Hiện nay có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi tới thăm khám do mệt mỏi và được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối. Bệnh suy thận thường được phát hiện ở giai đoạn muộn do các tổn thương âm thầm, ít có biểu hiện. Do vậy người bệnh dần dần sẽ thích nghi với các biểu hiện này hoặc có tâm lý chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo. Thông thường, rất ít người bệnh phát hiện được suy thận ở giai đoạn sớm.
Suy thận là bệnh lý gì?
Theo thông tin từ Bệnh Viện Đa khoa Medlatec, thận có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống của con người. Chính vì vậy, khi chức năng của cơ quan này gặp rối loạn, sức khỏe chúng ta sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Một trong những vấn đề nguy hiểm mà ai cũng cần phải lưu ý, đó là bệnh lý suy thận.
Đây là bệnh lý xảy ra khi thận bị suy giảm chức năng. Điều này dẫn đến chất thải trong máu không thể lọc ra ngoài và tích tụ lại. Suy thận sẽ chia thành 2 loại, đó là:
Suy thận mạn tính: Quá trình suy giảm chức năng của thận sẽ diễn ra trong một thời gian dài và khó có thể điều trị dứt điểm được. Người bệnh cần phải biết được dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu để kịp thời ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Suy thận cấp tính: Chức năng của thận bị suy giảm nghiêm trọng khá nhanh, chỉ trong vòng vài ngày. Cần phải điều trị gấp với các phương pháp tùy theo từng tình trạng bệnh, trong đó có chạy thận nhân tạo.
Nguyên nhân gây suy thận
Suy thận là hậu quả của rất nhiều bệnh. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh suy thận ngày càng gia tăng là các bệnh lý chuyển hóa ngày càng nhiều trong đó có đái tháo đường, tăng huyết áp, gout…
Bên cạnh đó còn do thói quen sử dụng thuốc không hợp lý như thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh. Đặc biệt là các trường hợp bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ, thực phẩm chức năng hầu hết là do bệnh nhân tự ý sử dụng.
Ngoài ra còn có bệnh lý đường tiết niệu dẫn tới suy thận như nhiễm trùng đường tiết niệu, sỏi tiết niệu… Một số bệnh lý di truyền như thận đa nang, bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, bệnh lý cầu thận…
Lối sống không lành mạnh như ăn nhiều đồ ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, ít vận động… cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận.
Dấu hiệu nhận biết suy thận
Suy thận cấp được nhận biết bằng khởi phát bệnh nhân đi tiểu ít. Đi tiểu ít dần theo thời gian và dần không đi tiểu được. Nếu được điều trị đúng cách và kịp thời có thể phục hồi một phần hoặc hoàn toàn chức năng thận.
Còn đối với suy thận mạn bệnh thường không có triệu chứng gì. Bệnh nhân âm thầm phát triển bệnh từ nhiều năm trước. Và khi đến cơ sở y tế thường trong tình trạng mệt mỏi choáng váng do tình trạng thiếu máu, tăng huyết áp và do các biến chứng của suy thận. Vì thế suy thận mạn thường không được chẩn đoán sớm điều trị kịp thời.
Suy thận đang có xu hướng trẻ hóa và người bệnh có tâm lý chủ quan bỏ qua các dấu hiệu bất thường của cơ thể. Do vậy, người bệnh cần lưu ý một số dấu hiệu cảnh báo suy thận. Thận có ba chức năng chính bao gồm: đào thải nước, đào thải chất độc, sản xuất một số nội tiết tố.
Ngoài ra, khi chức năng thận suy giảm người bệnh có thể có một số dấu hiệu sau:
- Do các độc tố tích tụ trong cơ thể thận không đào thải hết cơ thể có các dấu hiệu:
+ Mệt mỏi đôi khi chỉ thoáng qua, suy nhược cơ thể, chán ăn
+ Khó ngủ, khó tập trung làm việc
+ Buồn nôn, nôn
- Thiếu máu do thận bình thường sản xuất erythropoietin kích thích tủy xương sản xuất hồng cầu sẽ có các biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, suy nhược
- Biểu hiện của việc mất cân bằng điện giải, khoáng chất: da khô, ngứa, chuột rút
- Khi dịch tích tụ trong cơ thể sẽ gây phù, phát hiện ấn lõm trên nền cứng mắt cá chân, mặt trước cẳng chân. Trường hợp nặng có thể phù toàn thân, khó thở, đau ngực
- Rối loạn tiểu tiện, tiểu máu, nước tiểu có bọt
- Giảm khả năng tình dục.
