Bé 2 tuổi bị ngộ độc vì uống nhầm thuốc điều trị tâm thần
VTV News đưa tin, chiều 11/7, Trung tâm cấp cứu 115 Hùng Vương Kim Xuyên (tỉnh Tuyên Quang) tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi 2 tuổi ngộ độc do uống nhầm thuốc levomepromazin giờ thứ 4.
Theo lời kể của gia đình, khoảng 14h cùng ngày, bệnh nhi uống nhầm thuốc Levomepromazin 25mg (lọ khoảng 120 viên) không rõ số lượng. Sau khi uống thuốc, bệnh nhi ý thức chậm, lơ mơ buồn ngủ, gia đình lo lắng nên đã đưa đến Phòng khám Hùng Vương Kim Xuyên.
Khi đến phòng khám, bệnh nhi ở trong tình trạng hoảng loạn, lơ mơ, quấy khóc. Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí, rửa dạ dày và tiếp tục theo dõi sát tình trạng sức khỏe của bệnh nhi.
Qua trường hợp này, các bác sĩ lưu ý cha mẹ không nên để hóa chất trong các dụng cụ, chai đựng thức uống vì dễ làm trẻ nhầm lẫn với nước uống, thức uống. Bên cạnh đó, cần để thuốc và hóa chất xa tầm với trẻ hoặc cất trong các tủ có khóa, tránh cho trẻ tiếp cận, gây hậu quả đáng tiếc.
Levomepromazin là hoạt chất được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh tâm thần phân liệt, loạn thần thực thể, loạn thần giai đoạn hưng cảm... Thuốc phải được dùng theo đơn của bác sĩ và đúng liều lượng, chỉ định với mỗi bệnh nhân.
Nếu dùng quá liều thuốc Levomepromazin, có thể gây ức chế thần kinh trung ương với các triệu chứng như chóng mặt, mất điều hòa, bất tỉnh, ngủ gà, ức chế hô hấp, co giật…, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Người phụ nữ 69 tuổi bị sỏi mũi hiếm gặp
Theo báo Giáo Dục và Thời Đại, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết, đơn vị vừa phát hiện một trường hợp bị sỏi mũi hiếm gặp.
Cụ thể, bà N.T.T (69 tuổi, ngụ huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) trong vài tuần liên tiếp bị nghẹt mũi, chảy dịch mũi đục, hôi, kèm đau nhức vùng mũi, chảy máu mũi nên vào khám tại Bệnh viện Quân y 175. Bà T. cho biết tình trạng này đã kéo dài khoảng gần 30 năm nhưng không điều trị khỏi.
Theo ThS BS Nguyễn Hoàng Phong, khoa Tai mũi họng - Bệnh viện Quân Y 175, khối u (gợi ý sỏi mũi) có kích thước lớn 3x4cm, tăng quang, gây bít tắc hoàn toàn khe giữa, viêm dày niêm mạc toàn bộ các xoang vùng hốc mũi, làm hoại tử niêm mạc hốc mũi.
Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi xoang mũi lấy sỏi mũi và mở rộng đường dẫn lưu các xoang. Sau điều trị, người bệnh đã hết đau đầu, không còn chảy nước mũi, sức khoẻ đã ổn định.
“Quá trình hình thành sỏi là do mủ, dị vật và các chất canxi lắng đọng trong hốc mũi, amidan hoặc ống tuyến nước bọt, dẫn đến tắc nghẽn mũi mãn tính sau một thời gian dài tiến triển thầm lặng", bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong nói.
XEM THÊM: Những dấu hiệu dễ bỏ sót khi trẻ mắc tay chân miệng
Bác sĩ khuyến cáo, ngay khi có những dấu hiệu bất thường như đau đầu, nhức nửa mặt, chảy dịch mũi hôi, chảy máu mũi…, người bệnh nên đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.
Hai trẻ ngộ độc do ăn sữa chua tự làm tại nhà
Theo VTV News, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam vừa tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi ngộ độc do ăn sữa chua tự làm tại nhà. Các bệnh nhi vào khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực - Chống độc và Bệnh lý sơ sinh trong tình trạng nôn, mất nước, mệt, sốt nhẹ và đi ngoài phân lỏng nhiều lần, trong đó có một trẻ sốc giảm thể tích vì nôn ói và tiêu chảy nhiều.
Ngay sau khi tiếp nhận 2 bệnh nhi, các bác sĩ nhanh chóng cho truyền dịch, uống Oresol, men vi sinh và làm các xét nghiệm chẩn đoán. Sau khoảng 1 tuần điều trị, tình trạng của 2 đã bệnh nhi ổn định, không còn sốt, nôn, đi ngoài và lần lượt được xuất viện, tiếp tục theo dõi tại nhà.
Các bác sĩ chia sẻ, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Trong đó, hai "thủ phạm" chính là vi khuẩn và hoá chất trong thức ăn. Ngộ độc thực phẩm do hoá chất ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ. Ví dụ, dùng thức ăn chứa nhiều hàn the, formol, thuốc trừ sâu, màu thực phẩm…, bé sẽ mắc các bệnh mãn tính, thậm chí gây ung thư, biến đổi gien.
Tình trạng ngộ độc do vi khuẩn thường chiếm tỷ lệ cao hơn. Thực phẩm không được vệ sinh sạch sẽ là môi trường ủ bệnh của vi khuẩn. Các loại vi khuẩn thường phát triển ở môi trường giàu chất đạm như thịt, cá, trứng, sữa…
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, cần rửa tay sạch với xà phòng trước khi sử dụng đồ ăn uống; bảo quản đồ ăn thừa và các loại thực phẩm khác được bọc kín trong tủ lạnh nếu chưa cần dùng đến; đun sôi lại trước khi sử dụng.
Nấu thức ăn chín với nhiệt độ thích hợp và lưu trữ trong hộp sạch. Đồng thời, không để trẻ ăn uống mà không có sự giám sát của người lớn. Không sử dụng lại đồ ăn cũ có dấu hiệu bị hỏng; kiểm tra kĩ thời hạn sử dụng của các thực phẩm đóng gói trước khi sử dụng.
Đinh Kim(T/h)