Hi hữu 2 bé song sinh chào đời cách nhau 5 tuần
Theo thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị L.T.H (26 tuổi, ở Vĩnh Phúc, Hà Nội) nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đã mang thai đôi, một bé trai và một bé gái. Tuy nhiên, đến tuần thai thứ 24, chị H. bắt đầu có dấu hiệu đau tức bụng và ra dịch nhầy.
Ngay lập tức, chị đến một bệnh viện tại Hà Nội để kiểm tra và được chẩn đoán cổ tử cung đã mở. Dù được khâu cổ tử cung nhưng chỉ sau 6 ngày, vết khâu bị hở nên chị được chuyển gấp đến khoa Sản bệnh A4 Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.
ThS. BSCKII Nguyễn Biên Thùy - Phó trưởng khoa Sản bệnh A4, người trực tiếp tiếp nhận và điều trị cho chị H. chia sẻ, trước tình trạng một thai nhi đã vỡ ối và có dấu hiệu nhiễm khuẩn, các bác sĩ buộc phải để bé trai chào đời ở tuần thai thứ 26, nặng 730g. Bé được chuyển ngay lên khoa Sơ sinh để hồi sức và chăm sóc đặc biệt.
Trước tình thế khó khăn, việc giữ lại thai nhi thứ hai trở thành một quyết định đầy thách thức. Nguy cơ nhiễm khuẩn đối với thai còn lại rất cao, trong khi nếu để thai chào đời quá sớm, cả hai bé đều đối mặt với nguy cơ di chứng nghiêm trọng về thần kinh, phổi, mắt..., thậm chí tử vong.
Theo báo Giao Thông, với 20 năm kinh nghiệm, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng và giải thích rõ với gia đình, bác sĩ Thùy quyết định giữ lại thai nhi thứ hai. Chị H. được áp dụng phác đồ điều trị kháng sinh mạnh kết hợp sát khuẩn, xét nghiệm hàng ngày và theo dõi sát sao. Thật kỳ diệu, chỉ sau 1 tuần, cổ tử cung dần đóng lại, các dấu hiệu nhiễm khuẩn giảm hẳn và thai nhi tiếp tục phát triển ổn định trong bụng mẹ.
Đến tuần thai thứ 31, do xuất hiện dấu hiệu tiền sản giật nặng, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Ca mổ thành công, bé gái nặng 1.200g chào đời và được đưa ngay đến khoa Sơ sinh để tiếp tục chăm sóc đặc biệt.
Sau hơn 1 tháng được các y bác sĩ tận tình chăm sóc, bé gái khỏe mạnh trở về vòng tay cha mẹ, đạt cân nặng 2500g. Bé trai tuy sinh non ở tuần thứ 26 nhưng đã có những tiến triển tích cực, tăng từ 730g lên 2.300g. Hiện, bé vẫn được chăm sóc tại khoa Sơ sinh và hứa hẹn sẽ sớm đoàn tụ cùng gia đình.
Nam thanh niên bị ong vò vẽ đốt hơn 50 vết
Theo VOV, chiều 31/12, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu thông tin, vừa cấp cứu thành công cho nam thanh niên H.N. (34 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trạch, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) bị ong vò vẽ đốt hơn 50 vết gây nguy kịch đến tính mạng.
Trước đó, vào lúc 16h ngày 29/12, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân trong tình trạng khó thở, huyết áp tăng, nhiều vết ong đốt chi chít vùng đầu, mặt, vai, lưng. Các vết đốt này sưng nề, đỏ và đau.
Theo người nhà bệnh nhân, trong lúc điều khiển xe cuốc để dọn vườn, xe cuốc của bệnh nhân vô tình va chạm phải tổ ong vò vẽ. Do không kịp đóng cửa kính cabin nên đàn ong đã bay vào khoang lái vây đốt anh N. ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu sau khi chẩn đoán đã nhanh chóng cấp cứu, hồi sức tích cực, chống sốc phản vệ và làm các xét nghiệm cần thiết cho bệnh nhân, sau đó hội chẩn và chuyển bệnh nhân lên khoa Hồi sức tích cực (ICU) để tiếp tục điều trị.
Nhận định đây là trường hợp ong đốt nặng (hơn 50 vết ong đốt) gây phản ứng phản vệ độ 2 và rối loạn đông máu, nguy cơ gây tử vong cao, do đó, các bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực đã nhanh chóng phối hợp nhiều biện pháp bao gồm điều trị nội khoa tối ưu và lọc máu liên tục.
Sau hai ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân hiện đã ổn định, không còn cảm thấy mệt mỏi hay khó thở, các vị trí vết đốt cũng đã giảm đau và sưng đáng kể. Dự kiến bệnh nhân có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Duyên - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu cho biết, nọc ong vò vẽ rất độc, có thể gây phản ứng phản vệ nặng, suy đa tạng, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu đúng cách.
Người bị đốt thường xuất hiện các dấu hiệu như: nổi mề đay, ngứa, khó thở, đau nhức dữ dội, chóng mặt, mệt mỏi, sưng phù mặt, tiểu máu. Khi gặp những biểu hiện này, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp và điều trị kịp thời.
Để hạn chế bị ong đốt, cần lưu ý tránh khu vực có ong, không chọc phá, bắt ong, đập tổ ong; thường xuyên vệ sinh, phát quang bụi rậm quanh nhà để phòng ngừa ong đến làm tổ.
Khi phát hiện có tổ ong ở khu dân cư, hay khu vực có nhiều người qua lại cần phải phá bỏ tổ ong đúng cách. Bên cạnh đó cần trang bị kiến thức cơ bản để sơ cứu người bị ong đốt, nếu bị ong độc đốt với số lượng lớn hay có dấu hiệu nặng thì cần đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Một bang của Australia ban hành cảnh báo về virus viêm não có thể gây tử vong
Theo TTXVN, ngày 31/12, Sở Y tế bang Victoria (Australia) đã ban hành cảnh báo nguy cơ cao, sau khi xác định một bệnh nhân mắc virus viêm não Nhật Bản (JE) lây truyền qua muỗi.
Đây là người đầu tiên mắc virus JE ở bang Victoria trong mùa hè này. JE là một loại flavivirus có nguy cơ gây tử vong liên quan đến sốt xuất huyết và sốt vàng da.
Sở Y tế bang Victoria đã nhanh chóng ban hành cảnh báo cho người dân về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung để tránh bị muỗi đốt, đặc biệt là người già và trẻ em sống ở khu vực dọc theo sông Murray thuộc phía Bắc.
Quyền Giám đốc Sở Y tế bang Victoria - ông Christian McGrath, cảnh báo nguy cơ mắc các bệnh do muỗi truyền vẫn ở mức cao trong những tuần tới và việc thực hiện các biện pháp phòng tránh muỗi đốt là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cũng như ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 250 người nhiễm virus JE thì có một ca mang các triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng. Loại virus này có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng não hiếm gặp, dẫn đến co giật, mất thính lực hoặc thị lực, tê liệt hoặc thậm chí tử vong.