(ĐSPL) - Sáng 20/9, nhóm đàm phán hòa bình ở Minsk đã đồng ý tạo ra một vùng đệm giữa quân đội chính phủ và các tay súng ly khai ở miền đông Ukraine.
|
Binh sĩ Urraine đứng cạnh một giàn phóng tên lửa đa nòng bị bắn cháy. |
Theo hãng tin AP, các bên đàm phán ở Minsk cũng thỏa thuận rút vũ khí hạng nặng và chiến binh nước ngoài khỏi khu vực từng có chiến sự để đảm bảo ngừng bắn ổn định ở miền đông Ukraine.
Thỏa thuận này đạt được giữa các đại diện của Ukraine, Nga, phe ly khai và Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) và đánh dấu một nỗ lực tăng cường thỏa thuận ngừng bắn được ký kết vào ngày 5/9, nhưng đã bị thường xuyên bị phá vỡ bởi các cuộc đụng độ.
Bản ghi nhớ nói trên được ký kết sau nhiều giờ đàm phán trong đêm 19/9 và qui định rằng các bên xung đột nên ở nguyên vị trí mà họ chiếm giữ ngày 19/9 và không có hành động lấn tới.
Leonid Kuchma - cựu Tổng thống Ukraine và đại diện cho chính phủ Kiev trong các cuộc đàm phán - cho biết, bản ghi nhớ này sẽ được thực thi trong vòng một ngày.
Theo các điều khoản của thỏa thuận đạt được tại thủ đô Minsk, mỗi bên phải rút trọng pháo ra xa khỏi chiến tuyến hiện nay ít nhất là 15 km và thiết lập một vùng đệm rộng 30 km. Các hệ thống pháo binh tầm xa phải được rút ra xa hơn để đảm bảo các bên không thể bắn tới vị trí của nhau.
Thỏa thuận này cũng đặc biệt cấm các máy bay chiến đấu bay vào trong khu vực xung đột và thiết lập các bãi mìn mới.
Igor Plotnitskyi, lãnh đạo của phiến quân trong khu vực Lugansk, nói: "Thỏa thuận này cần mang lại cho người dân trong khu vực một cơ hội để cảm thấy an toàn".
Các tay súng ly khai hiện đóng quân gần các thành phố Donetsk, Lugansk ở miền đông Ukraine và gần thành phố cảng Mariupol ở phía nam. Lực lượng chính phủ Ukraina đang ở trong sân bay Donetsk nhưng vị trí của họ ở bên ngoài của thành phố là không rõ ràng.
Bản ghi nhớ cũng dự kiến rút "tất cả các đơn vị nước ngoài và vũ khí cũng như lính đánh thuê".
Chính quyền ở Kiev và phương Tây vốn cáo buộc Nga kích động nổi dậy ở miền đông Ukraine, với vũ khí và binh lính. Moscow đã bác bỏ điều đó, nói rằng những người Nga tham gia cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine chỉ là thường dân.
Đại sứ Nga tại Ukraine Mikhail Zurabov - đại diện cho Moscow trong các cuộc đàm phán ở Minsk - nói rằng "những người mà chúng ta gọi là lính đánh thuê hiện có mặt ở cả hai bên chiến tuyến” và “vấn đề này cần được giải quyết”. Ông nói thêm rằng OSCE sẽ kiểm soát việc rút quân.
Heidi Tagliavini, phái viên của OSCE trong các cuộc đàm phán, nói rằng nhân viên của OSCE sẽ được triển khai tới các vùng đệm để giám sát lệnh ngừng bắn.
Tuy nhiên, các nhà đàm phán đã gạt sang một bên những vấn đề nhạy cảm dễ bùng nổ nhất là qui chế tương lai của khu vực nổi dậy ở miền đông Ukraine.
Cuộc nổi dậy ở Donetsk và Lugansk - khu vực chủ yếu nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine - bùng phát hồi tháng 2 và sau khi Crimea gia nhập LIên bang Nga trong tháng tiếp theo.
Hồi tháng 4, phe ly khai đã chiếm giữ các công sở ở hai tỉnh này và tuyên bố họ độc lập. Họ đã chiến đấu với quân đội chính phủ trong 5 tháng qua, một cuộc chiến đã giết chết hơn 3.000 người và tàn phá trung tâm công nghiệp này của Ukraine.
Cuộc khủng hoảng Ukraina đã đẩy mối quan hệ Nga-phương Tây đến điểm thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Đối mặt với nhiều vòng trừng phạt phương Tây và bị tổn thương nền kinh tế Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hối thúc một thỏa thuận hòa bình nhằm giảm áp lực phương Tây, trong khi vẫn bảo vệ lợi ích của Nga ở Ukraine.
Trong tuần này, Quốc hội Ukraina đã thông qua một đạo luật dành cho khu vực do phe ly khai kiểm soát có quyền tự chủ lớn hơn, trong đó có quyền tổ chức bầu cử địa phương và thiết lập lực lượng cảnh sát riêng.
Alexander Zakharchenko, lãnh đạo của phiến quân ở Donetsk, cho biết sau khi các cuộc đàm phán rằng Ukraine và quân nổi dậy có cách diễn giải xung đột của pháp luật và các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thoa-thuan-thiet-lap-vung-dem-o-dong-ukraine-a51536.html