Theo thông tin mới nhất do hãng tin Reuters đăng tải, ngày 5/10, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga đã thử nghiệm thành công một tên lửa chiến lược mới mang tên Burevestnik.
"Cuộc thử nghiệm thành công cuối cùng của Burevestnik, một tên lửa hành trình có tầm bay khắp toàn cầu mang đầu đạn hạt nhân, động cơ nguyên tử, đã được tiến hành”, ông Putin phát biểu trong phiên họp của Câu lạc bộ thảo luận Valdai ở thành phố Sochi (Nga).
Burevestnik là một loại tên lửa hành trình hoàn toàn mới, chạy bằng năng lượng hạt nhân và có tầm bắn xa hơn nhiều so với tên lửa phóng bằng động cơ phản lực hoặc động cơ phản lực cánh quạt truyền thống vốn bị giới hạn bởi lượng nhiên liệu mà chúng có thể mang theo.
Bên cạnh đó, loại tên lửa mới này vừa có thể mang đầu đạn thường vừa có thể mang đầu đạn hạt nhân với sức công phá cực lớn. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế trích dẫn một tạp chí quân sự chuyên ngành của Nga vào năm 2021 cho biết, tên lửa mới sẽ có tầm bắn lý thuyết lên tới 20.000 km. Do đó nó có thể được triển khai ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Nga và thực hiện tấn công phủ đầu dù đối phương ở mọi địa điểm trên thế giới.
Cũng theo tạp chí quân sự Nga, độ cao lý tuyết của Burevestnik chỉ ở mức 50 – 100m. Đây là điều mà các mẫu tên lửa hành trình thông thường không thể làm được. Khả năng bay linh hoạt sẽ cho phép tên lửa Nga thay đổi lộ trình bay liên tục bất kể ở địa hình nào mà vẫn tránh được các hệ thống phòng không của đối phương.
Trong khi đó, báo cáo năm 2020 của Trung tâm Tình báo Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ cho biết, việc đưa Burevestnik vào sử dụng thành công, sẽ mang lại cho Moscow một "vũ khí độc nhất có khả năng tầm xuyên lục địa".
Tồng thống Putin lần đầu tiên đề cập đến việc Nga đang nghiên cứu loại tên lửa này vào năm 2018. Thời điểm đó, ông tuyên bố tên lửa sẽ có tầm bắn không giới hạn, cho phép nó bay vòng quanh Trái đất mà không bị hệ thống phòng thủ tên lửa phát hiện.
Kể từ khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái, ông Putin cũng đã nhiều lần nhắc nhở thế giới về sức mạnh hạt nhân của Nga. “Nếu phát hiện bất kỳ một cuộc tấn công hạt nhân nào nhằm vào Nga, hàng trăm tên lửa của chúng thôi sẽ xuất hiện trên không trung, không một kẻ thù nào có cơ hội sống sót", chủ nhân Điện Kremlin cảnh báo.
Giới phân tích lo ngại việc phát triển Burevestnik và các hệ thống chiến lược mới khác của Nga có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán giữa Moscow và Washington về thỏa thuận thay thế cho Hiệp ước New START - hiệp ước nhằm hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân mà mỗi bên có thể triển khai.
Trước đó, ngày 28/2, Tổng thống Putin đã thông qua luật đình chỉ tham gia New START. Chính quyền ông Putin khẳng định sẽ không tham gia lại hiếp ước này hoặc ký kết một thỏa thuận nào khác nếu Mỹ không lắng nghe lập trường của Nga.
Phương Uyên(Theo Reuters)