Ngày lễ Giáng sinh được cử hành chính thức vào ngày 25, nhưng thường các hoạt động ăn mừng diễn ra từ tối ngày 24. Lí giải cho việc này, người ta căn cứ vào cách tính theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm. Lễ chính thức ngày 25/12 được gọi là “lễ chính ngày”, còn lễ đêm 24/12 gọi là “lễ vọng” và thường thu hút nhiều người tham dự hơn.
Lễ Giáng sinh là ngày lễ quan trọng của những người theo đạo Kitô giáo, nhằm kỷ niệm ngày sinh ra của chúa Giêsu. Nhưng càng ngày, người ta tổ chức lễ Giáng sinh ngày càng linh đình. Cho đến ngày nay, Giáng sinh được xem là một ngày lễ quốc tế, gắn liền với hình ảnh ông già Noel, đàn tuần lộc và cây thông noel.
Các nước ở châu Âu
Ở hầu hết các quốc gia châu Âu, ngày lễ Giáng Sinh vào hai ngày 25 và 26/12. Đây cũng là ngày nghỉ lễ chính thức. Đối với người châu Âu, theo truyền thống Giáng sinh trước hết là một dịp đoàn tụ gia đình, để mỗi người nói lên tình yêu và bày tỏ sự quan tâm tới những người thân trong gia đình, họ hàng và với bạn bè, hàng xóm, khi những người con đi làm xa về thăm lại gia đình.
Sau buổi thánh lễ vào chiều ngày 24/12, thường được nối tiếp là một bữa ăn tối chung trong gia đình và trao quà vào lúc nửa đêm. Từ buổi chiều, ngoài đường gần như không còn người qua lại. Sáng 25/12, các gia đình sẽ cùng đi nhà thờ dự thánh lễ.
Đức
Người Đức đón Giáng sinh với vòng hoa Advent có bốn ngọn nến, thắp sáng từng ngọn vào mỗi Chủ nhật trước lễ. Ngày 24/12, mọi hoạt động kinh doanh ngừng lại để chuẩn bị cho lễ hội. Gia đình sum vầy bên nhau, trang trí cây thông, hát thánh ca và kể chuyện về sự ra đời của Chúa Giêsu.
Trong hai ngày 25 và 26/12, họ mời bạn bè, người thân đến nhà để thưởng thức những món ăn truyền thống như ngỗng nướng, cải bắp đỏ và bánh khoai tây.
Italy
Bữa tối vào ngày 24/12 của người Italy thường là một mâm tiệc thịnh soạn bao gồm: cá chình nướng, đĩa rau truyền thống cardoni, bánh pastry với kem pho mát. Trong ánh sáng lung linh của những ngọn nến, trẻ em sẽ đứng lên kể những câu chuyện về ngày lễ và sự ra đời của ''em bé thần thánh''.
Các món quà thường được trao tặng sau Thánh lễ Misa lúc nửa đêm. Theo tục lệ truyền thống, không phải ông già mà là bà già Noel mang tên Strega Buffana sẽ đến thăm trẻ em.
Hà Lan
Cũng như các quốc gia Tây Âu khác, tại Hà Lan không khí lễ hội bắt đầu từ mùa Vọng, đặc biệt là từ đêm 6/12, đêm Thánh Nicolas.
Món quà của Thánh Nicolas tặng cho ba chị em nghèo khổ qua chiếc ống khói và phong tục treo tất ở ống khói có thể được bắt nguồn từ câu chuyện này.
Theo truyền thuyết, mỗi năm vị Thánh bổn mạng ở Amsterdam đi thuyền tới thành phố với người cộng sự của mình là Black Peter ăn mặc như một người Moor. Họ được đón chào nồng nhiệt. Mọi người trao đổi quà với nhau và họ náo nức chuẩn bị cho mùa Giáng sinh.
Ngày 25/12 được xem là một kỳ nghỉ ở Hà Lan, nhưng vì hầu hết việc tặng quà được thực hiện trong lễ hội Sinterklaas Avond nên trong ngày này sẽ không có phần tặng quà. Ngày Giáng sinh thường là ngày lễ tại các nhà thờ, các buổi hòa nhạc, biểu diễn độc tấu và trưng bày các tài liệu tôn giáo.
Ngày này là thời gian để họp mặt gia đình và các bữa ăn ngon, bao gồm bữa sáng và bữa ăn tối đặc biệt. Mọi người cùng nhau trò chuyện, ăn uống hay đến dự lễ tại những thánh đường ấm áp.
Hungary
Tại Hungary, bữa tối 24/12 mang đậm nét truyền thống với các món ăn chay như súp đậu, ngũ cốc, táo và mật ong. Dù tục lệ ăn chay đã giảm bớt, nhiều gia đình vẫn duy trì nét đẹp này. Sau bữa tối, họ cùng nhau cầu nguyện và tham dự lễ tại nhà thờ, tạo không khí thiêng liêng cho ngày lễ.
Mexico
Hầu hết gia đình tham gia buổi lễ Mixa trong đêm Noel. Trẻ con thì mong đợi những món quà mà thánh "El Ni-o Dios" để trong giày của chúng vào ngày 6/1. Thay vì trang trí cây thông Noel, người Mexico dùng cây trạng nguyên để trang trí nhà.
Vào những ngày lễ này, luôn có rất nhiều các lễ hội được diễn ra. Không khí đất nước trở nên sôi động hơn với tiếng nhạc, những điệu nhảy và tiếng cười nói râm ran không ngớt. Người lớn và trẻ em cùng hoá trang thành những nhân vật trong câu chuyện đêm Giáng sinh, diễu hành diễn tả lại cảnh Thánh Giêsu và Đức Mẹ đi tìm nơi trú chân tại Bethlehem. Đoàn diễu hành tiến đến ngôi nhà được chọn trong đêm đó, những người hành hương hỏi xin một chỗ nghỉ rồi bắt đầu buổi lễ với nhạc và thưởng thức món ăn.
Nga
Đối với những người theo Chính thống giáo Nga, nhiều nước Đông Âu và ở đất thánh Jerusalem, Giáng sinh rơi vào ngày 7/1 bởi họ dùng lịch Julius chứ không dùng lịch Gregorius có từ thế kỷ XVI.
Ông già Tuyết trong ngày Giáng sinh ở Nga mặc áo màu xanh và có một người cháu đi theo trợ giúp là Công chúa Tuyết. Công chúa là người trao quà cho trẻ em. Với nhiều người Nga quan niệm, Giáng sinh chính là dịp để nghỉ ngơi.
Giáng sinh ở Nga cũng là lễ kỉ niệm ngày sinh của chúa Giêsu. Trong ngày 7/1, ngày đầu tiên kỳ lễ, các bà vợ sẽ ở nhà dọn dẹp nhà cửa, cũng như chuẩn bị một bàn ăn cho đêm Giáng sinh với 12 món, trong đó nhất định không thể thiếu các món Pagach (chiếc bánh mì cỡ lớn) và Kutya (món tráng miệng làm từ ngũ cốc, nho khô, mật ong và hạt anh túc), món cháo đặc nấu từ lúa mì và nho khô hoặc đại mạch.
Trong Đêm Giáng sinh, người Nga có truyền thống đổi áo và đeo mặt nạ để không ai có thể nhận ra mình. Sau đó mọi người sẽ tổ chức các trò chơi và điệu nhảy truyền thống trong nhà hoặc trên đường phố. Người Nga còn có một phong tục khác đó là sẽ đi từ nhà này sang nhà khác, hát các bài đặc biệt ca ngợi gia chủ, chúc gia chủ mọi sự tốt lành và gia chủ sẽ mời khách những món ăn ngon hoặc cho tiền.
Ireland
Người Ireland thắp nến trên cửa sổ để mời các vị Thánh hoặc những người qua đường mệt mỏi đang tìm nơi dừng chân vào trong nhà của họ trong ngày lễ Noel. Theo truyền thống, bất cứ người qua đường nào đã dừng chân tại một ngôi nhà có thắp nến trên cửa sổ đều được chủ nhà mời ăn tối và một chỗ để nghỉ đêm.
Một ngày sau ngày lễ Giáng sinh, cũng là ngày quốc lễ của Ireland, các chàng trai trẻ, được coi là các con chim hồng tước đi từ nhà này sang nhà khác, ca hát và mang theo một chiếc gậy dài có gắn cây nhựa ruồi. Cây nhựa ruồi được coi là nơi trú ẩn của chim hồng tước, biểu tượng của Thánh Stephen.
Nhật Bản
Không phải ngày nghỉ lễ chính thức, nhưng Giáng sinh ở Nhật Bản lại nổi bật bởi những con phố lung linh đèn trang trí.
Từ tháng 12, các trung tâm thương mại lớn đã chuẩn bị sẵn sàng các sản phẩm Giáng sinh như vòng lá thông, bánh ngọt và đồ trang trí. Đặc biệt, hành lang đèn Tokyo Millenario dài 800m tại Marunouchi luôn thu hút đông đảo người đến chiêm ngưỡng.
Đêm Giáng sinh, các cặp đôi thường tặng quà và cùng nhau thưởng thức bánh ngọt, mang đậm tinh thần lãng mạn.
Pháp
Tại Pháp, trẻ em để những đôi giầy của mình gần đống lửa vào đêm trước Giáng sinh để nhận quà từ ông già Noel. Trong khi đó, những trẻ em lớn hơn sẽ đi với người lớn tới nhà thờ lúc nửa đêm rồi mới quay về nhà dùng bữa ăn nhẹ gọi là “lere’veillon.”
Theo truyền thống, vào cuối tháng 11, các bà mẹ Pháp sẽ mua cho con mình một tấm lịch có tên gọi “Calendrier de I’Vvent”. Bên trong tấm lịch đặc biệt này là những viên kẹo socola vuông, mỗi viên kẹo ứng với một ô, có đánh số ngày từ mùng 1 đến 24 sắp xếp lộn xộn. Mỗi sáng, trẻ em phải tìm được số ngày ghi trên lịch và mở cửa sổ rồi nhận một viên kẹo socola thưởng. Điều đặc biệt này chỉ dành cho tháng Noel.