Huawei ra smartphone gập 5G
Theo GizChina, thay vì tổ chức một sự kiện, Huawei quyết định tiết lộ Mate X5 bằng cách niêm yết thiết bị trên Huawei Mall (VMall). Đây cũng là điều tương tự được công ty thực hiện với mẫu Mate 60 Pro+ cao cấp.
Mate X5 trang bị hai màn hình LTPO OLED, trong đó màn hình chính 7,85 inch độ phân giải 2K cùng khả năng hiển thị một tỷ màu, còn màn hình phụ 6,4 inch độ phân giải Full HD. Máy có 5 màu tím, trắng, đen và và xanh lá, hỗ trợ chống nước IPX8 giống Galaxy Z Fold5 của Samsung.
Mate X5 có camera 8 MP ở mặt trước. Thiết lập camera phía sau bao gồm camera chính 50 MP, camera siêu rộng 13 MP và camera tele 12 MP có hỗ trợ OIS. Giống như dòng Mate 60, thiết bị chạy trên nền tảng Harmony OS 4.0.
Ngoài việc nâng cấp lên chip xử lý Kirin 9000s 5G, X5 còn có thêm phiên bản RAM 16 GB và bộ nhớ trong bắt đầu từ 256 GB, gấp đôi Mate X3.
Các tính năng khác có trên thiết bị bao gồm SIM kép, khe cắm thẻ NM, Wi-Fi 802.11ac, Bluetooth 5.2, GPS tần số kép, NFC, mở khóa bằng khuôn mặt 2D, USB-C (USB 3.1 Gen 1), kết nối vệ tinh hai chiều và khả năng chống nước được xếp hạng IPX8. Máy có kích thước 156,9 x 72,4 x 11,08 mm ở trạng thái gập và 156,9 x 141,5 x 5,3 mm khi mở ra, trọng lượng khoảng 245 gram.
Sản phẩm chưa được công bố giá nhưng người dùng có thể đặt trước trên nền tảng Vmall của Trung Quốc với tiền cọc 1.000 nhân dân tệ (3,3 triệu đồng) và sẽ đến tay người dùng vào ngày 15/9.
Google bắt đầu cuộc chiến pháp lý về cáo buộc vi phạm chống độc quyền
Ngày 12/8, Google đã bắt đầu cuộc chiến pháp lý kéo dài tại tòa án liên bang để chống lại những cáo buộc từ Chính phủ Mỹ và hàng chục bang, cho rằng công ty công nghệ này vi phạm luật chống độc quyền ở mảng công cụ tìm kiếm trực tuyến.
Phiên tòa bắt đầu ở Washington dưới sự chủ tọa của một vị thẩm phán liên bang xuất phát từ hai vụ kiện nhằm vào Google, được khởi động dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và kéo dài cho tới nay.
Giới chuyên gia pháp luật miêu tả đây là vụ kiện độc quyền lớn nhất kể từ khi Chính phủ Mỹ nhằm vào hãng phần mềm lớn nhất thế giới Microsoft hồi những năm 1990.
Trong các đơn kiện riêng biệt, Bộ Tư pháp Mỹ và hãng chục bang của Mỹ cáo buộc Google vào năm 2020 có hành vi lạm dụng vị thế thống trị của mình trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến. Theo đơn kiện, Google đã gây cản trở cạnh tranh bằng cách thoả thuận với các nhà mạng viễn thông và các hãng sản xuất smartphone để đưa Google Search trở thành công cụ tìm kiếm mặc định hoặc duy nhất trên những sản phẩm được sử dụng bởi hàng triệu người tiêu dùng.
Cuối cùng, các đơn kiện này đã tập hợp thành một vụ kiện duy nhất.
Google giữ quan điểm rằng công ty cạnh tranh phù hợp quy định và người tiêu dùng thích dùng công cụ Google hơn bởi vì đó là công cụ tốt nhất chứ không phải do Google có hành vi hạn chế cạnh tranh phi pháp.
Mảng tìm kiếm chiếm hơn một nửa trong doanh thu 283 tỷ USD và lợi nhuận ròng 76 tỷ USD mà Alphabet - công ty mẹ của Google - đạt được trong năm 2022. Tìm kiếm cũng là mảng chiếm vai trò chủ lực đưa giá trị vốn hoá thị trường của Alphabet lên mức hơn 1,7 nghìn tỷ USD.
Phiên tòa có thể kéo dài trong nhiều tuần với hàng trăm nhân chứng được triệu tập lấy lời khai, trong đó có nhiều nhân chứng quan trọng như cựu nhân viên của Google và Samsung, cùng các nhà điều hành từ Apple bao gồm Phó Chủ tịch cấp cao Eddy Cue.
Các luật sư của Google sẽ phải đưa ra các lập luận thuyết phục Thẩm phán Amit P. Mehta rằng vụ án do Bộ Tư pháp đưa ra là không có căn cứ.
XEM THÊM: iPhone 15 sẽ có mức giá bao nhiêu?
Apple vá lỗ hổng nghe lén trên iPhone
Bản vá iOS 16.6.1 được Apple tung ra nhằm sửa lỗ hổng trên iOS cho phép phần mềm do thám Pegasus ẩn trong các tệp ảnh gửi qua iMessage.
Lỗ hổng này đã tồn tại nhiều năm, cũng được Apple khắc phục nhiều lần nhưng vẫn chưa triệt để. Nếu bị lây nhiễm, điện thoại chứa mã độc có thể bị đọc lén tin nhắn mã hóa, tự bật camera và micro từ xa cũng như liên tục theo dõi vị trí iPhone, iPad.
Apple không mô tả chi tiết trong bản cập nhật, nhưng lưu ý "tin nhắn chứa tệp đính kèm độc hại có thể dẫn đến việc thực thi mã tùy ý". Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu an ninh mạng Citizen Lab, đơn vị phát hiện lỗ hổng, mã độc "có khả năng xâm phạm thiết bị chạy phiên bản iOS 16.6 mới nhất mà không đòi hỏi bất kỳ tương tác nào từ phía nạn nhân".
Mã độc Pegasus, do công ty NSO (Israel) phát triển, từng được phát hiện trên iPhone, iPad từ đầu 2021. Khi đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết đã tìm thấy bằng chứng về việc iPhone 12 bị tấn công, khiến 50.000 số điện thoại bị rò rỉ. Apple đã công bố bản vá sau đó.
Tháng 9/2021, Apple tiếp tục ra bản vá khẩn cấp sau khi Citizen Lab nhận thấy phần mềm Pegasus tiếp tục hoành hành. Lỗ hổng được phát hiện khi kiểm tra iPhone của một nhà hoạt động xã hội ở Arab Saudi và thông báo cho Apple sau đó. Cùng thời gian, mã độc cũng được tìm thấy trên điện thoại của ít nhất 5 bộ trưởng Pháp.
Tháng 11/2021, Apple đệ đơn kiện NSO Group, yêu cầu cấm vĩnh viễn NSO Group sử dụng phần mềm, dịch vụ hoặc thiết bị của hãng.
Gần một tháng sau, theo Reuters, iPhone của ít nhất 9 nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ bị hack bằng phần mềm gián điệp của NSO Group. Nguồn tin cho biết vụ tấn công "đã diễn ra vài tháng", nạn nhân đều là quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đang làm việc tại Uganda và những người liên quan đến các quốc gia vùng Đông Phi. Một số được xác định do có Apple ID sử dụng email với đuôi state.gov.
Hoàng Yên (T/h)