(ĐSPL) - Trong vụ 7 thanh niên bị giam giữ 7 tháng, buộc phải nhận tội giết người rúng động tỉnh Sóc Trăng, công an đã thừa nhận “có thiếu sót” nhưng không bức cung, ép nhận tội(!?)
Ngày 26/5 vừa qua, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã tống đạt quyết định, đình chỉ điều tra bị can cho bảy thanh niên nam nữ bị bắt giữ buộc phải nhận tội giết người. Sau khi bị giam giữ 7 tháng để "điều tra", bảy "bị can" đã được trả tự do khi hung thủ trực tiếp gây án bất ngờ lộ diện và đến cơ quan công an đầu thú. Tuy nhiên, cho đến nay phía công an chỉ thừa nhận "có thiếu sót" trong quá trình điều tra, chứ "không hề có tiêu cực hay bạo lực, đánh đập" buộc họ nhận tội.
|
Vợ của Trần Hol bên liếp nhà nghèo xơ xác. |
Mòn mỏi chờ sự công tâm của pháp luật
Báo Đời sống và Pháp luật đã có bài "Thêm một vụ Nguyễn Thanh Chấn thứ hai rúng động tỉnh Sóc Trăng" phản ánh bảy nghi can gồm: Trần Hol (SN 1986, ngụ ấp Lâm Dồ, xã Đại ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Sô Phách (SN 1989), Thạch Mươl, Khâu Sóc, đều trú tại xã Đại ân 2) và Nguyễn Thị Bé Diễm (28 tuổi, quê tỉnh Hậu Giang) bị cơ quan CSĐT bắt giữ gần một năm trước về tội giết người đã được tại ngoại. Trong khi vụ án cơ bản hoàn tất điều tra và chuẩn bị đón nhận tấm bằng khen xuất sắc phá án thì bất ngờ ngày 18/11/2013, hung thủ trực tiếp sát hại tài xế xe ôm Lý Văn D. vào đêm 5/07/2013 đã đến Công an xã Vĩnh Lộc A, (huyện Bình Chánh, TP.HCM) xin đầu thú.
Tại cơ quan điều tra, ả khai tên là Lê Mỹ Duyên (SN 28/4/2000, trú tại 55/5/7A Cô Giang, phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) đã cùng người tình đồng tính Nguyễn Thị Kim Xuyến (SN 11/1/1998, ngụ ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề) thống nhất lên kế hoạch giết ông D. để cướp tài sản nhưng không thành. Gây án xong, cặp đồng tính này nhanh chóng rời khỏi hiện trường và trốn biệt ở TP.HCM. Tại cơ quan công an, Duyên khai nhận chỉ thực hiện giết người một mình, không có người khác tham gia, sở dĩ ả đến cơ quan công an đầu thú là thời gian gần đây phát hiện "người tình trong mộng" đã thay lòng đổi dạ và quay lưng với người khác nên ghen tức, nhiều lần ả yêu cầu Xuyến quay về nối lại tình xưa nhưng đều bị cự tuyệt. Ả muốn đi đầu thú để hai người được gặp mặt nhau tại cơ quan công an sau bao ngày nhớ nhung, nếu có chết bên nhau thì cũng toại nguyện (!). Ngày 21/11/2013, Xuyến mới đến công an đầu thú về hành vi phạm tội cùng tham gia với Duyên. Tuy nhiên, mãi đến ngày 21/5/2014, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng mới ra quyết định đình chỉ điều tra bị can với bảy người hàm oan nêu trên, do Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Nguyễn Việt Thanh ký. Ngày 23/5 tống đạt các quyết định đình chỉ điều tra bị can cho Khâu Sóc, Trần Cua và Nguyễn Thị Bé Diễm; ngày 26/5 tống đạt quyết định cho các bị can còn lại.
Thừa nhận thiếu sót nhưng phủ nhận bức cung, nhục hình
Ngày 29/5, PV tiếp tục di chuyển về Công an tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, Đại tá Phan Hữu Thúy - Chánh văn phòng, người phát ngôn Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Trong quá trình điều tra đã thực hiện đúng các quy định, tuân theo trình tự thủ tục tố tụng. Ngày 29/11/2013, khởi tố bị can Phạm Thị Kim Xuyến về tội giết người. Riêng đối với Lê Mỹ Duyên, do chưa đủ 14 tuổi nên cơ quan điều tra đã tiến hành làm thủ tục đưa vào trường Giáo dưỡng. Xác định đây là vụ án phức tạp, Công an tỉnh Sóc Trăng đã báo cáo và đề nghị Tổng cục Cảnh sát hỗ trợ điều tra".
Đại tá Thúy cho biết thêm: "Đảng ủy Công an tỉnh đã họp và thành lập đoàn kiểm tra, nhìn nhận một số thiếu sót trong công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, còn quá tin vào lời khai nhân chứng và các đối tượng, không đối chiếu, so sánh, củng cố với các chứng cứ khác, thời gian đầu việc đánh giá chứng cứ còn lưỡng lự, chưa quyết đoán; Công tác chỉ đạo án chưa sâu sát, cụ thể, còn tin theo cấp dưới báo cáo, không thực hiện hết các biện pháp điều tra theo quy trình phải làm; Nôn nóng muốn điều tra làm rõ nhanh chóng vụ án, chỉ tập trung đến chứng cứ buộc tội. Tất cả những vấn đề trên dẫn đến việc bắt, khởi tố, tạm giam các đối tượng vội vàng, thiếu căn cứ. Tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện có động cơ cá nhân, không có tiêu cực, không có cơ sở cho rằng có hành vi bạo lực, đánh đập trong điều tra".
