Chữa ho nhiều ngày không khỏi, đi khám nhận tin sốc
Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân mắc sán lợn (sán dây lợn). Trước nhập viện, bệnh nhân tưởng mình bị ho nên đã tự uống thuốc chữa ho dài ngày nhưng không khỏi.
Cụ thể, nam bệnh nhân 51 tuổi (ở Nam Định) nhập viện trong tình trạng ho nhiều, chảy nước mũi và đau ngực gáy. Hai tuần trước khi đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng bệnh và tự ý dùng thuốc ho dài ngày nhưng không thuyên giảm.
Sau khi bác sĩ thăm khám và xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán dây lợn ở cơ. Bệnh nhân cho biết ông thường xuyên ăn gỏi cá, nem chua, nem nắm và ăn rau sống.
Bác sĩ Đào Đức An ở khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh ấu trùng sán dây lợn là bệnh ký sinh trùng gây ra do người ăn phải trứng sán dây lợn Taenia solium qua thực phẩm hoặc nước uống.
Nguy cơ mắc bệnh sán lợn thường do ăn thịt lợn sống, thịt nấu chưa chín (tập tục ăn tiết canh, nem chua, nem chạo…) và nguồn thịt lợn vô tình có chứa nang sán lợn. Ngoài ra, ăn rau sống, củ quả không rửa sạch, nước chưa đun sôi cũng có nguy cơ bị nhiễm trứng sán lợn.
Tùy vị trí ký sinh của nang sán mà cơ thể sẽ có những biểu hiện và mức độ nguy hiểm khác nhau. Đặc biệt, trên nền bệnh nhân mắc bệnh nội tiết mãn tính như đái tháo đường, suy thượng thận, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nặng.
Theo bác sĩ Đào Đức An, thông thường khi phát hiện nhiễm sán lợn, bệnh nhân được điều trị nội khoa (sử dụng thuốc để diệt sán). Nếu sán lợn gây chèn ép thần kinh, gây tắc mạch, giãn não thất hay ứ nước trong não, người bệnh sẽ phải phẫu thuật.
Sử dụng thuốc giảm đau lâu ngày người đàn ông bị loét dạ dày
Theo VTV Times, bệnh nhân D.V.Q. (50 tuổi, trú tại Long An) vào Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) vì đau vùng chân hai bên và đau vùng thượng vị. Bệnh nhân có tiền sử viêm loét dạ dày do dùng thuốc giảm đau xương khớp kéo dài và không được điều trị thích hợp.
Các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm và chụp MSCT bụng 160 lát cắt, phát hiện lỗ thủng ở dạ dày. Thăm khám bụng bệnh nhân nhận thấy hơi tự do ở bụng, ấn đau khắp bụng.
Tình trạng bệnh càng diễn tiến nặng hơn với biểu hiện mạch nhanh và huyết áp thấp, cần sử dụng thuốc vận mạch. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ quyết định mổ khẩn, mở bụng làm sạch ổ nhiễm trùng, khâu lỗ thủng.
Trong quá trình phẫu thuật, ekip mổ phát hiện bệnh nhân bị thủng lỗ lớn ở dạ dày, bờ xơ chai đường kính lỗ thủng 3cm, nghĩ do viêm loét do lạm dụng thuốc giảm đau NSAIDs. Các bác sĩ đã tiến hành khâu lỗ thủng dạ dày, mở dạ dày giải áp, mở hỗng tràng nuôi ăn.
Sau mổ, bệnh nhân được chuyển qua khoa Hồi sức tích cực để theo dõi, khi tình trạng ổn chuyển về khoa Ngoại tổng quát để điều trị tiếp bằng kháng sinh phổ rộng, dinh dưỡng tích cực. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân tạm ổn định, sinh hoạt bình thường, không còn đau bụng.
ThS.BS CKII Trần Văn Minh Tuấn - Trưởng Khoa Ngoại tổng quát cho biết, bệnh nhân bị loét dạ dày do dùng thuốc giảm đau lâu ngày, kèm với bệnh lý đái tháo đường kiểm soát kém, nhập viện trong tình trạng rất nặng là sốc nhiễm trùng.
Hơn nữa, vị trí lỗ thủng lớn, bờ ổ loét xơ chai nên quá trình khâu lỗ thủng gặp không ít khó khăn, nguy cơ xì rò cao. May mắn là bệnh nhân được cấp cứu và điều trị kịp thời, tình trạng này nếu để lâu hơn chút nữa sẽ dẫn đến nguy cơ tử vong.
Từ trường hợp của bệnh nhân trên, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau. Người dân khi bị bệnh cần đến bệnh viện thăm khám để kê đơn thuốc theo toa kê của bác sĩ, đồng thời nên điều trị tích cực để tránh những biến chứng thủng hoặc xuất huyết nếu dạ dày bị loét.
Mẩn đỏ, ngứa toàn thân sau khi ăn thịt ba ba
Báo An Ninh Thủ Đô đưa tin, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên vừa tiếp nhận bệnh nhân N.Q.T. (nam, 38 tuổi, ở xã Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) vào cấp cứu trong tình trạng mẩn đỏ, ngứa toàn thân, khó thở, tinh thần lơ mơ, nhịp tim nhanh…
Theo lời kể của người nhà, khoảng 20h cùng ngày, bệnh nhân ăn tối, trong bữa ăn có món thịt ba ba. Một lúc sau, bệnh nhân xuất hiện mẩn đỏ, ngứa toàn thân nên được gia đình đưa vào viện.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc phản vệ do ăn thịt ba ba. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc khẩn trương xử trí, điều trị tích cực theo phác đồ.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên cũng tiếp nhận bệnh nhân N.T.T. (nữ, 34 tuổi, ở thị xã Quảng Yên) vào cấp cứu trong tình trạng toàn thân nổi ban đỏ dạng mảng, ngứa nhiều, khó thở, đi tiểu không tự chủ.
Theo lời kể, buổi tối trước đó, bệnh nhân có ăn con cù kỳ cùng gia đình. Khoảng 4h hôm sau, bệnh nhân thấy ngứa khắp người, ban nổi toàn thân và bắt đầu khó thở nhiều, lúc này gia đình mới đưa chị đi cấp cứu. Bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán sốc phản vệ và xử trí kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần cân nhắc trước khi sử dụng thực phẩm lạ. Trong trường hợp thấy mẩn ngứa, khó chịu sau ăn, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.