(ĐSPL) - Làm thế nào để giám sát hiệu quả hiện tượng bức cung, dùng nhục hình, tránh tình trạng "nói không đi đôi với làm"?
Thời gian qua, hiện tượng bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra vụ án hình sự đã gây nhiều bức xúc trong dư luận. Thông tư 28/2014 TT-BCA của Bộ Công an về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân sẽ có hiệu lực từ ngày 25/8 tới đây, được coi là tín hiệu đáng mừng trong tiến trình cải cách tư pháp. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người quan tâm là làm thế nào để giám sát hiệu quả hiện tượng bức cung, dùng nhục hình, tránh tình trạng "nói không đi đôi với làm"? Để làm rõ vấn đề này, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia về nội dung mà dư luận đang quan tâm.
|
Ông Nguyễn Thanh Chấn, nạn nhân của bức cung, dùng nhục hình. |
Nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra Trung ương ông Nguyễn Công Ngọ: "Cần có bên thứ ba độc lập để giám sát bức cung, dùng nhục hình"
- Thưa ông, ông nghĩ như thế nào về hiện tượng bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra hiện nay và lý do tại sao nó lại xảy ra?
Trước hết, phải nói rằng, tình trạng bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra vụ án hình sự là có xảy ra ở một số nơi và không chỉ riêng ở cấp nào. Chính vì phát hiện ra hiện tượng này nên mới cấm điều tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với bị can, người bị tạm giữ.
Có ba nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bức cung, dùng nhục hình. Thứ nhất, do bị sức ép từ bên trên về thời gian ra kết quả điều tra. Thường thì, trường hợp này hay xảy ra vào giai đoạn chưa khởi tố bị can. Thứ hai, mặc dù có thể điều tra viên đã thu thập được các chứng cứ khác liên quan đến hành vi phạm tội của bị can nhưng họ lại nhất định không nhận tội hoặc khai ra đồng phạm nên cán bộ điều tra dùng nhục hình để bắt họ phải thừa nhận. Thứ ba, có thể vì một động cơ nào đó, cán bộ điều tra muốn bị can hoặc người bị tạm giữ khai ra ai đó có liên quan nên ép họ phải nói theo ý của mình.
|
Ông Nguyễn Công Ngọ. |
Vấn đề cấm bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra thì trong Bộ luật Tố tụng Hình sự trước đây cũng đã quy định rõ. Còn Thông tư 28/2014 về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân mà Bộ trưởng Bộ Công an vừa ký thì nêu cụ thể hơn. Người dân rất mong muốn cơ quan tố tụng phải thực sự công tâm, minh bạch trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
- Vậy, theo ông, làm thế nào để công tác giám sát đạt được hiệu quả?
Để giám sát hiệu quả hiện tượng bức cung, dùng nhục hình, theo tôi cần có một bên độc lập, không nhất thiết phải thuộc viện kiểm sát. Bởi, thông thường ở một vụ án, ngay từ giai đoạn đầu khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can đến kết quả điều tra và đưa ra truy tố thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát cũng đã phải làm việc với nhau, đưa ra tài liệu, lập luận để thống nhất quan điểm nên nếu để viện kiểm sát làm nhiệm vụ giám sát việc bức cung, dùng nhục hình của điều tra viên có thể sẽ không triệt để.
Hoặc cũng có trường hợp, ngay từ đầu, quan điểm của hai bên đã "vênh" nhau nên việc giám sát có thể không thực sự khách quan. Tất nhiên, trường hợp không thống nhất quan điểm là ít, đa số là thống nhất quan điểm, ví dụ khởi tố về tội gì, có khởi tố thêm tội danh hay không hoặc chuyển tội danh... Vì vậy, nên có bên thứ ba độc lập, giám sát. Còn bên thứ ba là ai thì chúng ta cần bàn luận, tính toán thêm, có thể là đoàn thể chẳng hạn, nhưng cần có quy định, cơ chế hoạt động rõ ràng.
Ngoài ra, muốn hiệu quả thì cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp điều tra viên, cán bộ điều tra vi phạm. Nếu phát hiện những người này có dấu hiệu vi phạm bức cung, dùng nhục hình thì thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra phải cho kiểm tra, xác minh ngay để xử lý kịp thời.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bà Đinh Thị Mai Lan, ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội: "Luật không thiếu chế tài, vấn đề là thực thi"
- Bà đánh giá như thế nào về nội dung Thông tư này, đặc biệt là vấn đề về bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra hình sự?
Thực ra, nội dung của Thông tư không mới mà chỉ nhắc lại các nguyên tắc của pháp luật dưới dạng cụ thể hoá những hành vi của điều tra viên và định hướng việc xử lý trong tình huống nhất định.
Điểm đáng ghi nhận ở Thông tư này là đã nhấn mạnh yêu cầu đối với điều tra viên, cán bộ điều tra trong cách ứng xử với can phạm và người thân liên quan. Trong đó, quy định điều tra viên phải tiếp và làm việc với người bị triệu tập tại trụ sở cơ quan công an hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc của họ và phải có giấy triệu tập. Ngoài ra, điều tra viên cũng không được cho người đang bị tạm giữ, tạm giam sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để liên lạc, trao đổi thông tin với người khác (kể cả trong và ngoài khu vực Trại tạm giam, Nhà tạm giữ), trừ trường hợp đặc biệt để phục vụ yêu cầu điều tra vụ án thì phải được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan điều tra, hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra.
|
Bà Đinh Thị Mai Lan. |
- Trước đây từng xảy ra một số vụ việc bức cung, dùng nhục hình gây bức xúc trong dư luận, điển hình như vụ năm công an đánh chết một nghi can ở Phú Yên… Bài học rút ra, nếu có những sự việc tương tự thì xử lý như thế nào?
Trước Thông tư này, pháp luật đã có những quy định rất rõ, nghiêm cấm hành vi dùng nhục hình, bức cung, mớm cung, tiết lộ bí mật hay chạy án... Và, ngay cả Bộ Công an cũng đã có những quy định riêng khá cụ thể về vấn đề này. Soi lại thời điểm xảy ra các vụ việc bức cung, mớm cung gần đây (như vụ ở Phú Yên, vụ Bắc Giang) thì rõ ràng nguyên nhân không phải do pháp luật thiếu những quy định điều chỉnh hay thiếu hiểu biết pháp luật, mà hoàn toàn xuất phát từ phạm trù đạo đức. Điều đáng lên án là hiện tượng này ngày càng trở thành "không cá biệt". Do vậy, ngoài ban hành và thực thi có hiệu quả pháp luật, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần có giải pháp chấn chỉnh ngay trong chính lực lượng của mình, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các điều tra viên, cán bộ thẩm vấn có hành vi vi phạm.
- Về quy định điều tra viên không được tiếp thân nhân bị can, thân nhân người bị tạm giữ hoặc liên quan… ở bất cứ đâu. Liệu có khả thi không, cần giám sát việc này như thế nào?
Đây là quy định hợp lý, việc tiếp và làm việc với tất cả các chủ thể liên quan đến việc điều tra nên diễn ra ở cơ quan, trụ sở Nhà nước. Điều này nhằm đảm bảo tính khách quan và cũng tránh cho cán bộ điều tra khỏi các tình huống khó xử. Còn việc thực hiện nghiêm các quy định này hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào ý thức của các cán bộ điều tra và mức độ xử lý đối với người vi phạm.
Tóm lại, các quy định của pháp luật có được thực thi, có hiệu lực hay không, còn phụ thuộc rất nhiều vào ý chí, sự quyết tâm của các cơ quan chấp pháp; đạo đức nghề nghiệp của cán bộ trực tiếp thực thi, sự vụ cụ thể và chế tài đối với hành vi vi phạm.
Xin cảm ơn bà!
Luật sư, Thạc sỹ Trịnh Minh Tân (Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh Minh Tân, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh): Điều tra viên giỏi, không bức cung nhục hình Về tổng thể, Thông tư 28/2014/TT-BCA cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của Cơ quan điều tra và điều tra viên. Đặc biệt Thông tư đã nhấn mạnh đến nguyên tắc hoạt động điều tra là phải “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; tôn trọng lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân...”. Nội dung này giống như một “chế tài” buộc các điều tra viên phải nâng cao trình độ và nghiệp vụ điều tra. Trình độ sâu, nghiệp vụ giỏi sẽ tránh được bức cung, nhục hình. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thong-tu-28-lieu-co-xoa-so-duoc-buc-cung-dung-nhuc-hinh-a45731.html