+Aa-
    Zalo

    Chính phủ kiến tạo phát triển: Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, nguyên tắc Chính phủ kiến tạo trong xây dựng bộ máy được thể hiện qua năm nội dung chính...

    (ĐSPL) – Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, nguyên tắc Chính phủ kiến tạo trong xây dựng bộ máy được thể hiện qua năm nội dung chính, trong đó có nội dung “Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo lộ trình đã được phê duyệt”.

    Nghị quyết 100/NQ-CP, ngày 18/11/2016, của Chính phủ về "Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021", trong đó xác định, "Xây dựng tổ chức bộ máy của Chính phủ...với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển" - một thông điệp mới đang được dư luận hết sức quan tâm, đồng tình, ủng hộ. 

    Trước đó, tại Hội nghị cải cách hành chính diễn ra vào tháng 7 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu rõ quyết tâm xây dựng "Chính phủ kiến tạo phát triển". 

    Nhân dịp Chính phủ ban hành Nghị quyết 100/NQ-CP nêu trên, Phóng viên có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về nguyên tắc xây dựng tổ chức "Chính phủ kiến tạo phát triển".

    PV: Cần hiểu về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” như thế nào cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 100/NQ-CP?

    Nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển” trong xây dựng tổ chức bộ máy cần hiểu cụ thể như thế nào trong điều kiện cụ thể của Bộ?

    Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nguyên tắc Chính phủ kiến tạo phát triển đã được nêu rất cụ thể tại Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 ban hành kèm theo Nghị quyết số 100/NQ-CP, theo đó Chính phủ kiến tạo phát triển là hướng tới Chính phủ trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, lấy Nhân dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật...; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

    Đối với Bộ Công Thương, nguyên tắc về Chính phủ kiến tạo trong xây dựng tổ chức bộ máy được thể hiện qua các nội dung sau:

    Thứ nhất, bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước của Bộ phải được cải cách, tinh gọn, hiệu quả; chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm được phân công, phân cấp một cách rõ ràng, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp cũng phải được xác định rõ trong quá trình thực thi công vụ; đội ngũ cán bộ, công chức phải được tăng cường, nâng cao về năng lực, phẩm chất đạo đức công vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

    Thứ hai, hệ thống pháp luật phải tiếp tục được hoàn thiện, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch; gắn kết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật trong hoạt động của Bộ.

    Thứ ba, cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp phải được đơn giản hóa đến mức tối đa. Bãi bỏ các thủ tục hành chính gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi nhất doanh nghiệp và người dân.

    Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết, xử lý công việc của các cơ quan hành chính của Bộ. Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin được kết nối liên thông với Chính phủ, thông suốt giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau, cơ sở dữ liệu cần phải có sự chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

    Thứ năm, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình đã được phê duyệt. Tiếp tục thoái vốn nhà nước, bán hết ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ. Triển khai sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là các cơ sở đào tạo của Bộ; thực hiện thí điểm cổ phần hóa, tự chủ đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ.

    Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương

    PV: Với cách hiểu trên về nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”, đánh giá, nhìn lại thực tiễn xây dựng tổ chức bộ máy của Bộ trong thời gian qua, Đồng chí đánh giá như thế nào về những mặt còn tồn tại, hạn chế?

    Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực chịu trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực về công nghiệp, thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế... Bộ máy của Bộ thời gian trước đây được sắp xếp theo hướng cơ học, hợp nhất các đơn vị có chức năng, nhiệm vụ trùng lặp của hai Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại vì vậy, tổ chức bộ máy khá cồng kềnh, chưa thực sự đạt được sự tinh gọn và hiệu quả.

    Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ thời gian qua cũng chậm được sắp xếp, đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp chưa phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

    Nhận thức được điều này, với tinh thần của Chính phủ kiến tạo và phát triển, thời gian tới, Bộ sẽ sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn; tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại các Trường đào tạo, rút gọn, thu gọn đầu mối theo nguyên tắc tổ chức sắp xếp lại các trường trên cùng một địa bàn lãnh thổ, các đơn vị hoạt động kém hiệu quả sẽ thực hiện sáp nhập với các đơn vị mạnh hơn. Đồng thời, ngoài việc đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ đối với các Viện nghiên cứu, Bộ cũng sẽ thực hiện thí điểm cổ phần hóa một số Viện nghiên cứu đủ điều kiện theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở đó sẽ tổng kết, đánh giá và đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, xã hội hóa hoạt động của các Viện nghiên cứu...

    PV: Thời gian tới, căn cứ vào những nội dung trong Nghị quyết 100/NQ-CP, Bộ có xây dựng một Chương trình hành động riêng để xây dựng tổ chức bộ máy theo nguyên tắc “Chính phủ kiến tạo phát triển”? Nếu có, đơn vị nào sẽ được giao nhiệm vụ chủ trì và dự kiến khi nào sẽ ban hành?

    Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Ngày 29 tháng 12 năm 2016 Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 100/QĐ-BCT của Chính phủ (Quyết định số 5105/QĐ-BCT) theo đó, nội dung được đặc biệt quan tâm và đặt lên hàng đầu là công tác: Tổ chức bộ máy tinh gọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ được giao nhiệm vụ đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để xây dựng, tổ chức thực hiện.

    PV: Trân trọng cám ơn Bộ trưởng./.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chinh-phu-kien-tao-phat-trien-day-manh-co-phan-hoa-doanh-nghiep-nha-nuoc-a179185.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan