Ngày 3/10 (giờ địa phương), Thụy Điển đã cử một tàu lặn tới địa điểm đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) của Nga ở Biển Baltic bị vỡ vào tuần trước, sau các vụ nổ dẫn đến việc đường ống này bị rò rỉ. Sự việc cũng làm gia tăng căng thẳng mới cho cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, RT đưa tin.
Châu Âu đang điều tra nguyên nhân khiến ba đường ống dẫn trong mạng lưới Nord Stream bị vỡ tại khu vực gần vùng biển của Thụy Điển và Đan Mạch.
Đường ống khí đốt Nord Stream, chạy từ Nga sang Đức, là trung tâm của cuộc khủng hoảng cung cấp khí đốt ngày càng tăng ở châu Âu, vốn cho đến gần đây phụ thuộc rất nhiều vào nhiên liệu của Nga, khiến giá cả tăng vọt.
Cơ quan quản lý đường ống Nord Stream cho biết, một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã kích hoạt các kế hoạch khẩn cấp có thể dẫn đến việc phân bổ khẩu phần khi họ chạy đua để tìm nguồn cung cấp thay thế, trong khi Anh hiện đối mặt với "nguy cơ đáng kể" về tình trạng thiếu khí đốt trong mùa đông này.
"Lực lượng bảo vệ bờ biển chịu trách nhiệm về vụ việc nhưng chúng tôi đang hỗ trợ họ với các đơn vị", phát ngôn viên của hải quân Thụy Điển, Jimmie Adamsson, nói với Reuters.
Cơ quan công tố của Thụy Điển cho biết trong một thông cáo báo chí rằng họ đã chỉ định khu vực này làm hiện trường vụ việc.
Trước đó, lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển cho biết Nord Stream 1 đã ngừng rò rỉ nhưng một luồng khí cho thấy ánh sáng tràn vẫn thoát ra khỏi Nord Stream 2 và sủi bọt lên bề mặt trong bán kính 30m.
Washington đã mạnh mẽ phủ nhận bất kỳ sự liên quan đến vụ rò rỉ. Các nước châu Âu nghi ngờ có hành vi phá hoại nhưng từ chối cho biết ai có thể đứng sau vụ này.
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom do Điện Kremlin kiểm soát cũng cho biết các dòng chảy có thể tiếp tục tại đường ống cuối cùng còn nguyên vẹn trong mạng lưới Nord Stream 2.
“Nếu quyết định bắt đầu giao hàng qua đường B của Nord Stream 2, khí tự nhiên sẽ được bơm vào đường ống sau khi tính toàn vẹn của hệ thống đã được các cơ quan giám sát kiểm tra và xác minh", phía Gazprom thông báo.
Bích Thảo(Theo RT)