Suy thận có mấy giai đoạn?
Theo thông tin từ Báo Sức khỏe và Đời sống, suy thận mạn và suy thận cấp được chia theo từng giai đoạn bệnh khác nhau và biểu hiện của từng giai đoạn bệnh cũng khác nhau.
Các giai đoạn của suy thận cấp
Suy thận cấp diễn biến lần lượt theo 4 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là giai đoạn khởi phát bệnh trong vòng 24 giờ
Giai đoạn 2 là giai đoạn thiểu niệu. Bệnh nhân tiểu ít dần và sau đó không đi tiểu được.
Giai đoạn 3 là giai đoạn bệnh nhân đi tiểu nhiều hơn. Số lượng nước tiểu tăng trở lại và kéo dài trong vòng 5-7 ngày.
Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn hồi phục chức năng, nước tiểu trở về trạng thái bình thường. Giai đoạn này có thể diễn ra trong vòng 4 tuần hoặc nhiều hơn.
Các giai đoạn của suy thận mạn
Theo Hiệp hội Thận học Mỹ, suy thận mạn được chia làm 5 giai đoạn tùy theo mức độ lọc của thận. Ở giai đoạn cuối cùng tùy theo mức lọc của thận bệnh nhân sẽ có chỉ định điều trị thay thế thận. Khi mức lọc thận dưới 15ml/phút là giai đoạn nguy hiểm nhất cần được điều trị thay thế. Ở giai đoạn này bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị lọc máu hoặc ghép thận. Thông thường sẽ là lọc máu nhân tạo và lọc màng bụng kèm theo ghép thận.
Với phương pháp lọc máu nhân tạo, bệnh nhân sẽ dùng máy nhân tạo, màng lọc nhân tạo để thải những chất độc trong máu ra khỏi cơ thể.
Phương pháp lọc màng bụng là sử dụng màng bụng của bệnh nhân làm màng lọc để thải chất độc ra khỏi cơ thể.
Ai có nguy cơ mắc suy thận?
Suy thận là bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Những người có nguy cơ mắc suy thận bao gồm:
- Người thường xuyên có chế độ ăn uống không lành mạnh.
- Người có bệnh lý nền không kiểm soát tốt. Trong đó có rất nhiều trường hợp suy thận do đái tháo đường. Tùy theo bệnh kéo dài nhiều năm hay mới mắc sẽ kéo theo suy thận kèm theo mức độ nào.
- Người không đi khám sức khỏe định kỳ, không phát hiện bệnh lý tiềm tàng trong cơ thể.
- Hoặc có những trường hợp bệnh nhân nghe theo các thông tin trên mạng, truyền miệng... điều trị bệnh bằng các thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Điều này có thể dễ dàng dẫn đến ngộ độc thận.
Suy thận có chữa khỏi không?
Hiện nay bệnh suy thận không thể điều trị khỏi hoàn toàn được. Tuy nhiên có thể lựa chọn các phương pháp điều trị nhằm làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, hạn chế bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối phải điều trị thay thế.
Bệnh nhân suy thận không nên quá bi quan bởi hiện tại với các tiến bộ trong y tế, bệnh nhân có thể được dùng các phương pháp thay thế như lọc máu, lọc màng bụng, ghép thận… để kéo dài sự sống.
Việc bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối sống được bao lâu tùy thuộc vào nhiều yếu tố: thể trạng, bệnh lý nền đi kèm, việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân…
Phòng ngừa suy thận
Để giảm các nguy cơ gây suy thận, chúng ta cần có chế độ dinh dưỡng khoa học và kiểm soát bệnh lý nền tốt. Cụ thể, cần ăn giảm muối, uống đủ nước trong ngày và ăn giảm lượng đạm để tránh quá tải cho thận.
Việc uống đủ nước không chỉ tốt cho hoạt động của thận mà còn tốt cho cả cơ thể. Kèm theo đó là chế độ luyện tập hàng ngày, ăn uống điều độ và ăn sạch. Cần hạn chế đồ ăn mặn, ăn quá ngọt, quá nhiều chất béo, không hút thuốc lá uống rượu bia...
Bên cạnh đó cần giảm căng thẳng trong cuộc sống. Việc thay đổi chế độ lối sống là rất quan trọng giúp phòng ngừa và ngăn các biến chứng suy thận. Bên cạnh đó, cần duy trì việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng -1 năm/lần.
