Bé trai 8 tuổi nguy kịch do uống thuốc hạ sốt quá liều
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, đơn vị vừa cấp cứu thành công cho bé trai N.M.T (8 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) trong tình trạng nguy kịch, men gan cao gấp 300 lần bình thường do uống Paracetamol (thuốc hạ sốt) quá liều, theo TTXVN.
Được biết, bệnh nhi sống cùng ông bà ngoại. Bà ngoại bé kể, do bé bị sốt nên bà đã tự mua thuốc hạ sốt ở hiệu thuốc gần nhà để cho cháu uống. Vì không được hướng dẫn kỹ nên khi cháu sốt cao, cứ cách 1 giờ bà lại luân phiên cho cháu sử dụng thuốc gồm cả thuốc dạng viên, dạng gói và đặt hậu môn.
Dùng thuốc liên tục trong 2 ngày, bệnh nhi bắt đầu rơi vào trạng thái bỏ ăn, hôn mê, suy hô hấp… Lúc này, gia đình mới đưa bệnh nhi đến bệnh viện tỉnh và được chuyển gấp lên Bệnh viện Nhi đồng 2.
Tại khoa Hồi sức Nhiễm và COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi trong tình trạng lơ mơ, rối loạn đông máu, suy gan với men gan cao 9.500 UI/L (đối với người bình thường là 30-40 UI/L).
Sau đó, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp kết hợp truyền thuốc, huyết tương tươi đông lạnh để điều chỉnh rối loạn đông máu và các biện pháp hỗ trợ khác. Nhờ điều trị tích cực nên tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, ăn uống trở lại, men gan từ từ hạ, chức năng gan trở lại bình thường và được xuất viện sau đó 1 tuần.
Bé trai tụt huyết áp, nổi mẩn khắp người sau khi ăn xôi trứng kiến
VietNamNet thông tin, khoảng 21h ngày 11/4, Trung tâm cấp cứu 115 - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhi 7 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng mẩn ngứa nhiều toàn thân, mạch 110, huyết áp tụt 80/50 mmHG, nhịp thở nhanh 28 lần/phút.
Bệnh nhi có biểu hiện điển hình của phản vệ. Do đó, các bác sĩ nhanh chóng tiêm Adrenalin 1mg/ml tiêm bắp 1/3 ống/lần. Sau tiêm 2 lần, tình trạng bệnh nhi dần ổn định, mạch huyết áp trở lại bình thường và được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu theo dõi và điều trị.
Sau khi sức khỏe ổn định, bệnh nhi kể lại chiều ngày 11/4, khi ở nhà một mình, bé được người thân cho ăn xôi trứng kiến. Đến tối, sau bữa cơm cùng gia đình, bé bị mẩn đỏ toàn thân, kèm theo ngứa nên được đến bệnh viện cấp cứu. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhi ổn định và có thể ra viện trong vài ngày tới.
Được biết, dị ứng, phản vệ, sốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì thế, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường, sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm..., người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Bóc tách u tuyến giáp nặng 1,5kg cho nữ bệnh nhân
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng đã phẫu thuật thành công khối u tuyến giáp khổng lồ với kích thước khoảng 20 x 15 x 20 cm, nặng 1,5 kg.
Trước đó, bà H.Bak A (69 tuổi, ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) đến Bệnh viện Đà Nẵng trong trong tình trạng khó thở, kịch phát về đêm, không nằm ngửa được, phải thường xuyên ngủ ngồi, hạn chế về hoạt động thể lực.
Bệnh nhân có tiền sử bệnh bướu giáp hơn 10 năm, tăng huyết áp, suy tim đến khoa Ngoại Lồng ngực - Bệnh viện Đà Nẵng để điều trị phẫu thuật. Qua đánh giá trên phim chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực nhận thấy bướu giáp lớn chèn ép khí quản, thực quản và các mạch máu lớn vùng cổ, kích thước lớn khoảng 20 x 15 x 20 cm.
Khối này lan từ vùng góc hàm, lan xuống trung thất trước, chèn ép các cấu trúc lân cận (mạch máu, khí quản, thực quản… Bệnh nhân được chỉ định bóc tách khối u. Với sự phối hợp nhịp nhàng của các chuyên khoa gây mê, Ngoại lồng ngực và Nội tim mạch, sau hơn 2 giờ, các bác sĩ đã bóc tách trọn khối u nặng 1,5kg mà không thương tổn các vùng lân cận và không để lại biến chứng gì.
Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, tự thở đều, không còn tình trạng khó thở thanh quản, đang trong quá trình hồi phục sau mổ và có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ CKII Thân Trọng Vũ - Trưởng Khoa Ngoại Lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng, phẫu thuật viên chính của kíp mổ chia sẻ, đây là trường hợp phức tạp, khó khăn bởi khối u tuyến giáp có kích thước lớn, chèn ép mạch máu lớn, khí quản, thực quản. Nguy cơ chảy máu, tổn thương dây thần kinh thanh quản, tuyến cận giáp, suy hô hấp sau mổ rất cao.
Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có bệnh lý cơ tim giãn, suy tim nên tiên lượng rất nặng. Các bác sĩ phải làm sao để đảm bảo lấy trọn khối u mà không gây vỡ u, đảm bảo an toàn tránh các biến chứng cho bệnh nhân.
Đinh Kim (T/h)