Mỗi năm, có hàng chục chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc, lượng thí sinh không đủ để đáp ứng. Do đó, “săn đầu người” luôn là bài toán khiến các nhà sản xuất đau đầu. Khi không giải quyết được bài toán này, một số chương trình đã phải tạm “dời” hoặc tạm “dừng” để tìm kiếm gương mặt mới.
“Hạt giống” đã cạn
Nhiều năm qua, các cuộc thi âm nhạc liên tục xuất hiện trên sóng truyền hình. Nếu năm 2007, chương trình truyền hình thực tế âm nhạc chỉ vỏn vẹn đếm trên đầu ngón tay thì sau 10 năm, con số đã tăng lên vài chục. Tất cả các cuộc thi này đều được gắn mác “tìm kiếm tài năng”.
Tuy nhiên, càng về sau, chất lượng thí sinh càng giảm, trong thực tế, chỉ tạo ra được những “ngôi sao thời vụ”. Họ chỉ vụt sáng trong khoảng thời gian cuộc thi diễn ra. Khi cuộc thi kết thúc, dù đạt thứ hạng cao nhất, những ngôi sao bước ra từ các chương trình này cũng nhạt nhòa dần rồi mất hẳn trong bầu trời nghệ thuật Việt.
Các chương trình tìm kiếm tài năng đang dần mất sức hút. |
Các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát đều cần số lượng thí sinh rất lớn. Do đó, có hiện tượng, thí sinh vừa rớt từ cuộc thi này đã vội tham gia các cuộc thi tiếp theo. Không ít lần khán giả nghe ban giám khảo nhận người quen: “Tôi biết em”, “Em đã từng là thí sinh của đội tôi”, “Năm trước em có thi rồi phải không?”... Và, gần đây, điệp khúc “nhận người quen” cũng được cất lên ở khá nhiều cuộc thi.
Người tài có, nhưng để đáp ứng cho hàng chục cuộc thi mỗi năm thì rồi cũng cạn. Chính điều này đã làm nhạt dần các cuộc thi. Trước đây, nếu Vietnam Idol, The Voice... luôn tìm ra được những tài năng lưu dấu vào tâm trí khán giả thì gần đây, các chương trình này “nhạt” ngay từ các vòng đầu tiên.
Các giọng ca “khủng” chỉ là lời được đội ngũ chương trình PR dùng để chiêu dụ khán giả, nhưng thực chất không như mong đợi. Mỗi chương trình lại “tạo” ra một quán quân. Ước tính, mỗi năm, có vài chục cuộc thi âm nhạc thì cũng có chừng ấy quán quân. Quán quân chưa kịp được khán giả nhớ tên đã vội mất dạng. Hay người bước lên đỉnh cao không nhận được sự đồng thuận của khán giả.
Cuộc chiến “săn đầu người”
Thực tế không thể chối cãi, các cuộc thi âm nhạc đã cạn kiệt thí sinh. Một số nhà sản xuất đã tìm cách thay đổi với hy vọng tiếp tục tìm được “hạt giống” cho chương trình. Mô típ chung của các cuộc thi là trải qua vòng sơ tuyển, vòng loại rồi mới bước vào vòng quay hình.
Nếu trước đây, tất cả các thí sinh đều phải có chung một trình tự như thế thì gần đây, khi cuộc chiến “săn đầu người” ngày càng cam go, ban tổ chức các cuộc thi tuyên bố đặc cách cho các thí sinh được đào tạo bài bản tại các trường âm nhạc, đã từng có giải vượt qua vòng sơ tuyển.
Ngoài ra, ban tổ chức còn bắt đầu mở rộng “đánh bắt xa bờ” tuyển thí sinh ở các vùng cao hay thí sinh Việt kiều. Thậm chí, không ít cuộc thi còn mở rộng quy chế, tuyển cả thí sinh có quốc tịch nước ngoài như Vietnam Idol.
Một số nhà sản xuất xác nhận, truyền hình thực tế cần chiêu trò, cần có dàn ban giám khảo nổi tiếng để thu hút khán giả, nhưng yếu tố tiên quyết tạo nên sự thành công vẫn là chất lượng thí sinh. Một chương trình tìm kiếm tài năng không thể chỉ dựa vào những người nổi tiếng, vào ban cố vấn, ban giám khảo.
Mới đây, công ty Cát Tiên Sa thông báo hoãn tổ chức X-Factor (Nhân tố bí ẩn) trong năm nay để chờ các gương mặt mới. Ngoài ra, đại diện công ty cũng thông báo sẽ tổ chức cách năm các chương trình tìm kiếm tài năng ca nhạc. Theo đó, năm nay tổ chức The Voice thì sang năm sẽ tổ chức X-Factor thay vì tổ chức định kỳ cả 2 cuộc thi mỗi năm. Ông Nguyễn Quang Minh (Tổng Giám đốc Cát Tiên Sa) chia sẻ, việc thực hiện hai cuộc thi luân phiên, cách năm, là để tránh gây nhầm lẫn và nhàm chán cho khán giả.
Đại diện công ty BHD cũng xác nhận, tạm dừng cuộc thi Vietnam Idol trong năm nay. Lý do được đưa ra là để tìm kiếm những thí sinh mới có chất lượng.
Anh Nguyễn Hữu Truyền (nhân viên truyền thông) cho biết, những số liệu nghiên cứu thị trường từ đầu năm đến nay cho thấy, lượng người xem của hầu hết các cuộc thi ca hát đều giảm hơn trước rất nhiều.
Theo anh, chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc ở nước ta quá nhiều. Các nhà sản xuất từ trước đến nay chủ yếu chiến dịch “ăn xổi ở thì”. Họ dùng chiêu trò tạo ra những scandal từ thí sinh rồi đến ban giám khảo để thu hút dư luận gây sự nhàm chán cho khán giả.
Đồng thời, các nhà sản xuất cũng không quy hoạch chương trình hợp lý. Do đó, bên cạnh việc tìm kiếm các tài năng mới thì các nhà sản xuất cần quy hoạch lại các chương trình.
Huy Cường