(ĐSPL) - Bị anh Lê Thanh Long lấy chìa khóa đâm vào người làm rách áo, chảy máu. Trong lúc bị kích động mạnh Việt vớ được thanh gỗ ở giữa đường liền quay lại đánh nhiều nhát vào người anh Long khiến nạn nhân bất tỉnh tại chỗ.
Đánh nhau chỉ vì tranh cãi về 20 ngàn đồng
Ông Nguyễn Hồng Cảnh và bà Lê Thị Sen, trú tại thôn Tân Lý, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) sinh được 2 người con. Năm 1986, khi sinh được Nguyễn Hồng Việt là con trai đầu, ông bà đã rất đỗi vui mừng vì Việt khi mới sinh ra mặt mũi sáng sủa và khỏe mạnh. Tuy nhiên, bao nhiêu ước mơ, hy vọng làm chỗ dựa khi tuổi già của ông bà bỗng vụt tắt khi đang học lớp 5 Việt lên cơn động kinh ở trường và không thể tiếp tục đi học được nữa. Cũng từ đó Việt lên cơn động kinh nhiều hơn, hễ có ai trêu chọc Việt lại nổi khùng, không làm chủ được bản thân. Hay những lúc trái gió trở trời, Việt lại đi lang thang mà không nhớ đường về, đến khi cả gia đình tá hỏa đi tìm thì lại thấy Việt trở về. Từ đó, mọi người trong nhà nắm được “lịch” phát bệnh của Việt nên thay nhau trông chừng Việt.
Bà Lê Thị Sen cho biết: “Trừ những lúc lên cơn động kinh là Việt không biết gì, còn lại bình thường, nó hiền lành lắm, những người xung quanh xóm ai cũng thương nó. Nhưng do không biết lúc nào nó lên cơn cả nên gia đình tôi cứ thay phiên nhau trông chừng nó cho yên tâm. Mỗi lúc đi đâu tôi cũng phải dặn trước mọi người là cháu bị bệnh rồi, xin mọi người đừng trêu chọc nó”.
Khi lớn lên, không học hành được như người khác nhưng Việt là người con biết nghe lời, việc nặng nhọc trong nhà khi tỉnh táo Việt đều làm hết. Việc cày cuốc, đồng áng dưới sự hướng dẫn của cha mẹ, Việt đều làm gọn gàng. Cũng giống như bao thanh niên khác, đến tuổi “cập kê” Việt cũng thích và yêu một cô gái cùng làng. Nhưng cô gái sau khi tìm hiểu, biết Việt mắc bệnh, hàng tháng được nhận tiền trợ cấp và thuốc thang từ trạm xá nên đã từ chối Việt. Trong lòng buồn bã, Việt xin mẹ đi ra khỏi làng để kiếm tiền.
Biết con trai buồn về chuyện tình cảm, thương con bà Sen lân la hỏi thăm người quen và xin được cho Việt đến bốc đá tại mỏ đá của Công ty khai thác đá Việt Hà ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch. Để tiện việc thuốc thang và yên tâm, bà Sen cũng phải đi theo để chăm sóc Việt.
Khi đến làm việc tại mỏ đá, Việt chịu sự quản lý trực tiếp của anh Lê Thanh Long. Thấy Việt hiền lành, bề ngoài to khỏe nên anh Long không mảy may nghĩ Việt mắc bệnh động kinh. Mặc dù, bà Sen cũng từng dặn anh Long là Việt đang mắc bệnh nếu có vấn đề gì thì cứ nói với bà, đừng hỏi gì với Việt. Thế nhưng, anh Long cứ nghĩ chắc Việt thỉnh thoảng lên cơn thế thôi, không có gì nghiêm trọng cả vì bình thường Việt rất lễ phép và hiền lành. Thậm chí, trong quá trình làm việc gần 2 năm tại mỏ đá, Việt cũng không hề có biểu hiện gì và anh Long cùng mọi người đã trêu chọc về căn bệnh của Việt nhưng Việt không phản ứng gì.
|
Bị cáo Lê Hồng Việt tại phiên tòa.
|
Sự việc bắt đầu vào lúc 21h30 ngày 1/4/2012 sau chuyến bốc xe đá cuối cùng, trong lúc chia tiền thấy mọi người được chia 120 ngàn, còn mình chỉ được 100 ngàn, Việt điện anh Long đến phòng bảo vệ mỏ đá để hỏi chuyện. Mặc dù không hài lòng nhưng anh Long vẫn đến để gặp Việt. Vừa xuống xe anh Long đã nghe Việt thắc mắc: “Anh trả công cho tui (tôi) răng (sao) lại có từng ni (này)?. Họ được 120 ngàn răng tui lại được có 100 ngàn thôi?”. Anh Long trả lời: “Mi làm ít và chậm hơn họ thì mi được 100 ngàn, còn đòi chi nữa” nhưng Việt không đồng ý. Sau đó, hai người tiếp tục lời qua tiếng lại không ai chịu nhường ai.
