Nuốt phải tăm tre dài 5cm, người đàn ông bị thủng tá tràng
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, anh N.T.T. (42 tuổi, trú tại xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) có tiền sử khỏe mạnh, trước vào viện 1 ngày, xuất hiện đau bụng vùng quanh rốn và hố chậu phải, cơn đau tăng dần, không rõ nguyên nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp 1 đã thăm khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm thăm dò gồm siêu âm, chụp cắt lớp ổ bụng cho thấy hình ảnh thủng tá tràng D3, phản ứng viêm phúc mạc, kèm biểu hiện bụng chướng, đau bụng tăng dần. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định mổ cấp cứu xử trí tổn thương.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện ổ bụng có mủ tập trung vùng dưới gan và vùng quanh D3 tá tràng, kiểm tra D3 tá tràng phát hiện khối tổn thương dạng áp xe bên trong có dị vật là tăm tre dài 5cm đâm thủng tạo thành ổ viêm.
Các bác sĩ tiến hành làm sạch ổ áp xe, lấy dị vật, xử trí tổn thương, lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm giải phẫu bệnh, kết quả cho thấy viêm loét niêm mạc tá tràng mạn tính loạn sản độ thấp. Sau phẫu thuật 1 ngày, sức khỏe bệnh nhân ổn định, phục hồi tốt, tình trạng nhiễm trùng đã cải thiện, người bệnh có thể dậy đi lại và tập ăn được.
Bác sĩ CKII Lê Thanh Hoài - Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp 1, Trưởng kíp phẫu thuật cho biết, bệnh nhân T. có thói quen xỉa răng sau khi ăn cơm nhưng ngủ quên nên vô tình nuốt tăm vào bụng, tăm đâm thủng tá tràng và lâu ngày gây nên ổ áp xe nguy hiểm.
"Thủng tá tràng D3 do nuốt phải dị vật của bệnh nhân T. rất hiếm gặp. Việc xử trí tổn thương ở vùng này cũng rất khó khăn. Tá tràng D3 là vùng tập trung rất nhiều dịch mật như dịch ruột, dịch dạ dày, dịch tụy vậy nên biến chứng rò mật sau mổ rất lớn.
Hơn nữa, dù đã chụp cắt lớp ổ bụng nhưng cũng không xác định được nguyên nhân thủng tá tràng do không nhìn thấy dị vật que tăm trên phim chụp", bác sĩ CKII Lê Thanh Hoài nói.
Qua ca bệnh nuốt phải tăm tre, bác sĩ khuyến cáo, người dân nên hết sức cẩn thận khi sử dụng tăm hàng ngày, không ngậm tăm đặc biệt là trước khi đi ngủ để tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Nguyên nhân khiến người phụ nữ nổi bọng nước toàn thân
Theo tạp chí Tri Thức, bệnh nhân N.T.N. vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao liên tục. Bên ngoài, da toàn thân người bệnh nổi bọng nước và trợt da; hoại tử thượng bì lan rộng; tổn thương niêm mạc nhiều vùng như mắt, miệng, sinh dục gây cảm giác đau rát dữ dội.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng Lyell do dị ứng thuốc. Ngay sau đó, người bệnh được chuyển vào phòng cách ly và được điều trị tích cực với corticoid liều cao, kháng sinh, bồi phụ nước điện giải và dinh dưỡng.
Các bác sĩ cũng kết hợp điều trị cùng chế độ chăm sóc da hàng ngày dành cho bệnh nhân dị ứng thuốc nặng. Sau 2 tuần điều trị tích cực tại khoa Nội cơ xương khớp - Hô hấp - Da liễu, bệnh nhân đã khỏe mạnh, thương tổn da lành tốt, tình trạng ổn định và đã được xuất viện.
XEM THÊM: Thực hiện thử thách trên mạng, nam sinh 17 tuổi nhét dây điện 26cm vào niệu đạo
Theo các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, hội chứng Lyell là tập hợp những tổn thương da và nội tạng rất nặng, có tỷ lệ tử vong lên tới hơn 30%.
Nguyên nhân gây bệnh thường là dị ứng thuốc, do nhiễm trùng, do tiêm vaccine, huyết thanh… Một số trường hợp khác không rõ căn nguyên. Bệnh cần được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm và lâu dài cho bệnh nhân.
WHO cảnh báo về rủi ro sức khỏe cộng đồng từ COVID-19
Theo thông tin trên báo Công Lý, một chuyên gia cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cho biết, rủi ro sức khỏe cộng đồng do virus COVID-19 vẫn ở mức cao trên toàn cầu, khi virus này vẫn lưu hành ở tất cả các quốc gia.
Bà Maria van Kerkhove - Giám đốc bộ phận chịu trách nhiệm về chuẩn bị và phòng ngừa dịch bệnh và đại dịch của WHO, phát biểu trong một cuộc họp báo đặc biệt ở Genève rằng, ước tính dựa trên phân tích nước thải cho thấy, sự lưu hành thực tế của COVID-19 cao hơn từ 2 - 19 lần so với số trường hợp được báo cáo.
Đồng thời, bà Maria van Kerkhove bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện của các tình trạng hậu COVID-19 (còn gọi là "COVID-19 kéo dài") ảnh hưởng đến nhiều mặt của xã hội. Mặc dù số ca tử vong liên quan đến COVID-19 đã giảm đáng kể kể từ đỉnh điểm nhưng vẫn có khoảng 10.000 ca tử vong mỗi tháng từ 50 quốc gia.
Bà Maria van Kerkhove cũng bày tỏ lo ngại về bản chất tiến hóa của virus, với biến thể JN.1 của COVID-19 chiếm khoảng 57% trên toàn cầu được WHO phân tích.
Theo bà, được xác định theo các tiêu chí cụ thể, bao gồm các triệu chứng như mệt mỏi nghiêm trọng, suy phổi, các vấn đề về thần kinh và suy tim kéo dài từ 4 - 12 tháng hoặc lâu hơn sau giai đoạn cấp tính của bệnh, tình trạng hậu COVID-19 là một vấn đề đáng lo ngại.
Các ước tính cho thấy rằng cứ 10 ca nhiễm thì có 1 ca có thể dẫn đến tình trạng hậu COVID-19, bao gồm cả những ca nặng. Bà Maria van Kerkhove nói: “Chưa có phương pháp điều trị nào vì nó vẫn còn quá mới. Không có đủ sự quan tâm và tài trợ dành riêng cho lĩnh vực này”.
Bên cạnh đó, bà cảnh báo về sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm cúm ở Bắc bán cầu, với tỷ lệ dương tính với cúm ở mức khoảng 20-21% vào tuần 51 của năm 2023. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm chủng đồng thời cả cúm và COVID-19 để giảm thiểu gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Bà Maria van Kerkhove kêu gọi tiêm chủng nhắc lại nhiều hơn, tỷ lệ này ở mức thấp trên toàn cầu, chỉ có 55% người lớn tuổi (trên 75 hoặc 80 tuổi) được tiêm thêm một liều. Được biết, tính đến cuối tháng 12/2023, WHO đã nhận được báo cáo hơn 7 triệu trường hợp tử vong vì COVID-19.
Đinh Kim(T/h)