Sáng 27/11, Quốc hội đã thông qua Luật Căn cước với 431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 87,25%).
Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024. Trong đó đáng chú ý là quy định việc sử dụng tên gọi "thẻ căn cước" thay cho "thẻ căn cước công dân".
Trước thông tin Quốc hội thông qua Luật Căn cước, nhiều người băn khoăn vậy CMND hoặc thẻ CCCD đã cấp có còn hiệu lực, có phải đi làm lại ngay không?...
Theo báo Người lao động, Điều 46 Luật Căn cước quy định về chuyển tiếp quy định rõ: Thẻ CCCD đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Trường hợp CMND còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.
Thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.
Quy định về việc sử dụng CCCD, CMND trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước cấp theo quy định của luật này.
Điều 19 Luật Căn cước quy định người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam; công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Về độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước, Luật Căn cước quy định công dân Việt Nam đã được cấp thẻ Căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ Căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi; thẻ Căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ Căn cước theo quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ tiếp theo.
XEM THÊM: Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi)
Bỏ quê quán và vân tay trên thẻ căn cước
Không chỉ tên gọi, một số thông tin thể hiện trên mặt thẻ căn cước cũng được đổi mới so với thẻ CCCD.
Trong đó, dòng chữ "CĂN CƯỚC CÔNG DÂN" đổi thành "CĂN CƯỚC", "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú". Ngoài ra, thẻ căn cước sẽ không còn thể hiện dấu vân tay (ngón trỏ trái và ngón trỏ phải), chữ ký của người cấp thẻ đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an thành "Nơi cấp: Bộ Công an".
Cụ thể, Điều 18 quy định các trường thông tin thể hiện trên thẻ căn cước gồm ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng. Mống mắt (phần hình tròn trong mắt), ADN, giọng nói; nghề nghiệp sẽ được tích hợp trong cơ sở dữ liệu căn cước.
Luật quy định Cơ sở dữ liệu căn cước được chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác do Bộ Công an quản lý để quản lý dân cư, quản lý căn cước và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Hoàng Yên (T/h)