+Aa-
    Zalo

    Thực hư tin đồn nuôi “con ma thuốc độc” hại người ở Quảng Bình

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mặc dù chưa ai nhìn thấy “con ma thuốc độc”, nhưng người dân thuộc huyện miền núi tỉnh Quảng Bình vẫn truyền tai nhau rất nhiều câu chuyện rùng rợn về nó, khiến dư luận h

    Mặc dù chưa ai nhìn thấy “con ma thuốc độc”, nhưng người dân thuộc huyện miền núi tỉnh Quảng Bình vẫn truyền tai nhau rất nhiều câu chuyện rùng rợn về nó, khiến dư luận hoang mang, lo lắng.

    Theo đó, cứ mấy ngày mất ăn, mất ngủ hoặc ốm lâu không khỏi bệnh, đi bệnh viện khám không ra bệnh, người dân huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Bình nghĩ ngay tới chuyện mắc “ma thuốc độc”. Chưa từng nhìn thấy, cũng không tưởng tượng được “con ma thuốc độc" như thế nào, nhưng sức ám ảnh của nó đối với đời sống người dân lại vô cùng lớn.

    Những ngày này, người dân xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đang hoang mang bởi tin đồn “ma thuốc độc” hại người.

    Nhiều người dân cho rằng, không ai có thể nhìn thấy tận mắt “con ma thuốc độc”, ngoại trừ chủ nhân của nó là những người tạo ra “con ma thuốc độc” hoặc những người được người nhà truyền lại.

    Và cũng theo tin đồn, mục đích nuôi "con ma thuốc độc" là để trở nên giàu có. Tuy nhiên, trong một năm, nếu chủ nhân của nó không bỏ được thuốc độc vào người khác thì sẽ khuynh gia bại sản, đau ốm mà chết. Trong khi đó, người không may bị bỏ thuốc sẽ phát bệnh, đau ốm, chết dần chết mòn theo thời gian.

    Người dân xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa cho rằng đây là phương thuốc trị bệnh “ma thuốc độc”.

    Chị Đoàn Thị Hạnh, đã 30 năm sinh ra và lớn lên ở một xã thuộc huyện miền núi Tuyên Hóa, được những thế hệ người đi trước kể lại: “Tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về “ma thuốc độc”, bản thân tôi sống ở đây cũng luôn phải đề phòng với nó. Theo những câu chuyện mà tôi nghe được thì những nhà nuôi con “ma thuốc độc” thường rất ăn nên làm ra. Tuy nhiên, để đạt được điều này đòi hỏi mỗi năm phải bỏ độc chết được ít nhất một người. Nếu không bỏ được ai chết thì người nuôi sẽ chết”.

    Theo chị này, những người mắc “ma thuốc độc” có rất nhiều triệu chứng, nhẹ thì sút cân nhanh, muốn ăn cũng không ăn được, muốn ngủ cũng không ngủ được, trong người thấy đau âm ỉ nhưng đi khám thì không ra bệnh. Trường hợp nặng hơn thì trương bụng lên, đi ngoài và ho ra máu…. Nếu phát hiện kịp thời thì gia đình sẽ đưa nạn nhân đi đến nhà thầy lang có tiếng trong vùng để chữa trị, còn nếu không biết để lâu, nạn nhân sẽ chết.

    Những lời đồn thổi, những câu chuyện về con “ma thuốc độc” cứ thế tồn tại từ đời này qua đời khác với biết bao câu chuyện được thêu dệt. Bản thân người dân chưa từng một lần nhìn thấy con “ma thuốc độc” nhưng niềm tin, ma lực của nó thì vô cùng lớn, tới mức hễ người trong nhà có biểu hiện hơi lạ, đi chữa bệnh không khỏi, người ta nghĩ ngay tới chuyện bị “ma thuốc độc” hại. Và chính cái suy nghĩ thiển cận này đã khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn khổ, “sống dở, chết dở” vì bị nghi “nuôi ma thuốc độc” hại người.

    Mới đây, tại xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, gia đình ông Dương Đức Dịch (74 tuổi), đã phải viết đơn cầu cứu cơ quan chức năng bởi tin đồn gia đình ông “nuôi con ma thuốc độc”, khiến nhiều người trong làng đau ốm, chết bất đắc kỳ tử. Gần 20 năm bị "dính" tin đồn, nhà ông Dịch bị xóm làng xa lánh, con cháu không dám đến trường vì bị kỳ thị và nhà ông này luôn bị kẻ xấu ném rác, chất thải vào nhà.

    Theo tìm hiểu, rất nhiều người dân khi bị bệnh, vì nghĩ mình bị “ma thuốc độc” hại nên không tìm đến các cơ sở y tế mà đến nhà thầy lang chữa bệnh dẫn đến “tiền mất, tật mang”. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có rất nhiều trường hợp, sau khi đi chữa trị nhà thầy lang không khỏi, họ đã đến bệnh viện chữa trị và khỏe mạnh trở lại.

    Chị Mai Thị Sáu, trú xã Trường Sơn, bị bệnh lạ, được đồn thổi bị “ma thuốc độc”, đã được chữa khỏi.

    Như trường hợp, gần 200 người dân xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, sau khi bị mắc chứng bệnh lạ không rõ nguyên nhân thì nhiều người đã đồn thổi là dính "ma thuốc độc” khiến dư luận hoang mang, lo lắng. Sau đó, sở Y tế tỉnh Quảng Bình trực tiếp vào cuộc và kết luận, không có cơ sở khẳng định là bệnh “ma thuốc độc”. Chứng bệnh mà nhiều người dân xã này mắc phải có dấu hiệu lâm sàng trên người nghi bị cảm cúm do thay đổi thời tiết, chuyển giao mùa.

    Nói về tin đồn “ma thuốc độc”, bác sĩ Đinh Hải Tuấn, Trưởng khoa Y học cổ truyền, bệnh viện Đa khoa huyện Minh Hóa cho biết: “Trong y học cổ truyền và y học hiện đại đều không có bệnh "ma thuốc độc" và không có bài thuốc nào trị “ma thuốc độc””. Đồng thời, vị bác sĩ này cũng khuyến cáo người dân nên tin tưởng vào y học hiện đại, không nghe theo những câu chuyện mang tính hoang tưởng, hư ảo về “ma thuốc độc” để rồi tiền mất, tật mang.

    Trong khi đó, ông Cao Văn Dũng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Minh Hóa cho biết, đã nhiều năm nay, chính quyền địa phương chú trọng làm công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân xóa bỏ những hủ tục, niềm tin mang tính mê tín dị đoan liên quan đến “ma thuốc độc”. Và thực tế, bà con đã thay đổi nhận thức về “ma thuốc độc”, tập trung làm ăn, sinh sống. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân thiếu hiểu biết đã tin rằng có “ma thuốc độc” rồi lan truyền thông tin này khiến những người dân khác hoang mang, lo lắng.

    “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân xóa bỏ hẳn những suy nghĩ tiêu cực liên quan đến "ma thuốc độc"", ông Dũng nói.

    Ngô Thị Huyền

    Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thuc-hu-tin-don-nuoi-con-ma-thuoc-doc-hai-nguoi-o-quang-binh-a241015.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan