+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống mới nhất ngày 10/1: Người phụ nữ bị phổi biệt lập trong phổi hiếm gặp

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 10/1/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 10/1/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Người phụ nữ bị phổi biệt lập trong phổi hiếm gặp

    Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng vừa phẫu thuật nội soi cắt một phần thùy dưới phổi trái cho bệnh nhân bị phổi biệt lập trong phổi với kích thước lớn và hiếm gặp.

    Cụ thể, bà V.T.T (58 tuổi, ở huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) đi khám và tình cờ phát hiện khối tổn thương ở thùy dưới phổi trái. Qua thăm khám và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, các bác sĩ phát hiện hình ảnh khối tổn thương này nằm trong thùy dưới phổi trái, được nuôi dưỡng bởi một nhánh động mạch xuất phát từ động mạch chủ ngực, đường kính của nhánh động mạch nuôi dưỡng này bằng nửa đường kính động mạch chủ ngực.

    Bệnh nhân được chẩn đoán phổi biệt lập trong thùy dưới phổi trái và được chỉ định phẫu thuật để cắt phần phổi biệt lập bằng phương pháp nội soi lồng ngực.

    Các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng tiến hành phẫu tích cắt bỏ nhánh động mạch xuất phát từ động mạch chủ ngực, đang nuôi dưỡng cho phần phổi biệt lập và cắt bỏ trọn vẹn tổn thương phổi biệt lập, đồng thời bảo tồn được thùy dưới phổi trái cho bệnh nhân mà không xảy ra biến chứng. Ca phẫu thuật diễn ra trong vòng 3 giờ. Sau mổ 5 ngày, bệnh nhân ổn định và được xuất viện.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1012023 nguoi phu nu bi phoi biet lap trong phoi hiem gap
    Bác sĩ khoa Ngoại Lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng xem hình ảnh phổi bệnh nhân trên phim. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

    Theo bác sĩ CKII Thân Trọng Vũ - Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Đà Nẵng, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, đây là một ca bệnh hiếm gặp, một phẫu thuật khó và phức tạp do động mạch nuôi dưỡng cho phổi biệt lập trên bệnh nhân này có đường kính lớn, xuất phát từ động mạch chủ ngưc, có biểu hiện vôi hóa dễ vỡ gây chảy máu nên các bác sĩ phải làm rất kỹ để chỉ cắt bỏ phần phổi bị tổn thương mà không cắt toàn bộ thùy phổi của bệnh nhân.

    Bác sĩ Vũ chia sẻ thêm, phổi biệt lập là một tổn thương bẩm sinh bất thường ở phổi. Đây là một bệnh hiếm gặp, tổn thương dị dạng đường thở- phổi bẩm sinh có tỷ lệ mới mắc khoảng 1/8.300 – 1/35.000 trẻ sinh ra còn sống (nghĩa là 8.300 -35.000 trẻ sinh ra sống thì có 1 trẻ mắc tổn thương dị dạng đường thở bẩm sinh). Trong các tổn thương dị dạng đường thở - phổi bẩm sinh thì phổi biệt lập chiếm tỷ lệ 0,15-6,4%.

    Tại Bệnh viện Đà Nẵng, 10 năm nay mới gặp 1 trường hợp phổi biệt lập. Việc chẩn đoán phổi biệt lập thường được thực hiện ở thời kỳ trẻ nhỏ. Đối với người trưởng thành việc phát hiện phổi biệt lập không có triệu chứng rất hiếm gặp, chỉ được phát hiện tình cờ khi tầm soát chẩn đoán liên quan đến một số bệnh.

    Va chạm trong lúc chơi bóng đá, bé trai bị chấn thương tinh hoàn

    Theo thông tin trên báo Kinh Tế & Đô Thị, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại Tiết niệu của đơn vị vừa tiếp nhận điều trị cho bé trai N.M.T (13 tuổi, tên bệnh nhi đã được thay đổi) bị chấn thương tinh hoàn sau khi va chạm với bạn trong khi chơi bóng đá.

    Người nhà bệnh nhi kể, trong lúc đang chơi đá bóng cùng bạn, bé bất ngờ bị đá trúng vào vùng kín. Sau tai nạn, bé được gia đình đưa vào cấp cứu tại bệnh viện địa phương và sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị.

    Bác sĩ Vũ Xuân Hoàn – khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho hay, trẻ vào viện trong tình trạng tinh hoàn trái (T) sưng nề, bầm tím, tụ máu vùng bìu trái. Hình ảnh siêu âm cho thấy tinh hoàn trái không tưới máu, có máu tụ xung quanh, không có tín hiệu mạch. Vì vậy, ngay lập tức các bác sĩ quyết định mổ cấp cứu cho trẻ.

    Quá trình phẫu thuật có nhiều máu đen, máu cục ở vùng bìu bên trái, mặt bên trong tinh hoàn trái bị vỡ một nửa bó mạch thần kinh. Tuy nhiên, ekip phẫu thuật nhận thấy nhu mô tinh hoàn vẫn còn tưới máu tốt nên đã quyết định lấy máu tụ, khâu cầm máu và bảo tồn tinh hoàn trái cho trẻ.

    Ca phẫu thuật diễn ra trong 1,5 giờ đã thành công. Hiện sức khỏe trẻ ổn định, tinh hoàn hết sưng nề và đã được ra viện.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1012023 nguoi phu nu bi phoi biet lap trong phoi hiem gap1
    Bé trai bị chấn thương tinh hoàn sau khi va chạm với bạn trong khi chơi bóng đá. Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ

    Theo bác sĩ Vũ Xuân Hoàn, chơi thể thao sẽ giúp trẻ thấu hiểu, học hỏi được nhiều kỹ năng và có thái độ sống tích cực cần thiết cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Tuy nhiên, bất kỳ môn thể thao nào cũng có thể dẫn đến chấn thương, đặc biệt là khi trẻ tham gia các môn thể thao đối kháng, bóng đá…

    Để bảo vệ trẻ khỏi chấn thương khi chơi thể thao, các bác sĩ lưu ý cha mẹ một số điều. Cụ thể, trước khi tham gia chơi bất kỳ môn thể thao nào, trẻ nên được biết các quy tắc chung của trò chơi và cách giữ an toàn cho mình cũng như người chơi. Trẻ cần phải được trang bị dụng cụ thể thao có kích thước phù hợp, vừa vặn, đảm bảo an toàn.

    XEM THÊM: Thiếu nữ 20 tuổi nguy kịch do vỡ khối chửa ngoài tử cung vì tự uống thuốc phá thai tại nhà

    Cha mẹ nên kiểm tra vị trí trẻ chơi để đảm bảo rằng các sân chơi không có nhiều lỗ và rãnh có thể khiến trẻ bị vấp ngã. Khi tham gia các môn thể thao đồng đội, trẻ phải được giám sát bởi những người đủ tiêu chuẩn chuyên môn…

    Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu trẻ không may gặp phải tai nạn chấn thương ở vùng kín, gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để trẻ được thăm khám, đánh giá mức độ tổn thương và điều trị kịp thời.

    Vùng kín bất ngờ chảy máu, đi khám phát hiện mắc ung thư nội mạc tử cung

    Tạp chí Tri Thức đưa tin, bà N.T.B.V. (60 tuổi, Hải Phòng) được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) trong tình trạng đau bụng vùng hạ vị đã 5 tháng. Cơn đau tăng dần lên nhưng bệnh nhân chủ quan không đi khám. Đến khi vùng kín bất ngờ bị chảy máu suốt một tháng, bà V. mới đến bệnh viện.

    Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường type 2. Tại bệnh viện, qua xét nghiệm và thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bà V. mắc ung thư nội mạc tử cung. Nữ bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u.

    Sau 2,5 giờ phẫu thuật, bệnh nhân được cắt bỏ toàn bộ tử cung, 2 phần phụ và nạo vét hạch chậu 2 bên. Các bác sĩ bóc tách khối u có kích thước 20cm. Sau mổ, sức khỏe của người bệnh ổn định, ăn uống bình thường.

    Ung thư nội mạc tử cung (hay ung thư tử cung, Carcinoma nội mạc tử cung) đang ngày gia tăng và trở thành căn bệnh ung thư phụ khoa phổ biến ở phụ nữ. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở nữ giới, sau ung thư vú.

    tin tuc doi song moi nhat ngay 1012023 nguoi phu nu bi phoi biet lap trong phoi hiem gap2
    Sức khỏe của bệnh nhân ổn định sau khi được phẫu thuật, ăn uống bình thường. Ảnh: Tri Thức

    Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu GLOBOCAN năm 2018, tại Việt Nam, mỗi năm có 4.150 ca mắc ung thư nội mạc tử cung và 1.156 ca tử vong vì căn bệnh này.

    Bệnh chiếm 75% ở phụ nữ mãn kinh trên 55 tuổi, chỉ 5% trường hợp mắc dưới 40 tuổi. Đây cũng chính là một trong những mối đe dọa sức khỏe của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị triệt để.

    Hầu hết phụ nữ mắc ung thư nội mạc tử cung có triệu chứng từ sớm, thường gặp nhất là xuất huyết tử cung bất thường, ra huyết âm đạo kéo dài, ra huyết giữa chu kỳ kinh, hành kinh không đều hoặc ra huyết âm đạo sau mãn kinh.

    Một số triệu chứng muộn hơn của bệnh có thể bao gồm đau vùng chậu; chướng bụng, đầy bụng; thay đổi thói quen đi đại tiện, tiểu tiện; giảm cân không rõ lý do.

    Bệnh thường gặp ở những người béo phì, mắc bệnh đái tháo đường hoặc những người hay dùng các sản phẩm có chứa hormone estrogen.

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-doi-song-moi-nhat-ngay-10-1-2024-nguoi-phu-nu-bi-phoi-biet-lap-trong-phoi-hiem-gap-a606599.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan