Ngày 13/11, Báo điện tử Công an Nhân dân tổ chức buổi Giao lưu trực tuyến về giải pháp và lộ trình thay thế sổ hộ khẩu, CMND trong quản lý dân cư.
Buổi giao lưu có sự tham dự của Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an; Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam; Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội.
Các câu hỏi của người dân xoay quanh lộ trình bỏ sổ hộ khẩu và CMND, thay thế quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân; thủ tục để cấp mã số định danh, thời gian triển khai và lệ phí khi cấp; các vấn đề liên quan như giấy tờ nhà đất, ngân hàng, giấy khai sinh của trẻ em,…về cơ bản đã được giải đáp.
Trả lời câu hỏi: Khi nào mã số định danh sẽ thay thế sổ hộ khẩu truyền thống và CMND? Xin ông cho biết về lộ trình thay thế này. Mã số định danh sẽ được thu thập như thế nào?
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an cho hay: Sổ hộ khẩu hiện nay chính là 1 giấy tờ xác định nơi thường trú của một cá nhân hoặc của một hộ gia đình, Sổ hộ khẩu là kết quả của công tác đăng ký thường trú. Tức là sau khi công dân đủ điện kiện đăng ký hộ khẩu thường trú sẽ được Cơ quan Công an cấp Sổ hộ khẩu.
Giao lưu trực tuyến về giải pháp và lộ trình thay thế sổ hộ khẩu, CMND |
Mã số định danh cá nhân: Chính là mã số để quản lý công dân, sẽ cấp cho công dân từ khi sinh ra cho đến khi mất đi. Mã số định danh cá nhân được xác thực từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nó sẽ được ghi vào giấy khai sinh hoặc thẻ căn cước công dân. Để cho công dân sử dụng trong giao dịch đi làm. Khi có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì thông qua mã số định danh cá nhân chúng ta sẽ kết nối vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được khai thác những thông tin hiện tại đang có trên sổ hộ khẩu.
Tức là sau này khi chúng ta dùng mã định danh cá nhân thì không phải xuất trình sổ hộ khẩu nữa. và những thông tin về hộ gia đình, về từng cá nhân đã có trên hệ thống. Công dân và các cơ quan quản lý nhà nước khác sẽ được khai thác các thông tin Sổ hộ khẩu trong hệ thống.
Sổ hộ khẩu và Mã định danh cá nhân là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Không nên dùng khái niệm Mã số định danh để thay thế Sổ hộ khẩu. Hiện tại theo quy định của Luật căn cước công dân, Bộ Công an được giao thu thập 15 trường thông tin cơ bản nhất của một con người như: Họ tên, tuổi, quê quán, dân tộc…. các thông tin thường xuyên được sử dụng trong các thủ tục hành chính. Khi công dân được thu thập thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong hệ thống sẽ tự động sinh cho mỗi công dân một mã số quản lý theo cấu trúc được quy định, mỗi công dân nhập đủ thông tin vào hệ thống tự động sinh ra một mã số quản lý và thông tin này sẽ được ghi vào giấy khai sinh hoặc thẻ căn cước công dân khi công dân đi làm thủ tục.
Đây là thủ tục Khi Công dân đến làm giấy khai sinh cho con hoặc khi công dân đến làm thẻ căn cước công dân thì sẽ được ghi mã số định danh cá nhân vào giấy tờ tuỳ thân để công dân có thể mang đi giao dịch với các cơ quan quản lý nhà nước.
Trước câu hỏi: Những ngày qua, dư luận vẫn nhầm lẫn giữa khái niệm bỏ hộ khẩu và bỏ sổ hộ khẩu, nhiều người cho rằng bỏ sổ hộ khẩu chính là bỏ hộ khẩu, từ nay không cần hộ khẩu nữa?
Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết: Hiện nay công tác đăng ký, quản lý cư trú (thường được gọi là công tác đăng ký quản lý hộ khẩu) gồm nhiều nội dung, trong đó có đăng ký thường/tạm trú, khai báo tạm vắng… Trong đó, khi công dân đủ điều kiện đăng ký thường trú thì được quyền yêu cầu cơ quan công an làm thủ tục đăng ký thường trú và cấp sổ hộ khẩu. Do vậy, sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Do đó, “sổ hộ khẩu” và “công tác đăng ký, quản lý hộ khẩu” là hoàn toàn khác nhau.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 112, đồng chí Bộ trưởng Tô Lâm đã trả lời trước Quốc hội rằng, chúng ta có thể đề xuất bỏ sổ hộ khẩu theo lộ trình nhưng chúng ta không bỏ công tác đăng ký, quản lý dân cư.
Công tác đăng ký quản lý cư trú là công tác tạo điều kiện cho các biện pháp quản lý nhà nước để tiến hành quản lý con người, đảm bảo an ninh trật tự… Trong đó, sổ hộ khẩu chỉ là hình thức xác định công dân đó đã đăng ký hộ khẩu thường trú và sổ hộ khẩu có giá trị xác định nơi thường trú của công dân
Về câu hỏi, Bộ Công an đang được Chính phủ giao xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vậy đề án này thực hiện đến đâu và có những kết quả như thế nào đến thời điểm này? Việc chậm cấp căn cước công dân hiện nay có ảnh hưởng đến lộ trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hay không?
Thượng tá Trần Hồng Phú cho hay: Để khắc phục những khó khăn trong công tác quản lý thông tin về cư dân hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý Nhà nước.
Dự án này đã hoàn thành thủ tục pháp lý, và được chuẩn bị các điều kiện về kinh phí, hạ tầng kỹ thuật và hồ sơ, sổ sách để triển khai.
Vào ngày 14/11, Bộ Công an sẽ tổ chức Hội nghị về dự án này trên quy mô toàn quốc. Dự tính đến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành toàn bộ việc thu thập thông tin cơ bản gồm 15 trường thông tin của 90 triệu công dân Việt Nam để sớm đưa vào sử dụng.
Về câu hỏi việc cấp căn cước công dân chậm có ảnh hưởng đến lộ trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hay không, tôi khẳng định là không, bởi đây chỉ là một nguồn khai thác. Chúng tôi có thể khai thác các thông tin về cư dân từ công an cơ sở, từ thông tin bảo hiểm, từ các hồ sơ, sổ sách, biểu mẫu đã có. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ phát phiếu thu thập thông tin cho các công dân và tổng hợp lại.
Tóm lại, việc có mã số định danh sẽ làm giảm thời gian đi lại, cũng như rút ngắn thời gian tra cứu hồ sơ bởi người dân sẽ không phải kê khai lại, hoặc nộp các giấy tờ về những thông tin đã có.
Trả lời băn khoăn của bạn đọc về câu hỏi đến thời điểm này căn cước công dân mới chỉ thực hiện thí điểm 16 địa phương. Theo lộ trình đến năm 2020 phải hoàn thành. Trong 2 năm còn lại liệu chúng ta có hoàn thành? Và thực tế đang gặp những khó khăn gì?
Thượng tá Trần Hồng Phú cho hay, hiện nay BCA đang tổ chức cấp căn cước công dân tại 16 tỉnh/thành còn lại 47 tỉnh vẫn đang cấp CMND 9 số cũ. Theo lộ trình, ngày 1-1-2020, cả nước phải thống nhất chuyển sang cấp căn cước công dân cho toàn bộ công dân.
Hiện tại, giai đoạn 2 của dự án “Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân theo công nghệ mới” đang được xây dựng.
Nếu đảm bảo được điều kiện về kinh phí, hạ tầng kỹ thuật cũng như nhân lực, dự kiến cuối năm 2019, có thể mở rộng việc cấp căn cước công dân ra phạm vi cả nước.
Khó khăn nhất hiện nay theo Thượng tá Phú là hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước là hệ thống được đầu tư rất lớn, từ máy chủ, đường truyền đến các phương tiện, từ cấp Trung ương đến cấp địa phương, kinh phí rất lớn trong bối cảnh ngân sách Nhà nước vẫn còn hạn chế.
Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp, Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an, thì dự án sản xuất căn cước công dân mới sẽ được triển khai đúng tiến độ.
"Việc quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin là đột phá về đơn giản hóa thủ tục hành chính"
Trước câu hỏi, đánh giá như thế nào về tính ưu việt của Nghị quyết 112 nói chung, quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin nói riêng trên địa bàn Hà Nội?
Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CATP Hà Nội cho biết: Đối với Nghị quyết 112 của Chính phủ, việc quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin là đột phá về đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm tải các giấy tờ cho công dân.
Tại Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý dân cư đã được thực hiện từ cuối năm 2013, mang lại hiệu quả lớn trong công tác quản lý dân cư, liên thông đăng ký khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi, giảm thời gian giải quyết từ 15 ngày đến 2,5 ngày tại cấp quận và 4,5 ngày ở cấp huyện. Dựa trên cơ sở dữ liệu này, UBND TP Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính ở mức độ 3 và 4.
Về câu hỏi: Hà Nội là địa bàn có hơn 7,5 triệu dân, áp lực trong quản lý dân cư là rất lớn. Công tác quản lý dân cư của HN đang gặp những khó khăn gì? Đại uý Nguyễn Thành Lâm, cho hay: Hiện nay Hà Nội là một địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế, xã hội trên cả nước. Hà Nội là điểm đến của các nhà đầu tư và người dân các tỉnh phía Bắc. Sự phát triển nhanh của hạ tầng và các khu dân cư cũng đang diễn ra phức tạp, dẫn đến việc người dân có nhu cầu nhập khẩu Hà Nội rất lớn, gây ra nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý cư trú.
Theo quy định của Luật cư trú, nhiều điều khoản hiện còn rất thông thoáng, người dân di chuyển từ nơi này đến nơi khác không cần thông báo với lực lượng Cảnh sát khu vực (CSKV), kéo theo việc kiểm soát khó khăn. Bên cạnh đó, còn tình trạng người dân có hộ khẩu một nơi nhưng lại sinh sống ở nơi khác cũng khiến cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn.
Các chế tài xử lý vi phạm Luật cư trú còn nhẹ, chưa có sức răn đe nên tạo ra áp lực cho lực lượng CSKV. Ngoài ra, theo quy định của Bộ Công an, 1 chiến sĩ CSKV hiện đang quản lý số lượng dân cư rất lớn, từ 2.500 đến 4.000 nhân khẩu.
Ngày 30/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về việc phê duyệt đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý công dân thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an. Đáng chú ý có việc thay thế sổ hộ khẩu và CMND bằng mã số định danh cá nhân, tránh phiền hà cho công dân được rất nhiều người hoan nghênh. Bên cạnh đó vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về sự thay đổi có tính bước ngoặt này. |
Cự Giải (T/h)