Đang bực tức trong người, lại thấy Việt có vẻ say rượu và đòi hỏi vô lý, sẵn cầm chìa khóa xe máy trong tay anh Long đã dùng nó đâm mạnh vào hông, vào cổ Việt làm Việt chảy máu, rách áo. Bị anh Long đâm bất ngờ, lại không biết lấy gì để chống đỡ, Việt bỏ chạy để tìm cái gì đó để tự vệ. Chạy được một đoạn ra ngoài sân, lại thấy anh Long đang đuổi theo, trong lúc bị kích động Việt vớ lấy khúc gỗ ở giữa đường quay lại đuổi đánh anh Long.
Thấy Việt cầm khúc gỗ quay lại, anh Long lập tức bỏ chạy nhưng không kịp. Trong lúc không làm chủ được hành vi của mình, Việt đánh liên tiếp 4 phát vào đầu làm anh Long bất tỉnh tại chỗ. Việt chỉ dừng lại khi mà bà Sen nghe tiếng mọi người ồn ào chạy ra can ngăn. Sau đó, anh Long được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch.
Kẻ đi tù, người tàn phế
Anh Long được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch vài ngày nhưng do bị chấn thương sọ não nặng và đa chấn thương nên phải chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu ba TP Đồng Hới. Đến ngày 18/4/2012, anh Long tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Mắt Trung ương để điều trị. Tại bản kết luận giám định pháp y ngày 3/1/2013, anh Long bị mù lực 2 mắt, vỡ lún xương sọ, nhiều vết sẹo vùng đầu, tỷ lệ tổn hại do thương tích gây ra là 88\%.
|
Bà Lê Thị Sen mong gỡ gạc được phần nào tội lỗi của đứa con bệnh tật gây ra. |
Về phần bà Sen, sau khi biết con mình sai, bà vét hết tiền của tích cóp bấy lâu nay của gia đình đưa anh Long đi chữa trị vết thương. Đồng thời, cũng mong gỡ gạc được phần nào tội lỗi của đứa con bệnh tật gây ra. Bà Sen một phần vừa phải chạy vạy đi chăm sóc anh Long, mặt khác lại phải thường xuyên vào trại tạm giam chăm sóc Việt. Sau khi vào trại tạm giam, Việt không được thuốc men đầy đủ nên bệnh động kinh lại tái phát nặng hơn. Trong thời gian này, bệnh viêm khớp lại xuất hiện làm Việt không thể đi lại được. Kể từ ngày bị bắt đến lúc ra tòa xét xử, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình đã phải 3 lần ra quyết định đi chữa bệnh bắt buộc đối với Nguyễn Hồng Việt.
Tại phiên Tòa ngày 3/12/2014 bị cáo Nguyễn Hồng Việt không thể tự đi được mà phải nhờ sự giúp đỡ của các cán bộ công an. Dáng điệu ốm yếu, đờ đẫn làm nhiều người không khỏi xót xa. Khi chủ tọa phiên tòa hỏi về những tội lỗi mà Việt gây ra cho anh Long, Việt đều nhận hết nhưng khi tòa hỏi chi tiết từng hành động thì Việt không thể nào nhớ nổi.
|
Bị cáo Nguyễn Hồng Việt không thể tự đi được mà phải nhờ sự giúp đỡ của các cán bộ công an. |
Điều mà chủ tọa phiên tòa nhắc đi nhắc lại trong phiên tòa hôm ấy chính là một phần lỗi thuộc về bị hại. Nếu như hôm ấy anh Long không chủ động gây sự trước với Việt là dùng chìa khóa đâm vào người Việt thì đã không làm Việt kích động mạnh đến vậy. Trong khi anh Long vẫn đã nghe bà Sen dặn dò là Việt đang có bệnh trong người. Nhưng tất cả đã quá muộn, chỉ vì một phút không làm chủ được cơn nóng giận anh Long phải nhận hậu quả tàn phế suốt đời.
Anh Long chua xót nói: “Ngay từ đầu nhận Việt vào làm tôi không hề nghĩ Việt bị bệnh động kinh, vì Việt vẫn bình thường khỏe mạnh như mọi người. Tôi biết mình có phần sai trong chuyện này, nhưng không ngờ tôi lại thành ra nông nỗi này. Từ một người chủ trong gia đình nuôi sống vợ và 3 đứa con ăn học, giờ tôi bị thương tật đến 88\% mà hai mắt thì gần như bị mù, giờ đây hàng ngày vợ tôi lại phải thường xuyên chăm sóc tôi nữa. Tôi không biết tương lai con cái tôi phải ra sao đây, con cái tôi chắc chắn phải bỏ học thôi”.
Kết thúc phiên tòa, TAND tỉnh Quảng Bình đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hồng Việt 4 năm 6 tháng tù tội Giết người và được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ. Đồng thời, yêu cầu gia đình Việt bồi thường cho anh Lê Thanh Long số tiền 30 triệu đồng cho những tổn thất về sức khỏe.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-tan-phe-vi-gay-su-voi-nguoi-dong-kinh-a75722.html