được biết, đây là ca phẫu thuật ghép gan thứ 5 mà Bệnh viện Nhi đồng 2 tự thực hiện mà không cần tới sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.
Bệnh nhi 17 tháng tuổi nguy kịch do uống phải dầu thắp hương
Bệnh viện Nhi Trung ương mới tiếp nhận điều trị bệnh nhi P.D (17 tháng, Quảng Ninh) trong tình trạng suy hô hấp đe dọa tính mạng do uống phải dầu thắp hương.
VietNamNet dẫn lời kể của người mẹ cho biết vào dịp nghỉ lễ, gia đình về nhà người thân ở Thái Bình chơi, khi không có người lớn bên cạnh, bệnh nhi đã uống chai dầu thắp đèn bàn thờ để dưới sàn nhà. Phát hiện ra sự việc, người nhà hốt hoảng cho bé uống nhiều nước và móc họng để bé nôn.
Tiếp đó, bệnh nhi được đưa tới bệnh viện tuyến huyện sơ cứu rồi đưa vào bệnh viện tỉnh Thái Bình điều trị 3 ngày vì khó thở. Tuy nhiên, trẻ vẫn viêm phổi nặng hơn, phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương vào ngày 28/4. Gia đình không ngờ hành động gây nôn đã khiến tình trạng của bệnh nhi trở nên trầm trọng hơn.
Bác sĩ CKII Lê Thanh Chương, Trưởng khoa Hồi sức Hô hấp, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, biến chứng nặng nề nhất và nguy cơ gây tử vong cao nhất của uống nhầm dầu thắp sáng là suy hô hấp. Việc xử trí uống nhầm dầu thắp sáng không giống xử lý khi uống một số chất lỏng khác, tuyệt đối không được móc họng gây nôn khi đường thở chưa được bảo vệ.
Gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã điều trị không ít trường hợp bệnh nhi uống phải dầu thắp hương dẫn đến tình trạng tương tự bé P.D. Để tránh tai nạn do uống nhầm dầu thắp sáng/thắp hương, các gia đình có trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi, không nên dự trữ dầu trong nhà.
Trong trường hợp cần phải dự trữ thì không đựng dầu trong chai, vật dụng dễ nhầm lẫn như chai đựng nước uống, cốc, bát và để dầu thắp ở xa tầm tay của trẻ. Nếu trẻ không may uống nhầm dầu thắp, gia đình không được cho uống nước, uống sữa và móc họng để trẻ nôn mà phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn, cấp cứu và điều trị phù hợp.
Đinh Kim(T/h)