Theo quy định tại văn bản số 9/VBHN-BGDĐT ngày 21/7/2023 hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập.
Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, sửa đổi bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập.
Thông tư này áp dụng đối với viên chức giảng dạy chương trình giáo dục tiểu học, bao gồm: giáo viên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (sau đây gọi chung là giáo viên tiểu học) trong các trường tiểu học, trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp tiểu học, trường chuyên biệt công lập và các cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục tiểu học (sau đây gọi chung là trường tiểu học công lập) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Các trường tiểu học tư thục có thể vận dụng các quy định tại Thông tư này để tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên.
Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định
Khi bổ nhiệm giáo viên từ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học theo quy định tại Thông tư này thì không được kết hợp thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Không căn cứ trình độ được đào tạo để bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn hạng chức danh nghề nghiệp đã trúng tuyển đối với giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng. Theo đó, chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học bao gồm:
1. Giáo viên tiểu học hạng III - Mã số V.07.03.29.
2. Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số V.07.03.28.
3. Giáo viên tiểu học hạng I - Mã số V.07.03.27.
Tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng I
1.1. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Giáo viên tiểu học hạng I phải đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, sửa đổi bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT như sau:
a) Có bằng cử nhân trở lên ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên tiểu học theo chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành.
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học.
1.2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
Theo khoản 4 Điều 5 Thông tư 02, giáo viên tiểu học phải đáp ứng các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ như sau:
- Tích cực, chủ động thực hiện và tuyên truyền vận động, hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục tiểu học vào các nhiệm vụ được giao;
- Chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục để phù hợp với học sinh, nhà trường, địa phương; hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt kế hoạch giảng dạy, giáo dục;
- Tích cực, chủ động chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh;
- Có khả năng đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp làm các sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng từ cấp huyện trở lên;
- Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp; có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc sử dụng tiếng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm;
- Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp bộ/ban/ngành/tỉnh trở lên; hoặc bằng khen từ cấp tỉnh trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm tổng phụ trách Đội từ cấp huyện trở lên;
- Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I (mã số V.07.03.27) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) hoặc tương đương từ đủ 06 năm trở lên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.
1.3. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
Giáo viên tiểu học hạng I phải đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp quy định tại Điều 2a Thông tư 02:
- Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục tiểu học.
- Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh.
- Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp.
- Thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ chung của viên chức và quy định của Bộ về đạo đức nhà giáo
Cách xếp lương giáo viên tiểu học hạng I
Theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 8 Thông tư 02 quy định, giáo viên tiểu học hạng I, mã số V.07.03.27, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 - 6,78.
Lương giáo viên hiện nay được tính theo công thức: Tiền lương = Mức lương cơ sở x hệ số
Hiện nay, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương sơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
Theo đó, bảng lương cụ thể của giáo viên tiểu học hạng I theo bảng sau:
Nhóm ngạch | Bậc 1 | Bậc 2 | Bậc 3 | Bậc 4 | Bậc 5 | Bậc 6 | Bậc 7 | Bậc 8 |
Hệ số | 4,40 | 4,74 | 5,08 | 5,42 | 5,76 | 6,10 | 6,44 | 6,78 |
Tiền lương (triệu đồng) | 6,556 | 7,063 | 7,569 | 8,076 | 8,582 | 9,089 | 9,596 | 10,102 |
Mới đây, Chính phủ vừa đã đề xuất 6 nội dung cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Theo đó, nếu chính sách này được thông qua, mức lương của giáo viên ở một số bậc sẽ thay đổi đáng kể.
Hệ thống lương mới dự kiến gồm 5 bảng lương, trong đó 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo (trong đó có giáo viên).
Căn cứ Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2018, giáo viên là viên chức trong khu vực công và giáo viên là người lao động trong khu vực doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết này. Đồng nghĩa, giáo viên là đối tượng được thực hiện cải cách tiền lương dự kiến từ 01/7/2024. Trong đó, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề.
Cụ thể, cơ cấu tiền lương mới sau cải cách của giáo viên sẽ gồm ba bộ phận là lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng. Do đó, so với hiện nay, lương giáo viên trong khu vực công sẽ được bổ sung thêm tiền thưởng. Như vậy, ngoài lương, giáo viên sẽ chỉ được hưởng 4 khoản phụ cấp chiếm tổng số 30% tổng quỹ lương.
Bảo An