Hà Nội tiếp thu phản biện về đề án thu phí ôtô vào nội đô
Chiều 20/10, Sở GTVT Hà Nội thông tin về đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Đề án được kỳ vọng hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào nội đô.
Sở GTVT Hà Nội cho biết quá trình xây dựng đề án, các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư, chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực và nhận được nhiều ý kiến đóng góp.
Ngoài ra, đơn vị cũng chỉ rõ 3 điều kiện kỹ thuật cần thiết để đề án được triển khai.
Thứ nhất, điều kiện về công nghệ thu phí bao gồm số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về hạ tầng, phương tiện giao thông và trang thiết bị trên các phương tiện.
Việc này nhằm thực hiện được thu phí không dừng và xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội); đảm bảo không ùn tắc giao thông tại các khu vực thu phí.
Thứ hai, điều kiện vận tải công cộng đảm bảo năng lực đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu đi lại của người dân. Từ đó, người đi ôtô cá nhân có thể chuyển đổi phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.
Thứ ba, các điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trung chuyển (bãi Park&Ride - P&R) cần đảm bảo để kết nối giữa các loại hình giao thông cá nhân với giao thông công cộng.
Điều kiện này nhằm phục vụ hành khách trung chuyển thuận lợi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.
"Đề án đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, việc lắng nghe và tiếp thu các nội dung phản biện xã hội, ý kiến đa chiều từ truyền thông là rất cần thiết", theo Sở GTVT Hà Nội.
Đơn vị cũng cho biết đề án được xây dựng dựa trên cơ sở các văn bản pháp lý đã được Quốc hội, HĐND Hà Nội thông qua.
Vì vậy, Sở GTVT Hà Nội giao nhiệm vụ cho Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố (Tramoc) nghiên cứu và xây dựng đề án là đúng tinh thần chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Theo đó, Tramoc đã ký hợp đồng tư vấn với Trung tâm tư vấn phát triển giao thông vận tải thuộc Đại học Giao thông Vận tải để tiến hành nghiên cứu và xây dựng đề án.
Nhiều người dân Quảng Bình khốn đốn vì sạt lở nghiêm trọng gần 2km bờ biển
Chiều 20/10, tin từ UBND thị xã Ba Đồn, Quảng Bình cho biết, chính quyền địa phương đang theo dõi sát sao khu vực bờ biển bị sóng đánh gây sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống nhiều hộ dân ở tổ dân phố Tân Mỹ, thuộc phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn.
Theo đó, sóng biển đánh gây sạt lở nghiêm trọng với chiều dài ước tính khoảng 2 km. Sóng biển mạnh đánh vào bờ đã làm gãy đổ, bật gốc nhiều cây phi lao phòng hộ; đồng thời, đẩy cát tràn vào tuyến đường giao thông ven biển khiến phương tiện không thể qua lại được. Người dân địa phương cho biết, trước kia rừng phòng hộ rộng ra cả trăm mét nhưng bị nước biển xâm thực, nay sạt lở đã vào gần tận nhà dân.
Kiểm tra tình hình sạt lở tại thực địa, ông Trần Thắng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ đạo chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng chủ động di dời người dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn, bảo đảm an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Cũng trong ngày 20/10, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết, tuyến Quốc lộ 9C bị ách tắc, tê liệt về giao thông đã được thông tuyến trở lại.
Sân bay Đồng Hới đã mở cửa khai thác trở lại sau ảnh hưởng bão số 6
Theo thông tin từ Cảng vụ Hàng không miền Bắc, sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) đã mở cửa khai thác trở lại ngay trong 9h sáng 20/10 do thời tiết đã đảm bảo an toàn cho các chuyến bay đi/đến sau ảnh hưởng của cơn bão số 6 (tên quốc tế là NESAT).
Hiện, chỉ có duy nhất 1 chuyến bay của Vietjet Air Quảng Bình-Thành phố Hồ Chí Minh bị hủy trong sáng nay do thời tiết xấu.
Theo kế hoạch, trong chiều 20/10, có 3 chuyến bay do hãng hàng không Vietnam khai thác là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways khai thác chặng Thành phố Hồ Chí Minh đi Quảng Bình. Chặng Hà Nội-Quảng Bình và ngược lại có 4 chuyến bay do Vietnam Airlines và Bamboo Airways khai thác.
Việt Hương (T/h)