Dự thảo Nghị định đã trình Chính phủ tại tờ trình số 11/TTr - BTC ngày 23/01/2017 và theo chương trình dự kiến, trong quý II/2017, Chính phủ sẽ họp và xem xét, cho ý kiến về dự thảo.
Liên quan tới tiến độ dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần (thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015), theo thông tin từ Cục Tài chính Doanh nghiệp - Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo) thì theo chương trình dự kiến, trong quý II/ 2017, Chính phủ sẽ họp và xem xét và cho ý kiến về dự thảo.
Trước đó, chiều ngày 16/3, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về một số nội dung của dự thảo Nghị định này. Theo đó, dự thảo tập trung vào một số nội dung cơ bản, trong đó nhấn mạnh việc điều chỉnh tiêu chí lựa chọn, có chính sách bán cổ phần phù hợp cho cổ đông chiến lược đối với doanh nghiệp cổ phần hoá. Xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá.
Dự thảo tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Đồng thời xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hoá được tăng cường đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước.
Bộ Tài Chính là cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Ảnh: Internet |
Tiếp đó, tại cuộc họp với các Bộ, ngành để cho ý kiến vào dự thảo Nghị định diễn ra vào ngày 11/4, trước những đánh giá của đại diện Bộ Tài chính về việc các Nghị định số 59, 189 và 116 của Chính phủ thời gian vừa qua còn bộc lộ nhiều vấn đề trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và do đó, cần thiết phải ban hành Nghị định mới thay thế; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận những nỗ lực của Bộ Tài chính, đồng thời gợi mở 4 mục tiêu mà Nghị định phải hướng tới. Cụ thể là:
Thứ nhất, không để quyền lợi Nhà nước bị xâm phạm khi mà dư luận xã hội đang bức xúc việc định giá tài sản DNNN có vấn đề nên khi cổ phần hóa Nhà nước bị thất thoát tài sản, vốn. Nguyên tắc là phải tính đúng, tính đủ tài sản hữu hình, vô hình vào giá trị DN, như việc tìm cách tính thương hiệu, lợi thế thương mại, phát minh sáng chế, cải tiến kỹ thuật, định giá đất đai,…
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu trường hợp DN sau cổ phần hóa đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất thì tính toán áp thuế ra sao? Về phương pháp tính, Phó Thủ tướng đề nghị ngoài phương pháp định giá tài sản thì Bộ Tài chính sử dụng thêm phương pháp dòng tiền chiết khấu để tính toán linh hoạt giá trị tài sản gắn liền với DN.
Thứ hai, Phó Thủ tướng đặt vấn đề với các bộ, ngành về việc: "Xử lý như thế nào với trường hợp cổ phần hóa thành tư nhân hóa, tài sản Nhà nước thành tài sản cá nhân một số ít người? Có câu chuyện xác định được cổ đông chiến lược nhưng khi bán cổ phần phổ thông thì không ai mua, nhưng sau đó có cổ đông chiến lược lại mua hết thì có cấm đoán việc này không?"
Phó Thủ tướng cho rằng, Nghị định cần phải tăng cường tính minh bạch trong xây dựng, ban hành các kế hoạch cổ phần hóa DNNN. Phó Thủ tướng đề nghị dự thảo Nghị định phải phân loại cổ phiếu (dành cho nhà đầu tư chiến lược, người lao động và Nhà nước) theo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; đi liền với quyền và nghĩa vụ của các bên trong sở hữu cổ phần, cổ phiếu của DNNN sau CPH.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả và quản trị DN.
Thứ tư, Nghị định phải bảo vệ lợi ích Nhà nước trong một số trường hợp quan trọng ví dụ như giữ thương hiệu quốc gia. Phó Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định để đạt được các mục tiêu trên.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, dự thảo Nghị định vẫn chưa đề cập đến việc giải quyết các vấn đề tồn tại trước và sau cổ phần hóa DNNN về tài chính, pháp lý, niêm yết trên thị trường chứng khoán để tránh chuyện DN sau khi cổ phần hóa vẫn đòi Nhà nước giải quyết các vấn đề về sắp xếp lao động dôi dư, xử lý tài sản lúc cổ phần hóa còn tồn đọng…
Do đó, lãnh đạo Chính phủ đề nghị tập trung quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa DNNN tránh để tràn lan nhiều quỹ như hiện nay.