Mặc dù kết quả thanh tra Công an tỉnh Sóc Trăng khẳng định, không có bạo lực, đánh đập bị can nhưng theo nguồn tin riêng của chúng tôi từ ngày 26/5, cục Điều tra VKSND Tối cao và Bộ Công an đã đến Sóc Trăng làm việc về những dấu hiệu bất thường khiến bảy người dân vô tội bị bắt giữ và hàm oan trong suốt một thời gian dài, để xử lý theo quy định.
Các "bị can" khẳng định bị bức cung, nhục hình ép nhận tội
Để có nguồn thông tin mới nhất cung cấp đến bạn đọc, chiều cùng ngày PV nhanh chóng tìm đến huyện Trần Đề, nơi bảy nghi can "bỗng dưng nhận tội", gây bức xúc dư luận. Thạch Sô Phách cho biết: "Chiều 26/5, hay tin có quyết định đình chỉ điều tra bị can, nên tôi cùng Trần Hol đi vay mượn mỗi người 100 nghìn đồng để làm lộ phí đến Công an Sóc Trăng. Đến nơi, tôi và Hol được một người tên Hưng trao quyết định và ngỏ lời xin lỗi về việc đã bắt oan. Vị công an này còn cho chúng tôi biết: "Nếu có yêu cầu bồi thường thiệt hại gì thì cần phải làm đơn gửi đến cơ quan chức năng chờ giải quyết".
|
Thạch Sô Phách bức xúc, bày tỏ với PV việc mình bị điều tra viên đánh đập, ép nhận tội Giết người. |
Trần Hol rơm rớm nước mắt tiếp lời: "Chúng tôi đều là người thất học, nửa chữ bẻ đôi cũng không biết, thì làm gì biết đến đơn từ khiếu nại chứ. Cũng may là nhờ có báo chí luôn bám sát phản ánh, nếu không chúng tôi làm sao có tiếng nói để minh oan cho bản thân mình được". Đồng thời, Sô Phách và Trần Hol tỏ ra bức xúc khi cơ quan CSĐT phủ nhận việc bức cung, nhục hình, ép nhận tội mà chỉ nhìn nhận là có thiếu sót trong quá trình điều tra. Sô Phách bức xúc bày tỏ: "Chúng tôi là người vô tội thì không cớ nào mà nhận tội và tự đưa mình vào chỗ chết được. Tôi đã nhiều lần trình bày, khẳng định với báo chí là bị các điều tra viên đánh đập dã man, buộc nhận tội. Nếu chúng tôi không nhận tội giết người thì lại tiếp tục bị điều tra viên cho ăn đòn thừa sống thiếu chết, nên sức khỏe của tôi giờ đây sa sút nghiêm trọng, không thể làm được việc nặng nhọc, thành gánh nặng cho gia đình".
Còn Trần Hol thì tỏ ra ngạc nhiên: "Ngày bị bắt giam, tôi đã đưa ra hàng loạt chứng cứ ngoại phạm, vậy mà tôi cũng bị điều tra viên đánh tả tơi buộc khai nhận hành vi giết người. Điều lạ ở đây, những điều tra viên đã đánh đập, nhục hình chúng tôi vẫn bình an vô sự. Và cho đến tận bây giờ, chúng tôi cũng không hiểu sao "kịch bản" giết người lại trùng khớp đến như vậy(?!). Trong vụ oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang thì kiểm sát viên, điều tra viên dùng bức cung, nhục hình ép ông Chấn nhận tội đã phải trả giá rất đắt, bị bắt giam, hiện đang đối mặt với án phạt nghiêm khắc mà pháp luật dành cho họ. Giờ đây, chúng tôi muốn được công bằng, muốn được làm rõ những sai phạm, đúng người, đúng tội và muốn được công khai xin lỗi".
Sai đến đâu, xử đến đó Theo Đại tá Phan Hữu Thúy, từ vụ việc trên, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo toàn lực lượng, nhất là khối điều tra cần rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc, coi đây là bài học để sau này không vấp phải. Đảng ủy - Giám đốc Công an tỉnh đã và đang chỉ đạo tập trung quyết liệt, tổ chức kiểm điểm, xác định vai trò trách nhiệm hành vi sai phạm của từng đồng chí. Từ Thủ trưởng cơ quan CSĐT đến điều tra viên, xử lý nghiêm minh không bao che, sai đến đâu xử đến đó. Riêng trường hợp oan sai của bảy người nêu trên, sẽ giao Thủ trưởng cơ quan CSĐT, phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-tiep-vu-nguyen-thanh-chan-thu-hai-rung-dong-tinh-soc-trang-a35436.html