Tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 30/10/2019. Cập nhật tin tức công nghệ 24h chi tiết và hấp dẫn trên trang Đời sống & Pháp luật.
Xiaomi chính thức xác nhận sự tồn tại của Mi Note 10
Xiaomi xác nhận sự tồn tại của Mi Note 10, bản quốc tế của CC9 Pro. Ảnh: Androidauthority |
Sau những thông tin và hình ảnh rò rỉ đầu tiên, mới đây, Xiaomi đã đăng tải một hình ảnh và xác nhận sự tồn tại của chiếc Mi Note 10. Thêm vào đó, Xiaomi còn hé lộ thêm một số thông tin thú vị về thiết bị này. Mi Note 10 sẽ là phiên bản được đổi tên của chiếc Mi CC9 Pro dành cho thị trường quốc tế.
Chiếc máy này sẽ được trang bị thiết lập camera 5 ống kính ở phía sau, có cảm biến chính 108MP. Ba camera còn lại của máy sẽ bao gồm một camera góc rộng 20MP, một camera hỗ trợ chụp ảnh macro và một camera 12MP được dùng để chụp ảnh chân dung.
TENAA tiết lộ Mi Note 10 sẽ có màn hình OLED 6,47 inch với độ phân giải Full HD+, chỉ dừng ở tần số 60Hz. Bên trong, máy sử dụng bộ xử lý 8 nhân tốc độ 2.2 GHz. Mặc dù tên của chipset vẫn chưa được xác nhận nhưng theo các báo cáo trước đây thì nhiều khả năng đó là Snapdragon 730G.
Mi Note 10 sẽ có thân máy khá dày là 9.67mm để chứa viên pin khủng 5.170mAh, hứa hẹn mang tới thời lượng sử dụng lên tới 2-3 ngày sử dụng. Xiaomi CC9 Pro sẽ được Xiaomi xác nhận ra mắt vào ngày 5 tháng 11 tới. Trong khi đó, chiếc Mi Note 10 được đồn đoán sẽ được ra mắt vào cuối tháng 10 này.
Facebook tố công ty NSO của Israel chủ mưu tấn công mạng
Facebook vừa tiến hành khởi kiện NSO với cáo buộc chủ mưu tiến hành vụ tấn công mạng nhắm vào ứng dụng nhắn tin WhatsApp hầu đầu năm nay. Ảnh minh họa |
Mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook vừa tiến hành nộp đơn khởi kiện đối với công ty giám sát mạng NSO Group lên Tòa án tại San Francisco.
Cụ thể, cáo buộc mà Facebook đưa ra cho biết, hồi đầu tháng 5 vừa qua, các chuyên gia bảo mật phát hiện ra ứng dụng nhắn tin WhatsApp bị tin tặc tấn công. Những kẻ tấn công đã cài đặt phần mềm theo dõi bằng cách gọi điện thoại cho mục tiêu thông qua tính năng gọi điện thoại của WhatsApp. Bằng cách này, kẻ xấu có thể có được các thông tin như địa điểm hay các tin nhắn riêng tư. Điều đáng nói là ngay cả khi nạn nhân không bắt máy, phần mềm độc hại vẫn có thể được cài trên điện thoại.
Thông tin được công bố ngay sau đó cho biết, phần mềm độc hại được sử dụng để tấn công WhatsApp vốn được phát triển bởi công ty giám sát mạng đến từ Israel có tên NSO.
Theo Facebook, vụ tấn công trên được thực hiện nhắm vào mục tiêu là các nhà báo, nhà ngoại giao, nhà hoạt động nhân quyền, các quan chức cao cấp trong các chính phủ và nhiều người khác.
Được biết, hồi năm 2018, NSO cũng chỉ là cái tên được nhắc tới trong vụ việc phát tán mã độc Pegasus nhắm tới những nhà hoạt động nhân quyền.
Đây là mã độc cho phép kiểm soát toàn diện một điện thoại cầm tay, bao gồm xác định vị trí của điện thoại, khóa điện thoại và ghi lại cuộc gọi. Ngoài ra mã độc này cũng có thể được sử dụng như một máy ghi âm để nghe lén tất cả mọi thứ gần điện thoại và cho phép điều khiển camera từ xa.
Úc kiện Google dùng sai dữ liệu vị trí
Google bị Úc tố cáo gây hiểu nhầm cho người dùng về cách thu thập và sử dụng dữ liệu vị trí cá nhân. Ảnh: NYT |
Ủy ban Tiêu dùng và cạnh tranh Úc (ACCC) vừa đệ đơn kiện Google với cáo buộc công ty khiến khách hàng hiểu nhầm về cách thu thập và sử dụng dữ liệu vị trí.
Nhà chức trách toàn cầu đang tăng cường giám sát hoạt động tìm kiếm và dữ liệu của Google. Liên minh châu Âu “truy đuổi” công ty bằng luật lệ mới nghiêm khắc hơn, các trận chiến trên tòa án và tiền phạt độc quyền khổng lồ. Google cùng công ty mẹ Alphabet là đối tượng của cuộc điều tra chống độc quyền sâu rộng của Bộ Tư pháp Mỹ.
Đơn kiện tại Úc là kết quả đầu tiên từ cuộc điều tra kéo dài 18 tháng vào Google, Facebook. Úc khẳng định tin nhắn trên màn hình thiết bị Android khiến người dùng nghĩ rằng họ đã ngăn được Google thu thập dữ liệu địa điểm nhưng thực tế không phải vậy. Google thu thập, giữ và sử dụng thông tin vô cùng nhạy cảm, thông tin giá trị của người dùng mà không cho họ có lựa chọn.
ACCC tố cáo từ tháng 1/2017 đến cuối năm 2018, khi người dùng thiết lập tài khoản Google trên điện thoại, máy tính bảng Android, họ nhìn thấy thông báo “Location History” và tưởng rằng tắt đi sẽ ngăn được thu thập dữ liệu vị trí. Thực tế, người dùng phải tắt cả “Location History” và “Web & App Activity” mới làm được điều đó.
Từ giữa năm 2018 đến cuối năm 2018, Google cũng khiến người dùng hiểu nhầm rằng nếu chấm dứt sử dụng một số dịch vụ Google như Search, Maps, Google sẽ không thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu vị trí nữa. Tuy nhiên, họ không biết rằng phải tắt hai tính năng phía trên.
Vũ Đậu(T/h)