+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 20/9/2024: Cần lưu ý điều gì khi bị nấm chân mùa lũ?

    (ĐS&PL) - Tin tức đời sống mới nhất ngày 20/9/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 20/9/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

    Cần lưu ý điều gì khi bị nấm chân mùa lũ?

    Báo Giao Thông dẫn thông tin từ bác sĩ Phạm Thị Minh Phương - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, trong thời điểm mưa lũ, các bệnh về da hay gặp nhất là bệnh da nhiễm khuẩn, nhiễm nấm. Bệnh da do nấm hay gặp nhất là nấm kẽ bàn chân, nấm móng chân.

    Nguyên nhân chủ yếu do người dân lội nước nhiều, làn da bị mềm đi, khả năng bảo vệ trước môi trường giảm, khi đó tác nhân bên ngoài môi trường như nấm dễ chui vào. Nấm dễ phát triển trong môi trường nóng ẩm nên trong mùa mưa lũ, người dân dễ bị nấm kẽ, nấm bàn chân, nấm móng chân.

    Bên cạnh đó, còn bệnh lý viêm da do vi khuẩn chủ yếu trong thời tiết mưa ẩm, da không còn độ đàn hồi tốt như trước nên dễ bị các vi khuẩn ngoài nấm xâm nhập như chốc, nhọt, viêm nang lông gây viêm da do nhiễm khuẩn.

    Ngoài ra, khi người dân lội nước nhiều, nước có thể chứa nhiều tác nhân gây dị ứng, kích ứng dẫn tới bàn chân bị viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng.

    Bệnh da do nấm hay gặp nhất là nấm kẽ bàn chân, nấm móng chân. Ảnh minh họa

    Bệnh da do nấm hay gặp nhất là nấm kẽ bàn chân, nấm móng chân. Ảnh minh họa

    Về hướng xử trí, khi gặp sự bất thường của làn da, người dân cần tìm chuyên gia da liễu để sớm được điều trị. Người dân cần thay đổi thói quen trong mùa mưa lũ như không nên đi tất ẩm, giày ẩm, làm viêm kẽ do nấm, vi khuẩn; phải có thói quen vệ sinh thân thể sạch sẽ hàng ngày; không nên đi khám lung tung, cần đi khám đúng, điều trị đúng.

    Để phòng bệnh ngoài da, người dân ở vùng lũ lụt cần chú ý vệ sinh môi trường sạch sẽ, bảo đảm sát khuẩn chân tay, cơ thể, sử dụng phương tiện bảo hộ như ủng, găng tay cao su khi tiếp xúc với các nguồn nước bẩn để tránh tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh. Nếu phải lội nước mưa thì về nhà phải rửa sạch, chấm khô kẽ chân, tay, giày dép phơi khô mới sử dụng lại.

    Bé 19 tháng tuổi uống nhầm dầu thắp hương

    Theo báo Dân Trí, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho biết đã điều trị thành công bệnh nhi P.H. (19 tháng tuổi, trú huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) do uống nhầm dầu thắp hương.

    Mẹ của bệnh nhi cho hay, trước đó, cháu H. xuất hiện các triệu chứng không rõ nguyên nhân như: ho sặc sụa, khó thở, quấy khóc. Khi gia đình kiểm tra lại camera an ninh, phát hiện cháu H. trong lúc chơi đùa, đã lấy chai dầu thắp hương để ở góc nhà, uống dẫn đến khó thở, khóc...

    Sau 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của bé đã dần ổn định và bé được xuất viện về nhà. Ảnh: Dân Trí

    Sau 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của bé đã dần ổn định và bé được xuất viện về nhà. Ảnh: Dân Trí

    Gia đình đưa con tới Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu thăm khám và được chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An để điều trị. Tại bệnh viện, cháu H. được thăm khám, chụp XQ phổi và làm các xét nghiệm liên quan. Kết quả chẩn đoán trẻ bị viêm phổi hít, do uống dầu thắp hương.

    Sau khi xác định tình trạng, các bác sĩ đã nhanh chóng điều trị cho bệnh nhi bằng các phương pháp: thở oxy, kháng sinh, chống viêm, điều trị hỗ trợ. Sau 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của bé đã dần ổn định và bé được xuất viện về nhà.

    Thanh niên 30 tuổi bị viêm phổi hoại tử do tụ cầu

    VTV Times đưa tin, Trung tâm Nội hô hấp - Bệnh viện Quân y 103 vừa tiếp nhận điều trị thành công cho một bệnh nhân nam 30 tuổi, bị viêm phổi hoại tử căn nguyên do tụ cầu.

    Trước nhập viện 4 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng ho khan, sau đó xuất hiện sốt, đau ngực phải, đau tăng khi ho, hít thở sâu, kèm ho khạc đờm đục.

    Xét nghiệm máu tại thời điểm nhập viện biểu hiện số lượng bạch cầu tăng cao; bạch cầu đa nhân trung bình tăng 73%, men gan tăng. Hình ảnh X-quang ngực có tổn thương nhu mô vùng nền phổi phải và dưới đòn phổi trái.

    Tổn thương trên phim cắt lớp vi tính bao gồm đông đặc dạng tròn thùy dưới phải và thùy trên trái, có phá hủy hang thùy dưới phải, bên trong hang có mức khí - dịch, tràn dịch màng phổi phải mức độ ít.

    Phim X-quang phổi bệnh nhân tại thời điểm nhập viện. Ảnh: VTV Times

    Phim X-quang phổi bệnh nhân tại thời điểm nhập viện. Ảnh: VTV Times

    Bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi hoại tử định hướng căn nguyên do tụ cầu. Bệnh nhân đã được chỉ định kháng sinh phối hợp vancomycin và ciprofloxacin.

    Kết quả cấy máu và đờm sau 3 ngày đều âm tính. Bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị, hết sốt ngày thứ 3, đỡ đau ngực, ho khạc đờm mủ, số lượng bạch cầu về giới hạn bình thường, tổn thương trên phim cắt lớp vi tính ngực đã có giảm nhiều so với thời điểm nhập viện.

    Bệnh nhân được xuất viện sau 1 tuần điều trị. Người bệnh được tiếp tục hướng dẫn điều trị ngoại trú, hạ bậc kháng sinh và hẹn tái khám sau 2 tuần.

    Theo các bác sĩ, tụ cầu vàng là một loại vi khuẩn gram dương gây nhiễm trùng sinh mủ phổ biến và có vai trò quan trọng trong nhiễm trùng mắc phải trong cộng đồng và bệnh viện.

    Viêm phổi do vi khuẩn tụ cầu thường gây tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc nặng, diễn biến bệnh phức tạp, thường gây hoại tử nhu mô phổi, tràn khí tràn mủ khoang màng phổi và tổn thương nhiều cơ quan (nhiễm khuẩn huyết).

    Ngoài ra, nguy cơ bệnh nhân nhiễm tụ cầu vàng kháng thuốc (MRSA) rất cao. Chính vì vậy, việc định hướng sớm căn nguyên tụ cầu để chỉ định kháng sinh hợp lý có vai trò rất quan trọng trong thành công điều trị viêm phổi hoại tử.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-20-9-2024-can-luu-y-ieu-gi-khi-bi-nam-chan-mua-lu-a466229.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan