TP.HCM căng thẳng vì sắp hết 6 loại vắc xin cho trẻ nhỏ
Theo Sở Y tế TP.HCM, thành phố đang đối mặt với nguy cơ thiếu 6 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Đó là các vắc xin: sởi, DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván), viêm não Nhật Bản, lao (BCG), sởi-rubella (MR) và DPT- VGB-Hib (SII - vắc xin phối hợp 5 trong 1).
Báo cáo của Sở Y tế TP.HCM cho thấy, số lượng các vắc xin chương trình tiêm chủng mở rộng tại TP cụ thể như sau:
Đầu tháng 10, vắc xin phòng lao (BCG) còn 26.770 liều. Trung bình mỗi tháng TP.HCM sử dụng 9.440 liều. Đến cuối tháng 10, dự kiến còn tồn 17.330 liều, đủ dùng trong 1,8 tháng. Dự báo giữa tháng 12/2022, TP sẽ thiếu vắc xin này.
Đầu tháng 10, vắc xin DPT-VGB-HiB (SII) còn 24.935 liều. Trung bình mỗi tháng TP.HCM cần 8.820 liều. Dự kiến cuối tháng 10 vắc xin này còn 16.115 liều, dùng trong 1,8 tháng. Như vậy, dự báo giữa tháng 12, TP bắt đầu thiếu.
Đầu tháng 10, vắc xin phòng viêm não Nhật Bản (Jevax) còn 4.290 liều. Trung bình mỗi tháng TP.HCM sử dụng 6.340 liều. TP thiếu vắc xin này từ giữa tháng 10.
Đầu tháng 10, vắc xin phòng sởi - rubella (MR) còn 600 liều. Trung bình mỗi tháng TP.HCM cần 5.690 liều. TP thiếu vắc xin này từ đầu tháng 10.
Đầu tháng 10, vắc xin dạng uống phòng bại liệt (bOPV) còn 23.900 liều. Vắc xin này có hạn sử dụng là 31/10/2022. Trung bình 1 tháng TP.HCM dùng 11.450 liều. Giữa tháng 10, TP đã thiếu vắc xin này.
Riêng vắc xin phòng sởi đơn và DPT, Chương trình tiêm chủng Quốc gia đã ngừng cấp cho TP từ tháng 5/2022.
Trong tờ trình gửi UBND TP, Sở Y tế khẳng định, đến hiện tại, TP chưa nhận được phân bổ thêm vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Do đó, khả năng cung ứng vắc xin cho công tác tiêm chủng thời gian tới sẽ gặp khó khăn.
Do đó, Sở Y tế đề nghị UBND TP có ý kiến với Bộ Y tế để sớm cung cấp vắc xin cho TP, phục vụ nhu cầu tiêm chủng cho người dân.
Dãy nhà ven biển Hội An bị sóng đánh sập: Tan hoang chỉ sau một đêm
Bão NESAT suy yếu trước khi vào bờ, song sóng lớn do ảnh hưởng của bão khiến nhiều đoạn bờ biển miền Trung bị công phá. Và trong cái đêm bão quần thảo ngoài Biển Đông, triều cường dâng cao đã kéo sập dãy nhà ven biển Hội An, đoạn thuộc khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, TP Hội An, Quảng Nam.
Tại khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nhiều nhà dân và nhà hàng bị sóng đánh tan hoang, đa số nhà bị sập hơn một nửa, phòng tắm, gian bếp bị cuốn sập hoàn toàn.
Sóng biển khoét mạnh vào móng nhà, tạo thành hàm ếch sâu hơn 2 mét khiến nhiều ngôi nhà tại khu vực đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Người dân khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, thành phố Hội An cho biết, tối 19/10, nhiều người hoảng hốt khi chứng kiến từng đợt sóng cao 3- 4m khoét mạnh vào tận vách nhà mình. Sau đó, nước biển xâm lấn, tràn lên nhà rồi băng qua đường.
Ông Đinh Dũng, Chủ tịch UBND phường Cẩm An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, chính quyền địa phương đã yêu cầu các hộ dân tạm thời sơ tán đến nơi an toàn.
“Kè tạm người dân đã tự làm một phần nhưng nước biển dâng quá lớn. Thứ hai là vừa qua chúng tôi đã mời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam ra khảo sát, kiểm tra thực tế rồi, tỉnh đang lên phương án khắc phục chứ địa phương không đủ sức để làm”, ông Dũng cho biết trên VOV.
Bình Dương lên kịch bản ứng phó đậu mùa khỉ, "cầu cứu" Bộ Y tế vì thiếu đủ thứ
Ngày 22/10, trao đổi với Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, ngay khi TP Hồ Chí Minh công bố ghi nhận 2 ca bệnh đậu mùa khỉ, địa phương đã chủ động lên kịch bản, phương án ứng phó nhằm kiểm soát tốt tình hình, tránh bị động.
Tại các bệnh viện, ngành y tế Bình Dương đề nghị chủ động tổ chức khám sàng lọc, phân luồng, cách ly và thu dung, điều trị trường hợp phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ.
Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương sẵn sàng phương án mở rộng các khu tiếp nhận điều trị bệnh khi ca bệnh tăng cao, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các cơ sở y tế khác phòng, chống dịch và xử lý các tình huống khẩn cấp.
Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, kỹ thuật viên, điều dưỡng để có thể phát hiện sớm trường hợp ca bệnh đậu mùa khỉ. Triển khai tập huấn, đặc biệt cho các bác sĩ Khoa Khám bệnh để khi xuất hiện bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng, như: Có các bọng nước, bọng mủ trên cơ thể, nhất là với bệnh nhân có tiền sử đi về từ các vùng có dịch sẽ nhanh chóng được giám sát.
Với ca bệnh chưa rõ ràng có thể cần hội chẩn với lãnh đạo bệnh viện để phối hợp các đơn vị chuyên khoa khác kịp thời xét nghiệm khẳng định chính xác ca bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp, phòng ngừa bệnh lây lan ra cộng đồng.
Ngoài ra, các bệnh viện phối hợp cơ sở y tế đầu ngành về bệnh lý truyền nhiễm để có kế hoạch phối hợp chuyển bệnh phẩm đến các đơn vị làm xét nghiệm nhằm chẩn đoán xác định hoặc chuyển bệnh nhân nếu là ca bệnh nặng.
Sở Y tế Bình Dương đã chủ động ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trong 3 tình huống: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh; xuất hiện trường hợp bệnh và dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Những tình huống này nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kịp thời điều tra thu thập bệnh phẩm, xét nghiệm xác định, không để dịch lan rộng, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, hiện công tác mua sắm thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất… đang gặp khó. Các gói thầu mua sắm rơi vào tình trạng “đóng băng”. Đối với gói thầu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và vị thuốc y học cổ truyền cho các cơ sở y tế công lập gặp vướng mắc trong việc thẩm định và phê duyệt dự toán.
UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Y tế nhưng đến nay địa phương chưa nhận được phản hồi.
Việt Hương (T/h)