Trái châu cổ gần 100 tuổi ở di tích lăng Lê Văn Duyệt được tìm thấy sau 10 ngày bị mất trộm.
Ngày 12/9, ông Trần Văn Sung, Phó ban quản lý Di tích lăng Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) cho biết hôm 2/9, ban quản lý lăng phát hiện trái châu cổ có từ năm 1922 bị mất. Trích xuất camera, họ thấy cổ vật bị trộm khuya 29/8.
Đến chiều 9/9, Công an quận Bình Thạnh đã thu giữ bộ trái châu và nhiều hiện vật khác do người đàn ông lấy trộm. Chiều hôm qua, cảnh sát trao trả trái châu cổ cho đơn vị quản lý lăng.
Trưa nay, hai nhân viên Trung tâm bảo tồn di tích TP HCM đã lắp đặt, dùng keo dán đá cố định bộ trái châu cao khoảng một mét (tính cả bệ) lên bức tượng trên cổng phía đường Đinh Tiên Hoàng.
Hơn 25 năm nay, lăng Lê Văn Duyệt nhiều lần bị trộm cổ vật. Hai năm trước, trong đợt trùng tu hệ thống chiếu sáng sân vườn, lăng bị mất bảy trong tám phù điêu bát tiên. Năm 2012, hai phù điêu con nghê ở cổng đường Phan Đăng Lưu cũng bị gỡ trộm. Đợt trùng tu năm 2010, đĩa cổ trang trí ở nhà hương bị mất. Năm 1995, cặp phù điêu Ông Nhật Bà Nguyệt dựng trong nhà này cũng bị trộm.
Trái châu được nhân viên Trung tâm bảo tồn di tích TP HCM gắn lại vị trí cũ ở lăng Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, trưa 12/9. |
Theo ông Sung, thời gian trùng tu, tôn tạo lăng để tổ chức các lễ hội thường xảy ra sơ hở để kẻ trộm đột nhập. Vị trí lăng nằm sát chợ Bà Chiểu, khá sầm uất, đông người nên khó khăn trong việc đảm bảo an ninh trật tự. Bảy năm nay, ban quản lý lăng lắp đặt 26 camera theo dõi, tuyển 5 bảo vệ túc trực ngày đêm nhưng vẫn bị mất trộm.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra quy chế thật cụ thể về việc bảo vệ các tài sản trong lăng, gắn với trách nhiệm từng người một cách rõ ràng, để hạn chế tối đa những việc mất cắp", ông Sung nói. Hiện tại, các cổ vật trong lăng Lê Văn Duyệt, phía ban quản lý chỉ có thể xác định về niên đại, còn về giá trị vật chất phải cần những chuyên gia nghiên cứu về cổ vật mới xác định được chính xác.
Trái châu đã được gắn lên trên cổng lăng ở phía đường Đinh Tiên Hoàng. |
Di tích lăng Lê Văn Duyệt (dân gian gọi là Lăng Ông) xây dựng năm 1848, là khu đền và mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt (sinh năm 1764, mất năm 1832) tọa lạc tại số 1 đường Vũ Tùng. Lăng rộng 18.500 m2 trên gò đất cao hướng ra ba đường Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức, Đinh Tiên Hoàng. Lễ giỗ tưởng nhớ Lê Văn Duyệt được tổ chức hàng năm tại lăng vào ngày 29 hoặc 30/7 và 1 đến 2/8 (âm lịch).
Trước năm 1975, tuyến đường chạy dọc phía Tây lăng (đoạn từ Lăng đến cầu Bông) mang tên Lê Văn Duyệt. Sau 1975, đoạn này bị đổi tên và nhập chung tên với đường Đinh Tiên Hoàng (quận 1). Ngày 11/7 vừa qua, đoạn đường 947 m này được HĐND thành phố thống nhất phục hồi tên cũ là đường Lê Văn Duyệt sau đề xuất của ban quản lý lăng.
Bích Thảo(T/h)