Hãi hùng phát hiện 11 con giòi làm tổ dưới mí mắt bé trai
Newsweek đưa tin, bé trai 10 tuổi ở Tatvan (Thổ Nhĩ Kỳ) được phát hiện có giòi làm tổ dưới mí mắt khi đến bệnh viện khám. Trước đó, cậu bé chịu đựng cơn đau nhức ở mắt nhiều ngày.
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Halil İbrahim Ateşoğlu - chuyên gia nhãn khoa, đội ngũ bác sĩ của bệnh viện đã tìm thấy những con giòi di chuyển dưới mí mắt bệnh nhi. Để làm sạch mắt bé trai, các bác sĩ đã phải sử dụng kính hiển vi để gắp toàn bộ con giòi ra khỏi mắt cậu.
"Dưới mí mắt trái của cậu bé, các bác sĩ tìm thấy 8 ấu trùng ruồi còn sống. Ngày hôm sau, chúng tôi tìm thấy thêm 3 ấu trùng nữa", Tiến sĩ Halil İbrahim Ateşoğlu nói với truyền thông địa phương.
Theo thông tin từ bệnh viện, các bác sĩ cho rằng ấu trùng đã tích tụ khi cậu bé bị một con ruồi trưởng thành bay vào mắt 2 ngày trước đó. Trong quá trình điều trị, bé trai được tiêm kháng sinh và đã được xuất viện.
Được biết, từ trước đến nay, việc tìm thấy ấu trùng ruồi trong mắt người không hiếm. Thậm chí, khoa học còn gọi hiện tượng này là bệnh viêm cơ mắt.
Bệnh thường được phát hiện nhiều nhất ở những người làm việc gần với động vật trang trại hoặc sống gần sông, vùng nông thôn. Khi ấu trùng chui vào mắt, chúng sẽ bám vào bằng những chiếc móc nhỏ dọc cơ thể.
Loài ruồi phổ biến nhất liên quan đến bệnh viêm cơ mắt là Oestrus ovis. Chúng thường gửi ấu trùng vào lỗ mũi của cừu, dê và động vật nhai lại hoang dã. Những ấu trùng này cũng có thể vô tình rơi vào hốc mắt con người.
Tiến sĩ Halil İbrahim Ateşoğlu cho hay, tình trạng ruồi bay vào mắt thường phổ biến hơn vào mùa hè. Nếu bạn bị ngứa hoặc đỏ mắt bất thường sau khi tiếp xúc với một trong những loài côn trùng này ở mắt, nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để có cách xử trí sớm.
Bé 5 tuổi nhập viện cấp cứu sau khi nuốt kèn đồ chơi
Theo VTV News, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh vừa tiếp nhận và xử trí kịp thời trường hợp bệnh nhi 5 tuổi hít sặc kèn đồ chơi vào đường thở nguy kịch.
Cụ thể, người nhà kể, trong quá trình ngồi chơi, bệnh nhi đột ngột nuốt kèn đồ chơi. Sau khi nuốt, bệnh nhi khó thở, ho sặc sụa nên gia đình nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh.
Tại đây, tua trực cấp cứu tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng thở rít, xuất hiện tình trạng suy hô hấp. Sau hồi sức ban đầu, các bác sĩ nhanh chóng chỉ định nội soi phế quản gắp dị vật khẩn.
Ekip nội soi đã tìm thấy một cái kèn đồ chơi nằm ở phế quản thùy dưới phổi trái và nhanh chóng lấy ra ngoài. Sau can thiệp lấy dị vật thành công, bệnh nhi được theo dõi tại khoa Nhi và đã được xuất viện sau 3 ngày điều trị.
Bác sĩ CKI Ngô Hùng Trí – Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh khuyến cáo, những trẻ trong độ tuổi từ 1-5 tuổi, thích khám phá nên trẻ có thể nuốt hay sặc vào đường thở hoặc nhét bất cứ dị vật nào vào các hốc tự nhiên của cơ thể.
Gia đình cần dạy cho trẻ biết những điều không được làm như ngậm, nhét đồ chơi, vật lạ vào mũi, tai, hậu môn… Đồng thời, cần giám sát, lựa chọn đồ chơi phù hợp, tránh để trẻ chơi với những vật nhỏ, gọn vừa tầm tay, các loại đồ chơi có pin vị trí lắp pin nên được cố định chắc chắn.
XEM THÊM: Cảm động vợ hiền hiến thận cứu chồng
Nếu phát hiện dị vật trong cơ thể bé, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là phải bình tĩnh, tìm cách trấn an trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế có đơn vị nội soi để xử trí gắp dị vật ra cho trẻ kịp thời.
Tự ý đắp thuốc không rõ nguồn gốc sau khi bị bỏng
Theo Người Đưa Tin Pháp Luật, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam (53 tuổi), vào viện với vết thương bỏng bàn tay bị nhiễm trùng.
Được biết, cách đây khoảng một tháng, bệnh nhân bị bỏng nước sôi (nước canh). Ngay sau đó, bệnh nhân đã đến một nhà người quen (không phải nhân viên y tế) ở làng để xử trí tổn thương, được đắp một loại thuốc không rõ nguồn gốc vào tay.
Hàng ngày, bệnh nhân đến đây để thay băng chăm sóc. Tuy nhiên, tổn thương càng ngày càng phức tạp, nhiễm trùng, chảy dịch mủ vàng, thấy không ổn bệnh nhân mới đến bệnh viện để điều trị.
Trực tiếp thăm khám, Ths.BS Phạm Duy Linh - khoa Phẫu thuật Tạo hình đã chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng để giúp loại trừ các tổn thương phối hợp, cuối cùng đi đến chẩn đoán là vết thương khuyết da nhiễm trùng mu bàn tay (T) do bị bỏng.
Bác sĩ Linh cho biết đây là trường hợp tổn thương bỏng ở bàn tay bị nhiễm trùng nặng do điều trị sai cách. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt lọc làm sạch ổ tổn thương. Bệnh nhân được điều trị, chăm sóc thay băng vết thương hàng ngày.
Sau 7 ngày điều trị, tình trạng vết thương đã được cải thiện, hết nhiễm trùng, tổ chức hạt lên đỏ, sạch sẽ. Bệnh nhân sẽ cần được phẫu thuật một lần nữa để đóng tổn khuyết và hồi phục chức năng bàn tay hoàn toàn.
Đinh Kim(T/h)