Hàng năm cứ đến ngày Vía thần tài (mồng 10 tháng Giêng âm lịch), người dân tại nhiều tỉnh thành trên cả nước lại đổ xô đi mua vàng cầu may. Người ta tin rằng, vàng tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý “buôn may bán đắt” trong năm mới, vì thế, càng mua nhiều vàng trong ngày Vía thần tài sẽ càng tài lộc, sung túc cho cả năm.
Điều này, khiến nhiều cửa hàng kinh doanh vàng trở nên quá tải, phải mở cửa từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Ở nhiều nơi thậm chí còn xảy ra tình trạng người dân xếp thành hàng dài cả km, chờ đợi cả tiếng để mua vàng cầu may trong ngày Vía thần tài.
Tuy nhiên, Dân Trí dẫn lời TS Nguyễn Thị Ánh Hồng (Trưởng Khoa Văn hóa - Phát triển, Học viện Báo chí Tuyên truyền) cho hay, ngày “Vía thần Tài” thực chất không phải truyền thống của Việt Nam mà chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.
Câu chuyện về sự tích Thần tài say rượu bị rơi xuống trần gian rồi về trời ngày 10 tháng 1 âm lịch cũng chỉ là câu chuyện thêu dệt để “thần thánh hóa” ngày vía Thần tài mà không hề có bất cứ cơ sở văn hóa nào.
“Ở Trung Quốc người ta tổ chức ngày vía Thần tài vào ngày mùng 5 còn Việt Nam lấy ngày 10/1 với quan niệm “mười phân vẹn mười”. Trong truyền thống, người Việt Nam không có quan niệm về chuyện tài lộc theo nghĩa về kinh tế, mà tài lộc ở Việt Nam được hiểu theo nghĩa đức độ.
Người Việt xưa trọng người tài, coi người tài là nguyên khí quốc gia. Chính vì thế chữ “tài” thường được hiểu theo nghĩa hiền tài chứ không phải là Tài lộc”, Tiến sỹ Ánh Hồng nói.
Theo chuyên gia văn hóa này, ngày Vía thần tài cũng chỉ mới phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây khi kinh tế phát triển, việc giao thương buôn bán được mở rộng. Mặt khác, câu chuyện về ngày “vía" thần Tài được một số người làm kinh doanh (đặc biệt những người buôn vàng) tuyên truyền mạnh nhằm thúc đẩy việc bán hàng đầu năm. Nhờ “ăn theo” ngày “vía" thần Tài, lượng vàng bán ra tại các cơ sở kinh doanh mặt hàng trong tháng Giêng tăng vọt.
Xét ở góc độ tinh thần, việc mua vàng cầu may trong ngày đầu năm cũng đáp ứng nhu cầu rất chính đáng của con người và là động lực để họ cố gắng trong năm tới. Thế nhưng khi niềm tin tín ngưỡng vượt quá ranh giới niềm tin linh thiêng thì nó lại trở thành mê tín.
Vài năm trở lại đây, có một bộ cư dân đặc biệt là cư dân đô thị đang bị lôi kéo trước sự mời gọi của tham vọng nhiều hơn là các giá trị văn hóa, tín ngưỡng. Đây cũng là cơ hội để những nhà kinh doanh đầu tư, có lãi.
Trao đổi trên báo Lao Động, PGS. TS. Đinh Hồng Hải (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, sự hình thành các quan niệm tín ngưỡng như ngày vía Thần tài với mục đích cầu cho một năm mới nhiều tài lộc xuất phát từ quan niệm cầu tài cầu lộc và “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” trong văn hóa dân gian của người Việt.
Trên thực tế, nếu mua một ít để cầu may (mang ý nghĩa tượng trưng như đi hái lộc) thì không có gì phải bàn nhưng việc đổ xô đi mua vàng lại làm mất đi ý nghĩa cầu may mà có thể biến tướng thành mua tranh bán cướp phản cảm.
"Sự biến tướng này cũng giống như hiện tượng “cướp ấn” hiện nay, thể hiện tâm lý bất an của nhiều người, dễ làm giàu cho các “doanh nghiệp tâm linh” mà thôi" - PGS. TS. Đinh Hồng Hải bày tỏ.
Thùy Dung(T/h)