Lò luyện thi “vào mùa”
Theo thông báo từ Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 sẽ được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29 và 30/6. Do đó, thời gian này là lúc các sĩ tử tập trung luyện thi để “vượt vũ môn”. Nắm được nhu cầu cao của người học vào thời điểm sát kỳ thi tuyển sinh, nhiều hình thức “lò” luyện thi cấp tốc được mở ra đã thu hút được sự quan tâm của các bậc phụ huynh và các em học sinh. Tuy nhiên, việc đổ xô đi ôn lò có thực sự cần thiết và những lớp hàng trăm người học như vậy liệu có chất lượng?
Chia sẻ với PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật, bạn Bùi Thị Huyền Trang (Hà Nội) cho biết, năm nay bản thân dự định thi vào Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, thay vì tham gia các khoá luyện thi như các bạn thì Trang chọn tự ôn thi ở nhà để có nhiều thời gian ôn tập kiến thức.
“Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tơi, mình có tham gia vào các nhóm ôn luyện nhưng hiện tại chưa học tại trung tâm nào. Bản thân mình cũng không quá lo lắng về việc mình không ôn luyện tại các trung tâm sẽ thua kém với những người đi học.
Hiện mình tập trung ôn các môn Lịch sử, Địa lý và Sinh học. Thời gian buổi sáng từ khoảng 4h30 đến 6h, mình tranh thủ để ôn tập. Đây là quãng thời gian mình thấy học rất dễ vào. Bên cạnh đó, trên lớp mình sẽ tập trung học các môn theo khối mình đã đăng kí. Thời gian còn lại mình sẽ ở nhà để làm các bài thi đánh giá năng lực”, bạn Trang nói.
Cùng có dự định thi vào Trường ĐH Quốc gia Hà Nội, bạn Nguyễn Thị Linh (Hà Nội) lại quyết định theo học tại một trung tâm luyện thi đánh giá năng lực.
Tâm sự với PV Đời sống & Pháp luật, Linh bày tỏ những áp lực của mình khi đứng trước khối lượng kiến thức khổng lồ. Linh cho biết việc học cấp tốc cũng khiến bản thân hay quên đi một khối lượng kiến thức.
“Nhiều khóa học mới cấp tốc mới mở thì thầy cô chỉ dạy lướt để đi vào việc làm quen với đề. Với những khóa học khai giảng từ hè năm ngoái thì chương trình dạy học tương đối kĩ và bám sát với cấu trúc đề thi. Bình thường, ở trường tôi đã được học những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao. Vì thế, việc tham gia các trung tâm ôn luyện chủ yếu để giúp bản thân luyện tốt đề thi”, Linh nói.
Nữ sinh chia sẻ thêm, nếu chỉ học ở trường thì sẽ không rèn được cho bản thân tính siêng năng để có thể luyện được nhiều đề thi. Bên cạnh đó, những giảng viên ở đây đã có kinh nghiệm nhiều năm nên việc học tại các trung tâm có thể đạt được hiệu quả tốt.
Không cần luyện thi cấp tốc
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, chuyên gia giáo dục TS. Vũ Thu Hương cho biết, thực tế cho thấy nhiều năm trở lại đây, đề thi đại học hay THPT phần lớn sẽ sử dụng đề thi gồm những kiến thức cơ bản nằm trong phạm vi học sinh có thể tìm kiếm được trong sách giáo khoa. Do vậy học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa là đủ.
Kiến thức học này phải được đầu tư thời gian dài trong những năm học phổ thông chứ không thể 1 tháng luyện thi cấp tốc mà thay đổi được. Do vậy, thời điểm này, các em học sinh nên ở nhà tập trung ôn lại kiến thức đã học và giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.
Hơn nữa, việc các em đi học luyện có thể khiến các em thiếu tự tin hơn về kiến thức của mình, gây ra cảm giác nếu không đi ôn sẽ không đỗ được trong khi thực tế thì không phải như vậy. Thêm vào đó, việc học tại các lò luyện thi sẽ mất rất nhiều thời gian của các em học sinh. Vì bản chất của các kỳ thì là đánh giá đúng được khả năng của các em học sinh chứ không liên quan đến những mẹo được chia sẻ tại các lò.
"Phong cách thông thường ở các lò luyện thi, giáo viên chỉ đưa ra các bài tập để học sinh làm trong một khoảng thời gian nhất định rồi sau đó giải bài. Với những học sinh chăm chỉ thì có thể các em sẽ làm bài nghiêm túc nhưng với những em ý thức chưa tốt thì rất dễ xảy ra tình trạng ngồi chờ các thầy cô giải bài rồi chép để đi về. Việc này không hề có giá trị với học sinh", TS. Vũ Thu Hương bày tỏ.
TS. Hương cũng lưu ý, các lò luyện thi cấp tốc hiện nay là hoạt động kinh doanh nên đã kinh doanh là phải có lãi nên họ đưa đủ cách để thu hút thí sinh vào học.
Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng ra theo cách kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Không ra đề thi ngoài chương trình và vượt chương trình trung học. Không ra đề vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm (phần chữ nhỏ, các phần đã ghi trong văn bản quy định về điều chỉnh chương trình). Không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. Không ra đề thi quá khó, quá phức tạp.
Bám sát chương trình trung học (theo từng bộ môn). Có nhiều câu để kiểm tra bao quát chương trình trung học, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình, đúng các quy định về điều chỉnh nội dung môn học.
Học nhiều là một điều tốt. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh và các em học sinh cũng phải luôn chú ý đến sức khỏe của mình, tránh tình trạng chạy đôn chạy đáo tới các lò khiến sức khỏe kiệt quệ, ảnh hưởng tới việc học tập và những kỳ thi sắp tới.
Nguyễn Lâm – Văn Phong