Tờ Pravda dẫn thông kê mới được Trường kinh tế Kiev (KSE) công bố cho thấy Ukraine đã phải chịu thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng kể từ khi chiến sự với Nga bùng phát vào cuối tháng 2/2022.
Thiệt hại trực tiếp đối với các công trình cơ sở hạ tầng Ukraine đã đạt mức 151,2 tỷ USD - cao hơn 700 triệu USD so với số liệu được ghi nhận hồi tháng 6. Trong đó, thiệt hại về nhà ở là lớn nhất với tổng giá trị lên tới 55,9 tỷ USD.
Theo KSE, chiến sự Nga – Ukraine đã khiến 167.200 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hỏng, trong đó 147.800 là nhà riêng, 19.100 là chung cư và 350 là kí túc xá dành cho sinh viên.
Các tổn thất về cơ sở hạ tầng khác và công nghiệp đứng thứ 2 và thứ 3 trong bảng thống kê của KSE với trị giá lần lượt là 36,6 tỷ USD và 11,4 tỷ USD. Ngoài ra, 18 sân bay, 344 cây cầu và hơn 25.000km đường sắt của Ukraine cũng đã bị hư hại trong thời gian chiến sự diễn ra.
Đối với ngành công nghiệp, ít nhất 426 đơn vị bao gồm công ty nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân lớn và vừa đã lâm vào cảnh phá sản. Tính đến đầu tháng 9/2023, ngành giáo dục Ukraine cũng thiệt hại 10,1 tỷ USD. Tổng số cơ sở giáo dục bị hư hỏng và phá hủy đã vượt quá 3.500 trường hợp, trong đó có 1.700 cơ sở giáo dục trung học, hơn 1.000 trường mầm non và 586 cơ sở giáo dục đại học.
Thông qua bản thống kê của mình, KSE cũng nhấn mạnh tổn thất ngày càng tăng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe với ước tính khoảng 2,9 tỷ USD. Tổng cộng, 1.223 cơ sở y tế bao gồm 384 bệnh viện và 352 phòng khám ngoại trú đã bị phá hủy hoặc hư hại.
Trong khi đó, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) được cho là đang xem xét khả năng cung cấp khoảng 230 triệu USD để tái thiết cơ sở hạ tầng ở Ukraine. Khoản tiền này dự kiến sẽ được chi cho cho việc xây dựng lại hệ thống giao thông.
Đầu tháng 7, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin cho biết, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thảo luận về kế hoạch dùng tiền lãi thu được từ các quỹ bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước.
EU đã đóng băng 207 tỷ euro (hơn 231 tỷ USD) tài sản và các khoản tài chính dự trữ khác của Nga kể từ khi quốc gia này bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái. Tính từ tháng 1 đến tháng 6/2023, nguồn tài sản bị EU đóng băng của Nga đã tạo ra hơn 1,7 tỷ euro (1,9 tỷ USD) tiền lãi.
Phát biểu tại diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng Quốc tế đầu tiên ở thủ đô Kiev hồi cuối tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ thành lập một quỹ quốc phòng mới, bao gồm các tài sản Nga bị tịch thu như một trong những nguồn chính của quỹ.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine thời điểm đó không nêu rõ liệu ông đang nói về số vàng và ngoại hối của Nga đã bị các nước phương Tây đóng băng hay về tài sản thuộc sở hữu của Nga ở Ukraine bị tịch thu sau xung đột nổ ra.
Phương Uyên(Theo Pravda)