+Aa-
    Zalo

    Tin tức đời sống 2/1: Hai người đàn ông nhập viện sau khi uống mật cá trắm

    (ĐS&PL) - Hai người đàn ông nhập viện sau khi uống mật cá trắm; Bình Định được công nhận loại trừ bệnh sốt rét… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 2/1.

    Hai người đàn ông nhập viện sau khi uống mật cá trắm

    Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An), đơn vị này vừa tiếp nhận 2 người đàn ông được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng suy thận, viêm gan nặng do ngộ độc mật cá trắm.

    Người nhà cho biết, 3 ngày trước, ông V.V.M. (SN 1962, trú xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn) mua cá trắm từ chợ về làm thịt. Nghĩ uống mật cá trắm tốt cho sức khỏe nên ông M. đã lấy để uống. Tuy nhiên, không lâu sau, ông M. xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy và tự mua thuốc điều trị tại nhà.

    Sau 3 ngày uống thuốc nhưng không đỡ, ông M. được người nhà đưa lên khám tại Trung tâm Y tế Anh Sơn trong tình trạng suy thận, viêm gan nặng do ngộ độc mật cá trắm. Sau khi làm các thủ tục, Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn đã chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh để tiếp tục điều trị.

    Trong mật cá chứa một loại độc tố nguy hiểm, khi ăn hoặc uống vào chất độc sẽ gây tổn thương suy thận, hoại tử ống thận, tổn thương gan gây suy gan. Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ Online

    Trong mật cá chứa một loại độc tố nguy hiểm, khi ăn hoặc uống vào chất độc sẽ gây tổn thương suy thận, hoại tử ống thận, tổn thương gan gây suy gan. Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ Online

    Theo báo Tiền Phong, sáng 31/12/2024, ông N.C.A. (SN 1969, trú xã Lạng Sơn) cũng mua cá trắm về làm thịt ăn rồi uống luôn mật cá trắm. Sau khi uống mật cá, ông A. xuất hiện các triệu chứng ngộ độc nên được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế Anh Sơn thăm khám. Tại đây, ông  A. được chẩn đoán suy thận, viêm gan. Bệnh nhân sau đó cũng được chuyển lên tuyến tỉnh để tiếp tục điều trị.

    Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải - Trưởng khoa Nội Trung tâm Y tế Anh Sơn khuyến cáo, người dân khi ăn cá phải vứt bỏ mật cá. Trong mật cá chứa một loại độc tố nguy hiểm, khi ăn hoặc uống vào chất độc sẽ gây tổn thương suy thận, hoại tử ống thận, tổn thương gan gây suy gan. Khi ngộ độc mật cá, bệnh nhân phải điều trị tích cực như lọc máu và nằm viện nhiều ngày với chi phí điều trị tốn kém hoặc có nguy cơ tử vong rất cao.

    Bình Định được công nhận loại trừ bệnh sốt rét

    TTXVN đưa tin, ngày 1/1, theo Sở Y tế tỉnh Bình Định, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương vừa ra quyết định công nhận tỉnh Bình Định đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét trên quy mô toàn tỉnh; đồng thời, đề nghị tỉnh cần duy trì bền vững kết quả loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn.

    Thời gian qua, chương trình phòng, chống sốt rét tại Bình Định đạt được nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều năm liền, tỉnh đều đạt 3 mục tiêu: Không có dịch sốt rét xảy ra; không có tử vong do sốt rét; tỷ lệ mắc sốt rét còn dưới 0,1/1.000 dân số.

    Sở Y tế tỉnh Bình Định cho biết, trong năm 2024, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 1 trường hợp sốt rét ngoại lai tại huyện miền núi Vân Canh (người dân từ tỉnh khác đến). Tỉnh được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét và chuyển sang giai đoạn “phòng sốt rét quay trở lại”.

    Để đạt được kết quả trên, tỉnh đã đồng loạt triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát bệnh sốt rét, như: Công tác giám sát dịch tễ và côn trùng được thực hiện đều đặn tại các xã thuộc vùng sốt rét trọng điểm; lấy lam máu xét nghiệm cho người dân đi rừng ngủ rẫy tại điểm giám sát; tăng cường giám sát chất lượng chẩn đoán điều trị sốt rét nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, đúng phác đồ cho bệnh nhân sốt rét và duy trì hoạt động các điểm bảo vệ cho hàng chục ngàn dân vùng trọng điểm sốt rét lưu hành.

    Cùng với đó, tổ chức tập huấn chẩn đoán sốt rét bằng kính hiển vi, test chẩn đoán nhanh cho cán bộ điểm kính hiển vi tuyến xã; hướng dẫn giám sát sốt rét và báo cáo sốt rét trên hệ thống eCDS cho cán bộ các địa phương…

    Bị đau nhức, phải đi khám sau khi ngoáy tai bằng tăm bông

    Theo thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ), vừa qua, đơn vị này đã tiếp nhận bệnh nhân nam Đ.Đ.C (ở xã Trung Sơn, huyện Yên Lập) đến khám sau khi tự dùng tăm bông ngoáy tai và có triệu chứng đau nhức, ù tai.

    Hình ảnh nội soi cho thấy, ống tai của bệnh nhân nhiều ráy, thành ống tai có điểm tổn thương, đọng máu. Các bác sĩ đã tiến hành lấy ráy tai, vệ sinh và làm thuốc tai cho người bệnh.

    Hình ảnh tổn thương thành ống tai của bệnh nhân sau khi ngoáy tai bằng tăm bông. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội

    Hình ảnh tổn thương thành ống tai của bệnh nhân sau khi ngoáy tai bằng tăm bông. Ảnh: Gia Đình & Xã Hội

    Theo chuyên trang Gia Đình & Xã Hội, trước đó, tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, mỗi tháng bệnh viện cũng tiếp nhận một số trường hợp tổn thương tai do tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày liên quan đến lấy ráy tai, trong đó có dùng tăm bông ngoáy tai.

    TS.BSCKII Nguyễn Thanh Vinh – Phó Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho hay, các thói quen gây hại cho tai hầu hết mọi người mắc phải đó lấy tăm bông để lau khô tai ngay sau khi tắm, nhét hạt nhỏ hoặc vật sắc nhọn vào tai (thường gặp ở trẻ em), nhét tai nghe vào tai với âm thanh lớn trong thời gian dài... Những hành động này tưởng như rất bình thường nhưng vô hình chung nó làm tổn thương tai.

    Riêng về thói quen dùng tăm bông để lấy ráy tai, theo BSCKII Dương Thanh Hồng ở Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, ráy tai được hình thành, trở thành lớp bảo vệ ống tai ngoài. Nếu dùng tăm bông ngoáy tai có thể làm mất lớp bảo vệ của ống tai ngoài.

    Tai có cơ chế tự đẩy nước, ráy tai ra ngoài, trong lúc vận động hoặc chuyển động nhai của xương hàm thì ráy tai tự động bị đẩy ra. Tuy nhiên, một số trường hợp có ráy tai ướt, nhiều ráy tai, viêm ống tai cần đến bệnh viện để xử lý phù hợp, tránh gây ảnh hưởng lâu dài đối với tai cũng như sức nghe.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/tin-tuc-oi-song-2-1-hai-nguoi-an-ong-nhap-vien-sau-khi-uong-mat-ca-tram-a495531.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan