+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/1: Phát hiện bị suy thận cấp sau khi điều trị khỏi sốt xuất huyết

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/1/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 13/1/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Phát hiện bị suy thận cấp sau khi điều trị khỏi sốt xuất huyết

    Theo thông tin trên báo Nhân Dân, sau 5 ngày khỏi bệnh sốt xuất huyết, nam bệnh nhân N.V rơi vào triệu chứng mệt mỏi, tăng cân, không đi tiểu suốt 5 ngày, tăng 3kg, nôn khan và được phát hiện suy thận cấp.

    Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, sau khám lâm sàng, bác sĩ chỉ định xét nghiệm chức năng thận, tổng phân tích nước tiểu, siêu âm hệ tiết niệu cho người bệnh để tìm các nguyên nhân gây tổn thương cấp.

    Kết quả cho thấy chỉ số creatinin lên tới 688 mmol/L (chỉ số bình thường là 80-106 mmol/l), Hematocrit lên tới 0,56 l/l. Bác sĩ chẩn đoán ông V. mắc suy thận cấp, máu cô đặc.

    Sau khi truyền dịch, sử dụng lợi tiểu nhưng người bệnh vẫn không tiểu được và tiếp tục tăng cân, bác sĩ tiến hành đặt catheter lọc máu cấp cứu cho ông.

    TS.BS Mai Thị Hiền - Trưởng đơn nguyên Thận nhân tạo chia sẻ, suy thận liên quan đến sốt xuất huyết có cơ chế phức tạp và chưa được hiểu hết. Đầu tiên phải kể đến tình trạng thiếu dịch dẫn tới cô đặc máu, hoặc huyết động không ổn định dẫn tới giảm lưu lượng máu qua thận làm giảm mức lọc cầu thận. Có thể xảy ra tình trạng tiêu cơ vân trong sốt xuất huyết cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới suy thận cấp.

    Bên cạnh đó, có giả thuyết về vai trò của virus gây tổn thương trực tiếp đến thận. Virus Dengue sốt xuất huyết có thể gây tổn tử thương gan, thận, tim và có thể gây tử vong trong trường hợp sốt xuất huyết nặng.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1312024 phat hien bi suy than cap sau khi dieu tri khoi sot xuat huyet
    TS.BS Mai Thị Hiền thăm khám cho người bệnh. Ảnh: Nhân Dân

    Người bệnh khi bị suy thận cấp cần lọc máu (hay còn gọi là thận nhân tạo) giúp loại bỏ các chất cặn bã và nước thừa, cân bằng toan kiềm trong khi chờ thận hồi phục. Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ chỉ định số lần và thời gian lọc máu phù hợp.

    Người bệnh được tiến hành truyền dịch, lợi tiểu, cân bằng toan kiềm và lọc máu bằng hệ thống máy lọc hiện đại. Sau 4 lần lọc máu, bệnh nhân bắt đầu tiểu được, creatinin giảm dần, ăn uống dần trở lại bình thường. Người bệnh tiếp tục được điều trị và xuất viện sau 7 ngày.

    Theo TS.BS Mai Thị Hiền, chỉ định lọc máu thường dựa trên tình trạng sức khỏe tổng thể và mức độ nặng của bệnh, chỉ được áp dụng khi người bệnh không đáp ứng tốt với các liệu pháp điều trị thông thường.

    Quá trình lọc máu cần được thực hiện và theo dõi bởi các bác sĩ vững chuyên môn, với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại giúp giảm thiểu biến chứng trong quá trình lọc máu. Trước khi lọc máu người bệnh cần được thăm khám kỹ về lâm sàng, cần quan tâm tới cân nặng, nước tiểu, huyết động, tình trạng tim mạch, tình trạng toàn thân, các chỉ số xét nghiệm.

