Nam sinh 21 tuổi vượt đường xa đi hiến máu cứu người
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, tối ngày 10/10, Nguyễn Hồng Quân (21 tuổi, sinh viên năm cuối ngành Điện Công nghiệp, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) đọc được tin nhắn có người đang cần gấp một đơn vị tiểu cầu nhóm máu hiếm O Rh(D) âm trong Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Bắc.
Chưa thấy ai đăng ký, Quân lập tức nhận nhiệm vụ. Tuy đã muộn, nhà ở xa, sáng hôm sau lại phải đi thi sớm nhưng với suy nghĩ đơn giản "cứu người thì phải đi chứ", Quân xin phép bố và được dặn "đi cẩn thận con nhé".
Sau đó, Quân đi xe từ nhà ở huyện Mê Linh đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Cầu Giấy, Hà Nội) để hiến máu cứu người. Lịch tiếp nhận máu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thường kết thúc lúc 19h nên Quân đã liên hệ trước để kịp hiến tiểu cầu ngay tối đó.
Đến viện lúc gần 21h, sau khi kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu, các chỉ số và số lượng tiểu cầu của Quân đủ điều kiện để hiến 1 đơn vị. Được biết, đây là lần đầu tiên Quân hiến tiểu cầu. Hiến máu xong, Quân trở về nhà khi đã gần sang ngày mới. Thời điểm đó, bố mẹ vẫn thức đợi Quân, cậu đi nghỉ luôn để sáng hôm sau thi cuối kỳ môn thực hành đo lường cảm biến.
"Được tình nguyện viên tuyên truyền, em háo hức đăng ký hiến máu lần đầu năm 2020, nhưng sau đó nhận kết quả lại vô cùng bất ngờ vì mình có nhóm máu hiếm, nhóm máu mà ít người có. Vì vậy, khi có người cần máu của mình, em sẵn sàng đi ngay. Cứu người thì còn chần chừ gì. Em sẽ vẫn tiếp tục hiến máu và nhận nhiệm vụ bất kể ngày hay đêm", Quân chia sẻ.
Người bệnh được nhận tiểu cầu từ Quân là bé L.B.C (5 tuổi) đang điều trị ung thư máu, vài tuần lại phải nhập viện để truyền máu và tiểu cầu. Vì thuộc nhóm máu hiếm nên lần nào bé cũng phải chờ máu, chờ tiểu cầu vài ngày và chỉ được 1 đơn vị, giúp cầm máu.
Mẹ bé C. cho hay, máu không sẵn có nên bác sĩ dặn gần đến ngày con nhập viện thì liên hệ trước để bệnh viện kịp thời huy động người hiến máu nhóm hiếm. “Tôi rất biết ơn tới các bạn đã hiến máu cho con. Nếu không có những giọt máu trân quý ấy, sự sống của con tôi sẽ bị đe dọa", người mẹ nói.
Biết chuyện sinh viên của mình vượt đường xa trong đêm tối để đi hiến máu, sáng hôm sau lại đi thi sớm, cô Phạm Thị Sao Chi (chủ nhiệm lớp Điện Công nghiệp 2) cảm thấy tự hào. Cô Chi cho biết Quân là một sinh viên có ý thức, thái độ học tập tốt.
7 người nhập viện nghi uống nước lá chứa cây độc
Sáng ngày 15/10, ông Nguyễn Quang Sơn - Chủ tịch UBND xã Thái Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) Nguyễn Quang Sơn cho biết, khoảng 16h ngày 14/10, Trạm y tế xã Thái Sơn tiếp nhận 7 người đàn ông bị ngộ độc trong tình trạng nguy kịch. Sau khi được sơ cứu, các bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương.
Các bệnh nhân đã được y, bác sỹ bệnh viện huyện xử lý rửa dạ dày kịp thời. Tuy nhiên, do độc tố mạnh, sức khỏe của 7 người chưa được đảm bảo nên phía bệnh viện đã làm thủ tục chuyển tuyến lên tỉnh để tiếp tục theo dõi và điều trị.
“Những người này không sinh sống trên địa bàn. Họ đến từ huyện Ngọc Lặc (tỉnh Thanh Hóa) vào Nghệ An để tìm cây thuốc trong rừng, bởi trên địa bàn đang có hơn 10ha rừng tự nhiên. Nguyên nhân ngộ độc nghi do uống nước có lẫn lá cây độc”, VietNamNet dẫn lời ông Sơn.
Người đàn ông bị chảy máu ồ ạt khi đánh răng
Cách đây 1 tuần, bệnh nhân N.Đ.T (57 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) đột nhiên thấy người gai rét, mệt nhiều, sốt cao 39 độ C. Sau uống thuốc hạ sốt, bệnh nhân đã hết sốt nhưng người còn đau ê ẩm nhiều.
Báo Sức Khỏe & Đời Sống thông tin, tại khu vực người bệnh sinh sống đang có dịch sốt xuất huyết nhưng do chỉ sốt cao một ngày nên bệnh nhân chủ quan không đi thăm khám. Đến ngày thứ 3 sau sốt, trong lúc đi đánh răng, bệnh nhân thấy máu tươi chảy ra ồ ạt.
Người bệnh lập tức được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Oai thăm khám. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với sốt xuất huyết Dengue, kết quả xét nghiệm máu cho thấy chỉ số tiểu cầu 0 G/L, ngay lập tức bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đống Đa điều trị.
Theo ThS.BS Hà Huy Tình - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng người mệt mỏi nhiều, chảy máu chân răng, chảy máu tại các khối u sùi do biến chứng của Gout, (bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, bệnh Gout mạn tính đã có biến chứng), chỉ số sau xét nghiệm tiểu cầu bằng 2 G/L.
Người bệnh nhanh chóng được truyền dịch để tăng cô đặc máu, cầm máu, truyền khối tiểu cầu. Sau 3 ngày nhập viện, tiểu cầu bệnh nhân tăng lên 28 G/L, không còn sốt, không còn chảy máu miệng, chảy máu tại các nốt sùi do biến chứng của bệnh Gout, tuy nhiên cần theo dõi dịch bụng.
Đinh Kim(T/h)