Việc ăn mặn làm tăng lượng muối nạp vào cơ thể. Và nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ làm thận quá tải gây ra tình trạng tăng huyết áp nặng thêm bệnh lý suy thận.
Khi bệnh nhân đã được chẩn đoán suy thận ở giai đoạn nào thì thận vẫn cần được bảo tồn. Đặc biệt, bệnh nhân cần tuân thủ quá trình điều trị của bác sĩ. Trong đó đặc biệt lưu ý việc điều trị các bệnh nền gây suy thận.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để thăm khám. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và điều trị đúng cách ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị bệnh.
Cách ăn uống tốt cho thận
Đối với người bị bệnh thận, điều quan trọng là phải theo dõi chế độ ăn uống vì thận của họ không thể loại bỏ các chất thải tốt như bình thường. Những thực phẩm được khuyên nên hạn chế trong chế độ ăn kiêng của người mắc bệnh thận bao gồm: natri, kali, phot pho, protein và chất lỏng (nếu mắc bệnh thận tiến triển).
Một kế hoạch ăn uống thân thiện với thận có thể giúp người bệnh khỏe mạnh hơn và làm chậm quá trình tổn thương thận. Theo Quỹ Thận Hoa Kỳ, kế hoạch ăn uống thân thiện với thận bao gồm các loại thực phẩm tốt cho thận và hạn chế các loại thực phẩm và chất lỏng khác để một số khoáng chất trong những thực phẩm đó (như kali) không tích tụ ở mức cao trong cơ thể người bệnh.
Ăn đúng lượng và đúng loại protein
Ăn quá ít chất đạm có thể khiến da, tóc và móng tay yếu đi nhưng ăn quá nhiều chất đạm có thể khiến thận phải làm việc vất vả hơn và gây ra nhiều tổn thương hơn.
Lượng protein nên ăn phụ thuộc vào kích thước cơ thể, mức độ hoạt động và sức khỏe của người bệnh. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể yêu cầu người bệnh hạn chế protein hoặc thay đổi loại protein. Ví dụ cần ăn nhiều protein nạc hơn như trứng nguyên quả, thịt gà không da.
Chọn đúng loại chất béo
Chất béo giúp cung cấp năng lượng và sử dụng một số vitamin trong thức ăn. Tuy nhiên, quá nhiều chất béo có thể dẫn đến tăng cân và bệnh tim. Người bệnh thận nên hạn chế chất béo và chọn chất béo lành mạnh hơn khi có thể như dầu ô liu.
Chọn carbohydrate nguyên hạt
Khi mắc bệnh thận, tốt nhất nên chọn ngũ cốc nguyên hạt và các loại carbs lành mạnh như trái cây và rau quả. Carbs không lành mạnh bao gồm đường, mật ong, kẹo bánh, nước ngọt và các loại đồ uống có đường khác.
Chọn và chế biến thực phẩm có ít natri
Natri (muối) là một khoáng chất có trong hầu hết các loại thực phẩm. Nó có nhiều vai trò quan trọng đối với cơ thể. Lượng natri được tìm thấy tự nhiên trong thực phẩm đủ để cung cấp cho cơ thể. Nhưng ăn thực phẩm đóng gói và thêm muối vào thực phẩm có thể dẫn đến ăn quá nhiều natri.
Quá nhiều natri có thể khiến bạn khát nước và khiến cơ thể giữ nước, dẫn đến sưng tấy và tăng huyết áp. Điều này có thể làm tổn thương thận nhiều hơn và khiến tim phải làm việc nhiều hơn.
Một trong những điều tốt nhất người bệnh có thể làm là hạn chế lượng natri ăn vào. Nguyên tắc chung là tiêu thụ ít hơn 2.300 miligam natri mỗi ngày.
Kiểm soát khẩu phần ăn
Kiểm soát tốt khẩu phần ăn là điều quan trọng trong kế hoạch ăn uống thân thiện với thận. Nên ăn chậm và ngừng ăn khi đã no. Phải mất khoảng 20 phút để dạ dày báo cho não biết rằng bạn đã no. Nếu ăn quá nhanh, bạn có thể ăn nhiều hơn mức cần thiết. Tránh ăn trong khi làm việc khác như xem ti vi hoặc lái xe. Khi bị phân tâm, bạn có thể không nhận ra mình đã ăn bao nhiêu.
Như Quỳnh (T/h)