    Quá trình lọc máu cần chủ động điều chỉnh các thông số về dịch lọc, tránh thay đổi điện giải quá nhanh, rút nước thừa một cách hợp lý tránh tụt huyết áp trong quá trình lọc và sử dụng chống đông hiệu quả.

    Trường hợp bệnh nhân trên gặp tổn thương thận cấp sau khi điều trị ổn định bệnh sốt xuất huyết khá hiếm gặp, là một trong những biến chứng ít được chú ý và chưa được nghiên cứu nhiều của bệnh sốt xuất huyết khiến cho thời gian nằm viện kéo dài, tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

    Thực hiện thành công thêm một ca thông van tim bào thai

    Báo Tin Tức đưa tin ngày 12/1, ekip chuyên khoa can thiệp bào thai của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết đã thông tim can thiệp xuyên tử cung, cứu sống thai nhi 29 tuần bị tim bẩm sinh rất nặng và có nguy cơ tử vong rất cao ngay khi được sinh ra.

    Cụ thể, thai phụ P. A (27 tuổi, ngụ quận 3, TP.PCM) được phát hiện bào thai có bất thường tim lúc thai 21 tuần, với chẩn đoán là hẹp van động mạch chủ tiến triển. Đến ngày 11/1, thai được 29 tuần với diễn tiến hẹp van động mạch chủ nặng, đường kính van 2,6 mm, vận tốc máu qua van động mạch chủ 300cm/s, gây thiểu sản thất trái nặng hơn, trào ngược van 2 lá mức độ nặng.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1312024 phat hien bi suy than cap sau khi dieu tri khoi sot xuat huyet1
    PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cùng lãnh đạo Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và ekip thông tim can thiệp bào thai hội ý trước khi can thiệp thông tim cho thai phụ. Ảnh: Báo Tin Tức

    Qua hội chẩn, các chuyên gia bào thai và tim mạch trẻ em đều nhận định, trường hợp này nếu không can thiệp bào thai khẩn hoặc can thiệp trễ sau 30 tuần tuổi thì khả năng rất cao bào thai sẽ mất trong bụng mẹ hoặc thai sẽ diễn tiến đến hội chứng thiểu sản thất trái và thành tim 1 thất (sau sinh trẻ phải phẫu thuật nhiều giai đoạn để đưa tạm về tuần hoàn 1 thất hoặc phải điều trị triệt để bằng ghép tim).

    Theo đó, các chuyên gia tim mạch thống nhất chỉ định can thiệp tim mạch bào thai ở thời điểm này là phù hợp. Tuy nhiên, các bác sĩ dự báo, tư thế thai nhi sẽ không thuận lợi cho can thiệp thông tim vì có dư ối, thai nhi thay đổi ngôi liên tục, khó thực hiện thủ thuật, nếu thủ thuật có thể sẽ không thành công.

    Vào 9h15 ngày 12/1, ekip  chuyên khoa can thiệp bào thai và thông tim can thiệp trẻ em của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi Đồng 1 bắt đầu thực hiện thông tim can thiệp xuyên tử cung cho thai phụ. Theo ekip phẫu thuật, trong quá trình thông tim, thai nhi đổi ngôi liên tục nên việc đưa kim luồn vào thất trái và lên van động mạch chủ rất khó khăn.

    Thai phụ được gây tê tủy sống, sau đó siêu âm kiểm tra lại tư thế của thai. Do tư thế thai không thuận lợi nên ekip phẫu thuật can thiệp bào thai phải dùng các công cụ và thủ thuật để xoay trở thai nhi về vị trí thích hợp nhất, đó là thai nhi nằm ngửa, buồng tim tiếp xúc trực tiếp với thành trước tử cung. Kỹ thuật này kéo dài hơn 40 phút mới đạt được kết quả như mong đợi.

    Sau đó, các bác sĩ tiến hành tiêm thuốc vào đùi thai nhi để gây mê. Khi đưa được kim vào buồng thất trái, phát hiện thất trái nhỏ và dày do thiểu sản thất. Nhóm chuyên gia thực hiện can thiệp của Bệnh viện Từ Dũ đã gặp không ít khó khăn và phải mất khá nhiều thời gian mới đưa được kim vào đúng vị trí. Sau đó, chuyển tiếp cho ekip thông van tim của Bệnh viện Nhi Đồng 1 làm công đoạn quan trọng cuối cùng là nong van động mạch chủ.

    XEM THÊM: Vì sao suy thận ngày càng trẻ hóa? Những dấu hiệu nhận biết suy thận và cách phòng ngừa

    Sau nong, kiểm tra dòng chảy qua van động mạch chủ lên tốt. Ca phẫu thuật kết thúc lúc 11h cùng ngày và thành công tốt đẹp. PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã có mặt hội ý và theo dõi trong suốt quá trình ca phẫu thuật đặc biệt này.

    Thai phụ được theo dõi sát sau phẫu thuật, đến chiều nay, tràn dịch màng ngoài tim thai đã được kiểm soát tốt, nhịp tim thai bình thường, tình trạng thai phụ ổn định. Theo Sở Y tế TP.HCM, quá trình theo dõi thai kỳ sắp tới sẽ là sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng tiếp tục của cả hai bệnh viện.

    Thanh niên 27 tuổi bị đột quỵ sau khi tắm

    Theo VTC News, ngày 12/1, TS.BS Phùng Đức Lâm - Trưởng khoa Đột quỵ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) thông tin, đơn vị mới tiếp nhận trường hợp nam thanh niên 27 tuổi bị đột quỵ não sau tắm. 

    Cụ thể, người này được đưa vào bệnh viện trong tình trạng thị lực mắt phải 8/10, soi đáy mắt và mắt trái bình thường, kèm tê bì mặt và nửa người phải. Kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy hình ảnh nhồi máu não mới thuỳ chẩm bên trái.

    Các bác sĩ sử dụng phương pháp điều trị thuốc tiêu sợi huyết cho người bệnh. Sau khi tiêm xong thuốc tiêu sợi huyết 1 giờ, tình trạng mắt của người bệnh cải thiện 70%. Sau 3 ngày điều trị, mắt của người bệnh phục hồi hoàn toàn.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1312024 phat hien bi suy than cap sau khi dieu tri khoi sot xuat huyet2
    Ảnh chụp tổn thương não của bệnh nhân. Ảnh: VTC News

    Đột quỵ là căn bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời nhưng rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu - “thời gian vàng” để cứu sống người bệnh.

    Bệnh xảy ra khi mạch máu trong não bị tắc nghẽn hoặc vỡ khiến khả năng cung cấp oxy và dưỡng chất cho các tế bào não bị mất đi. Khi đó các tế bào này sẽ bị tổn thương hoặc chết, dẫn đến các triệu chứng như mất khả năng nói, di chuyển hoặc cảm nhận.

    Trường hợp nam thanh niên trên với tuổi đời còn rất trẻ cùng những triệu chứng bệnh lý không rõ ràng, rất may mắn người bệnh đến bệnh viện và được phát hiện, can thiệp kịp giờ vàng tránh được những biến chứng đáng tiếc do đột quỵ gây ra.

    Chuyên gia khuyến cáo, đột quỵ thường gia tăng khi trời lạnh và khi thời tiết thay đổi đột ngột. Khi trời lạnh, catecholamin trong máu tăng khiến mạch máu co lại, từ đó làm tăng áp lực trong lòng mạch dẫn đến tăng huyết áp và tăng nhịp tim khiến tăng tình trạng đông máu, dễ hình thành cục máu đông, tắc lòng mạch gây ra đột quỵ não, đột quỵ tim như nhồi máu cơ tim.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-13-1-2024-phat-hien-bi-suy-than-cap-sau-khi-dieu-tri-khoi-sot-xuat-huyet-a607056.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan