Lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội, tiệm cắt tóc đặc biệt dành riêng cho sinh viên chỉ với giá 2.000 đồng mà nhiều bạn đùa rằng “rẻ như cho” đang gây sốt cộng đồng sinh viên Hà Nội.
Ý nghĩa từ việc nhỏ
Với mong muốn được hỗ trợ sinh viên một phần nhỏ, anh Nguyễn Hoài Thanh (30 tuổi, quê Đồng Nai) đã sáng tạo mô hình cắt tóc trong thùng xe tải cải tiến chỉ với giá 2.000 đồng tại 4 tỉnh thành hiện nay với 6 xe lưu động. Mô hình cắttóc lạ mắt trên xe lưu động khiến nhiều sinh viên sẵn sàng xếp hàng dài chờ đến lượt.
Anh Thanh chia sẻ, vốn sinh ra từ vất vả khó khăn, năm lên lớp 9 đã phải nghỉ học, ước mơ thi đỗ vào lĩnh vực kinh tế của một trường nào đó lụi tắt. Cuộc sống mưu sinh tại TP.HCM cũng bắt đầu từ đó. Vất vả kiếm sống với nhiều ngành nghề, năm 2010 anh quyết định gom tiền tích góp trước đó để đi học nghề cắt tóc tại một cửa tiệm bình dân ở quận Tân Phú.
Anh Nguyễn Hoài Thanh mong muốn sẽ phát triển rộng hơn mô hình này. |
Với sự khéo léo và ham học hỏi, Thanh sớm thành công và khởi nghiệp với chuỗi cửa tiệm Đông Tây Barber Shop. Từ cửa tiệm đầu tiên năm 2018, đến nay Thanh có trong tay 10 tiệm cố định nằm rải rác ở các quận, huyện tại TP.HCM. Trong đợt dịch Covid-19, anh nung nấu ý định muốn làm việc giúp ích cho cộng đồng.
Suy nghĩ về mô hình cắt tóc lưu động giá rẻ cho sinh viên từ đấy mà ra đời. “Sinh viên là những người có học thức, có trình độ, sau khi ra trường các bạn sẽ giúp cho xã hội ngày một phát triển và tiến bộ hơn. Tuy nhiên, phần đông các bạn là con nhà nghèo khó, chưa làm ra tiền và phụ thuộc vào gia đình. Vì vậy, mình muốn tạo ra mô hình này để hỗ trợ các bạn”- anh Thanh chia sẻ.
Tận dụng thời gian nghỉ dịch, anh lên ý tưởng, thiết kế xe, tìm về nhà máy xe Huyndai ở Bình Dương để đặt làm mô hình xe cắt tóc lưu động. Anh Thanh cho biết một chiếc xe cắt tóc lưu động có kinh phí hơn 650 triệu đồng, được trang bị đầy đủ ghế ngồi, ghế gội đầu, dụng cụ cắt tóc cần thiết, thiết bị điện... Mỗi ngày anh Thanh phải bỏ ra chi phí khoảng 2 triệu đồng tiền trả công thợ, tài xế chạy xe, xăng dầu... Phí duy trì hoạt động của xe được lấy từ nguồn thu của hệ thống cắt tóc do anh mở. “Lẽ ra mình sẽ cắt tóc miễn phí cho các bạn, nhưng miễn phí thì các bạn lại ngại đến cắt, nên mình đề ra mức phí 2.000 đồng”, anh Thanh nói.
Chỉ với mức giá 2.000 đồng nhưng mỗi nhân viên cắt tóc luôn dành trọn tâm huyết và kỹ lưỡng trong từng thao tác. “Bản thân mình luôn mong muốn dù phải bỏ ra số tiền rất ít, nhưng mỗi khách hàng luôn cảm thấy thoải mái và hài lòng với những gì vừa được trải nghiệm”, anh Thanh cho hay. Sau khu vực miền Nam, xe cắt tóc lưu động đầu tiên cho sinh viên miền Bắc có mặt tại Hà Nội. Mỗi trường xe lưu động sẽ đỗ từ vài ngày đến một tuần, sau đó sẽ di chuyển sang một trường khác. Hiện tại chiếc xe cắt tóc đặc biệt dành cho sinh viên đang nằm trong khuôn viên trường đại học Thủy Lợi.
“Món quà” ấm lòng
9h00 sáng, tại khuôn viên ký túc xá đại học Thủy Lợi, rất nhiều sinh viên đến xếp hàng dài chờ đến lượt mình cắt tóc. Ăn vội chiếc bánh mỳ cho bữa sáng, anh Nguyễn Thuận Thành (30 tuổi, nhân viên của chuỗi hệ thống cắt tóc Đông Tây) bắt đầu ghi tên, số thứ tự cho từng bạn. Theo anh, chiếc xe xuất hiện tại Hà Nội cách đây 3 tuần, địa điểm đầu tiên là đại học Kiến Trúc Hà Nội.
“Chiếc xe tải được vận chuyển ra Hà Nội bằng container, mình cùng hai nhân viên trong hệ thống salon được cử ra để thực hiện việc cắt tóc cho các bạn sinh viên”, anh Thành chia sẻ. Anh Nguyễn Thành cho biết xe cắt tóc lưu động tại Hà Nội sẽ mở cửa từ 9h cho đến 21h từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Trung bình mỗi ngày sẽ giới hạn phục vụ khoảng 60 lượt sinh viên.
“Quá đông người đăng ký, xe chỉ có 2 chỗ ngồi, 3 nhân viên thay nhau ăn trưa để cắt tóc cho các bạn, nên một ngày bọn mình chỉ nhận cắt cho 60 người”, anh Thành chia sẻ. Ngoài cắt tóc nam, mỗi xe đều có một nhân viên cắt tóc nữ. Không chỉ cắt tóc, xe lưu động có thể thực hiện các yêu cầu khác của khách hàng như: Gội đầu, nhuộm tóc, tạo kiểu, nhưng mức giá sẽ cao hơn khoảng 100 nghìn đồng. Lê Văn Trân (23 tuổi, Phú Thọ, sinh viên năm 3 đại học Thủy Lợi) chốc chốc lại đứng trước cửa phòng ký túc xá ngó xuống dưới sân xem chiếc xe bán tải màu cam mở cửa hay chưa. Trân cùng nhiều bạn khác tại trường đại học Thủy Lợi đã từng nghi ngờ về chất lượng vì giá cắt cho mỗi người sao chỉ có 2.000 đồng? Tuy nhiên, khi thấy các bạn cùng phòng được tạo kiểu tóc mới đẹp không khác gì ngoài salon tóc lớn, Trân quyết định xuống thử.
Mặc dù chỉ với giá 2000 đồng nhưng sản phẩm tạo ra không khác gì ngoài tiệm lớn. |
Thấy nhân viên của "tiệm cắt tóc" đến, Trân chạy vội xuống đăng ký xếp hàng, nhưng khi tới nơi, đã có rất đông sinh viên cũng chờ đợi. Lượng sinh viên đến đăng ký cắt tóc ngày một đông hơn, bởi đây là lần đầu tiên có một nơi cắt tóc 2.000 đồng hướng riêng đến các đối tượng là sinh viên.
“Bình thường bên ngoài tiệm rẻ thì mất từ 30.000 - 50.000 đồng, đắt thì lên đến tiền trăm, mà nhiều lúc cắt không được ưng ý. Các bạn trong cùng phòng xuống đây cắt tóc về rất đẹp, với sinh viên chưa đi làm như mình, vừa đẹp mà giá lại rẻ thì quá hoàn hảo”, Trân nói.
Là người đến đầu tiên, sau 30 phút được tư vấn tạo kiểu tóc, Hòa Minh Hiếu (22 tuổi, sinh viên năm 4 trường đại học Thủy Lợi) cảm thấy bất ngờ với diện mạo mới. Bước xuống xe lưu động, Hiếu khoe: “Mình không nghĩ sẽ có một kiểu tóc độc đáo, mới lạ và hợp với khuôn mặt nhưng chỉ với mức giá 2.000 đồng. Đây thực sự là một mô hình rất hay và ý nghĩa dành cho sinh viên. Nhất là khi mình có thể tiết kiệm tiền cắt tóc để chi tiêu thêm cho học tập”.
Theo anh Thành chia sẻ, tại Hà Nội đến thời điểm hiện tại, xe cắt tóc lưu động ước tính phục vụ cho hơn 1.000 sinh viên. Số lượng sẽ tăng liên tục trong những ngày tiếp theo. Mặc dù mệt, nhưng được làm điều ý nghĩa quả là một điều rất vui.
Muốn làm việc giúp ích cho cộng đồng! Là người khởi xướng mô hình xe cắt tóc lưu động, anh Nguyễn Hoài Thanh (30 tuổi, sống tại TP.HCM)cho biết, mô hình cắt tóc lưu động bằng xe tải cải tiến bắt đầu thực hiện từ ngày 17/5 tại TP.HCM. Là một hoạt động do Đông Tây Barber Shop, hệ thống chuỗi cắt doanh làm chủ triển khai nhằm giúp đỡ các bạn sinh viên. “Tại TP.HCM có 3 chiếc, Hà Nội 1 chiếc, Đà Nẵng 1 chiếc, Cần Thơ 1 chiếc. Đây là những tỉnh thành đầu tiên được lựa chọn triển khai thí điểm, sau này có thể mở rộng ra một số tỉnh khác”- anh Thanh cho hay. |
Lê Liên
Bài đăng trên ấn phẩm in Đời sống& Pháp luật số 113