Sáng 15/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm 6 tháng cuối năm 2024.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ tài chính NSNN được triển khai trong bối cảnh các cân đối lớn vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì ở mức tích cực , lạm phát cơ bản được kiểm soát; thu NSNN, bội chi, nợ công được kiểm soát; thị trường tài chính, chứng khoán phát triển; thị trường tiền tệ, tỉ giá được điều hành linh hoạt.
Cùng với đó, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 15,7% so với cùng kỳ, xuất siêu 11,63 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng, tổng vốn đăng ký đạt hơn 15,19 tỷ USD, tăng 13,1%.
Tuy nhiên, tình hình thế giới tiếp tục bất ổn, phát sinh nhiều khó khăn, thách thức lớn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt; lạm phát tuy đã hạ nhiệt song vẫn còn ở mức cao; giá vàng, xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa, cước vận tải biển biến động mạnh, tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng toàn cầu.
Ở trong nước, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm; sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực vẫn còn khó khăn ; áp lực lạm phát lớn do biến động tăng của tỉ giá, điều chỉnh giá điện, tiền lương.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã hoàn thành, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 28/35 đề án, nhiệm vụ được giao (11 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung trong quá trình điều hành). Trong đó, Bộ Tài chính đã xây dựng: trình Chính phủ ban hành 10 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 44 thông tư hướng dẫn trong lĩnh vực tài chính - NSNN.
Tính đến ngày 7/7/2024, thu NSNN đạt 1,05 triệu tỷ đồng, bằng 62,17% dự toán; chi NSNN ước đạt 803.600 tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Bộ Tài chính nhận thấy vẫn còn một số hạn chế như công tác triển khai dự toán chi thường xuyên, phân bổ chi tiết kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn chậm.
Bên cạnh đó, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính ở một số nơi còn chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng gian lận, trốn lậu thuế, sai phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, thất thoát, lãng phí tại một số cơ quan, đơn vị.
Đáng chú ý, việc tiếp tục đề xuất ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế chưa được tính trong dự toán có tác động đến nguồn thu NSNN trong thời gian tới.
Để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2024, Bộ Tài chính đề ra loạt giải pháp trọng tâm.
Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu theo đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.