Cấp cứu thành công bệnh nhân bị tràn dịch màng tim nguy hiểm
VTV News đưa tin, đêm 10/7, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn (Phú Thọ) đã cấp cứu thành công cho người bệnh bị tràn dịch màng tim nguy hiểm. Cụ thể, bệnh nhân H.V.T. (58 tuổi, trú tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) vào viện trong tình trạng đau tức ngực, khó thở, không sốt, thể trạng suy kiệt nặng. Người bệnh có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD.
Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy người bệnh có tiếng tim mờ, nhịp nhanh, huyết áp tụt, kết quả điện tim có hình ảnh điện thế thấp, điện thế luân phiên (hình ảnh điển hình do tràn dịch màng tim), siêu âm tim phát hiện nhiều dịch màng tim.
Bác sĩ CKI Bùi Xuân Khánh, Phó Giám đốc bệnh viện, đã triển khai kỹ thuật chọc dịch màng tim bằng Catherter cho người bệnh ngay tại giường bệnh dưới hướng dẫn siêu âm. Sau 30 phút thu được hơn 1.000ml dịch đỏ không đông.
Người bệnh ngay lập tức cải thiện các triệu chứng trên lâm sàng và xét nghiệm, hết đau ngực, hết khó thở, điện tim hết các dấu hiệu điện thế thấp và luân phiên. Hiện tại, người bệnh tiếp tục được dẫn lưu dịch dưới hệ thống kín, áp lực âm, chăm sóc, thay băng, theo dõi và đánh giá sát sao tại khoa Hồi sức cấp cứu.
Theo bác sĩ Khánh, tràn dịch màng tim nói riêng và các bệnh lý tim mạch nói chung đều rất nguy hiểm. Trong trạng thái bình thường, trái tim của chúng ta được bao quanh bởi một lớp bọc và tạo ra một khoang màng ngoài tim có chứa khoảng 15 - 50ml dịch.
Khi tình trạng dịch ở màng ngoài tim tăng lên gây chèn ép tim cấp tính (trái tim như đang bơi đuối sức trong bể bơi), các buồng tim không thể giãn nở được, máu không về tim được và tim co bóp không hiệu quả khiến người bệnh tụt huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Khánh khuyến cáo, ở những người bệnh có các yếu tố nguy cơ có thể gây ra tràn dịch màng tim như ung thư, suy kiệt, viêm màng tim, xơ gan, hội chứng thận hư…, nếu có các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, ngộp thở… thì cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Cứu sống bé trai sinh non mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm
Báo Công An Nhân Dân dẫn thông tin từ PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho hay bé trai sinh non vừa chào đời đã bị viêm ruột hoại tử, hẹp ruột.
Trước đó, sản phụ T.A. (Hà Nội) mang thai đến tuần thứ 23 có dấu hiệu dọa đẻ non, phải chuyển vào Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Bác sĩ đã cố gắng điều trị, giữ thai cho bệnh nhân nhưng khi thai được hơn 25 tuần, bệnh nhân chuyển dạ và sinh non.
Bé trai tên N.T.B.K. chào đời bằng phương pháp sinh thường ở tuần thai thứ 25, chỉ nặng 600g. Sau sinh non, bé bị suy dinh dưỡng, suy hô hấp, thở nấc, phản xạ rất chậm, buộc phải đặt nội khí quản, thở máy.
Hành trình điều trị cho bé gặp rất nhiều khó khăn, sự sống của bé rất mong manh. Do mắc nhiều bệnh lý nên trong quá trình điều trị, Bệnh viện Phụ sản Trung ương phối hợp với Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật điều trị tắc ruột cho cháu bé.
Theo bác sĩ Phạm Văn Thái, Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), đây là ca bệnh đặc biệt, có thời gian điều trị lâu nhất tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, với gần 5 tháng điều trị. Bé đã trải qua 52 ngày thở máy xâm nhập, 10 lần truyền máu.
Viêm ruột hoại tử là bệnh lý rất nguy hiểm có thể khiến trẻ tử vong. Trẻ càng non tháng nguy cơ bị càng cao, tỉ lệ viêm ruột hoại tử từ 15-20%, thường xảy ra ở khoảng từ ngày thứ 10 đến ngày thứ 45 sau sinh. Các bác sĩ thường xuyên hội chẩn với bác sĩ Khoa Phẫu thuật Nhi, Bệnh viện Việt Đức để tìm phương pháp điều trị cho trẻ.
Khi được 110 ngày tuổi, bé được PGS.TS Nguyễn Việt Hoa, Trưởng khoa Phẫu thuật nhi Bệnh viện Việt Đức tiến hành phẫu thuật. Bác sĩ Hoa chia sẻ, ruột của bệnh nhi lúc mổ chỉ bằng 1/5 ruột bình thường, hẹp và nhỏ vô cùng, do đó tiên lượng phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn.
XEM THÊM: Phẫu thuật thành công cho bé trai mắc bệnh hiếm lần đầu ghi nhận tại Việt Nam
Sau khi được phẫu thuật cắt đoạn hẹp và nối lại tại Bệnh viện Việt Đức, trẻ lại được chuyển về Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản trung ương. Sau 10 ngày phẫu thuật, bé trai đã được cho ăn hoàn toàn qua đường tiêu hóa.
Đến nay, sau 143 ngày điều trị, trẻ nặng 2.200g, tương đương bé khoảng 1 tháng tuổi, ăn tốt, bú được mẹ và biết cười tự phát.
Báo động đỏ cứu người đàn ông bị phình động mạch chủ bụng vỡ
Theo VietNamNet, nam bệnh nhân N.V.N (68 tuổi) được đưa vào khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) trong tình trạng sốc mất máu.
Tại đây, huyết áp bệnh nhân ghi nhận là 50/30 mmHg. Người bệnh được các bác sĩ khẩn trương hồi sức tích cực truyền dịch, dùng thuốc vận mạch nâng huyết áp lên 90/50 mmHg và chuyển chụp cắt lớp vi tính toàn thân. Sau chụp, bác sĩ Khoa Chẩn đoán hình ảnh phát hiện bệnh nhân có phình động mạch chủ bụng vỡ gây tụ máu lớn khoang sau phúc mạc.
Nhận thấy đây là một tình trạng rất nặng, bệnh nhân nguy cơ tử vong cao nếu không được phẫu thuật kịp thời, ekip liên chuyên khoa gồm khoa cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, ngoại lồng ngực, gây mê hồi sức đã khẩn trương khởi động báo động đỏ, vừa hồi sức tích cực, vừa chuyển phòng mổ phẫu thuật cấp cứu.
Bệnh nhân được thay đoạn động mạch chủ bụng phình vỡ bằng mạch máu nhân tạo chữ Y. Công tác phẫu thuật cấp cứu được triển khai nhanh nhất có thể. 6 đơn vị hồng cầu khối và 6 đơn vị plasma cũng đã được sử dụng trong quá trình này.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định, được rút nội khí quản ngay sau mổ. Đến chiều 11/7, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, vận động cảm giác tốt, chức năng gan, thận không bị ảnh hưởng và được xuất viện.
Đinh Kim(T/h)