Thanh niên 28 tuổi bị lưỡi câu cắm vào mắt
Tờ Tri Thức Trực Tuyến thông tin, nam bệnh nhân Đ.N.A. (28 tuổi, trú tại Hòa An, Phú Hòa, Phú Yên) rủ bạn đi câu đêm ở Vũng Rô (thị xã Đông Hòa). Khi người bạn thực hiện động tác quăng câu đã vô tình cắm lưỡi câu vào mắt bệnh nhân.
Người bệnh lập tức được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu. Bệnh nhân đã được bác sĩ chuyên khoa Mắt Bùi Anh Hòa thăm khám.
Bác sĩ nhận định lưỡi câu đã đi sâu và bám chắc vào phần sụn mi mắt trên bên phải của bệnh nhân, may mắn là nhãn cầu chưa bị tổn thương. Sau đó, bác sĩ tiến hành tạo đường rạch để làm đường thoát an toàn cho lưỡi câu.
Lưỡi câu đã được rút ra thành công với phần ngạnh nằm sâu trong mí mắt gần một cm. Đường rạch ngắn và được bác sĩ khâu đóng kỹ nhằm đảm bảo thẩm mỹ cho bệnh nhân.
Nhân đây, các bác sĩ khuyến cáo mọi người khi đi câu cá cần trang bị đầy đủ các bảo hộ cần thiết, đặc biệt nên đeo kính để phòng tránh bị lưỡi câu bay vào mắt. Nếu không may mắc phải, lưỡi câu sắc, nhọn thường để lại hậu quả nặng nề, di chứng lâu dài và có thể hỏng mắt vĩnh viễn.
Khi bị các tổn thương hay dị vật vào mặt, người dân cần tránh dùng tay dụi mắt hay tự ý lấy các dị vật ra ngoài, mà nên đến các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời, tránh gây ra các biến chứng đáng tiếc.
Cứu sống du khách bị nhồi máu cơ tim khi đi du lịch
Bác sĩ CKII Đặng Minh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết, các y bác sĩ của bệnh viện vừa cứu thành công một trường hợp bệnh nhân đến Sóc Trăng để du lịch thì bị nhồi máu cơ tim, theo VOV.
Cụ thể, ngày 8/4, bệnh nhân N.T.A (51 tuổi, quê ở Quận Tân Phú, TP.HCM) đang đi du lịch tại huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) thì bị đau ngực dữ dội và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cấp cứu.
Bệnh nhân được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim, Block nhĩ thất độ III được đưa đi chụp mạch vành và kết quả là bị tắc nhánh RCA III. Ekip can thiệp mạch vành của bệnh viện đã tiến hành can thiệp và đặt stent cho bệnh nhân.
Sau khi đặt stent thành công, bệnh nhân được tiếp tục chuyển đến khoa Hồi sức tích cực và Chống độc để thở máy và truyền vận mạch. Sau 3 giờ, bệnh nhân tỉnh lại, tự thở tốt, rút nội khí quản, ngưng thở máy, đến 18h cùng ngày thì ngưng vận mạch.
Theo bác sĩ Đặng Minh Hiền, hiện tại, bệnh nhân hồi phục tốt, huyết áp ổn định, thở đều, hết đau ngực, ăn uống bình thường và được chuyển về khoa Tim mạch của bệnh viện để tiếp tục điều trị và theo dõi.
Suy tuyến thượng thận vì tự điều trị bằng thuốc không rõ nguồn gốc
Theo VTV News, Bệnh viện Đa khoa thị xã Phú Thọ vừa tiếp nhận người bệnh bị suy tuyến thượng thận, men gan tăng cao do tự điều trị bệnh bằng thuốc không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, bệnh nhân P.Q.T. (56 tuổi, trú tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) nhập viện với các biểu hiện mặt to tròn, cổ bạnh, da mỏng, sao mạch, bụng to, chân tay teo nhỏ (hội chứng suy tuyến thượng thận).
Trước đó, bệnh nhân tự điều trị tại nhà bằng thuốc bột mua sẵn tại địa phương không rõ nguồn gốc, thành phần của thuốc và đã sử dụng tại nhà trong thời gian 5 tháng. Sau khi xét nghiệm cho kết quả các chỉ số men gan tăng cao GOT: 531 U/L, GPT: 389 G/L, GGT: 1.984 U/L.
Các bác sĩ chia sẻ, trong các loại thuốc nam trôi nổi trên thị trường đều không có nguồn gốc, thành phần rõ ràng và rất có thể đã bị trộn corticoid để có tác dụng nhanh chóng, khiến người bệnh tin tưởng. Thế nhưng, người bệnh dùng Corticoid kéo dài sẽ ức chế các hoạt động của tuyến thượng thận.
Khi đang dùng corticoid liều cao, kéo dài, nếu ngừng thuốc hoặc giảm liều đột ngột có thể dẫn đến triệu chứng suy tuyến thượng thận cấp với các biểu hiện: Tụt huyết áp, mệt, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức do rối loạn điện giải, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
Với trường hợp bệnh nhân nói trên, việc điều trị rất khó khăn. May mắn, sau khi được các bác sĩ điều trị tích cực, sức khỏe người bệnh có nhiều tiến triển tốt, các chỉ số men gan đã về mức bình thường.
Đinh Kim(T/h)