Dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT có vốn đầu tư gần 4.000 tỷ nằm "đất vàng" hiện nay vẫn là bãi đất hoang cỏ mọc um tùm.
Dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT có vốn đầu tư gần 4.000 tỷ do Tập đoàn Bảo Việt và SCIC làm chủ đầu tư. Ảnh: Tạp chí Đầu tư |
Tính đến ngày 15/11/2018, UBND thành phố đã chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, rà soát 383 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai. Đồng thời, UBND thành phố cũng ra một loạt quyết định thu hồi 47 dự án, tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ trình UBND thành phố thu hồi 8 dự án khác với diện tích gần 200.000m2 đất.
Theo thông tin từ tạp chí Nhà Đầu Tư, Tập đoàn Bảo Việt cũng đang sở hữu nhiều dự án “đất vàng” tại Hà Nội. Tuy nhiên, các dự án này đều trong tình trạng “phủ mền, đắp chiếu” cả chục năm qua, điển hình là dự án Tháp tài chính Quốc tế IFT trên phố Trần Duy Hưng.
Được biết, ngày 29/12/2005, UBND TP Hà Nội có quyết định 8506/QĐ–UB phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao 13.159m2 đất tại số 220, đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hòa, Cầu Giấy) cho Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở.
Đến năm 2013, dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép quy hoạch cho chủ đầu tư là Tổng Cty Bảo Việt nhân thọ. Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Theo giới thiệu, Tháp tài chính Quốc tế là một tòa nhà văn phòng hạng A, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết kế hiện đại với các khu công năng chính là văn phòng cao cấp, trung tâm thương mại.
Một phần diện tích bên trong dự án đã được tận dụng làm bãi đỗ xe ô tô. Ảnh: báo Xây dựng |
Trước đó, vào năm 2009, Tập đoàn Bảo Việt đã thành lập Công ty TNHH Bảo Việt - SCIC và nay là Công ty Cổ phần đầu tư SCIC – Bảo Việt, với vốn điều lệ 140 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông sáng lập gồm: Bảo Việt nhân thọ là 30%, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt là 20%, SCIC là 50% để thực hiện dự án "khủng" trên.
Đến ngày 28/5/2013, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội có văn bản chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ công trình “Tháp Tài chính Quốc tế” tại khu đất số 220 Trần Duy Hưng, báo Xây dựng thông tin.
Tuy nhiên, sau nhiều năm dự án vẫn chỉ là bãi đất trống để cỏ dại mọc. Một phần của dự án đã được “tận dụng” làm bãi trông giữ xe ô tô, khiến dư luận xót xa cho số phận mảnh “đất vàng” này. Trong khi đó, SCIC đã đầu tư gần 200 tỷ vào dự án này, còn theo Báo cáo tài chính quý III/2018 của Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn đã góp gần 119 tỷ đồng vào dự án, tap chí Đầu tư thông tin thêm.
Kiều Trang (T/h)