Đến đoạn đường vắng, Phong sử dụng súng điện bắn vào người tài xế GrabBike để cướp xe máy.
Theo báo Công lý, công an xã Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội) vừa bàn giao đối tượng Nghiêm Văn Phong (SN 1988, trú tại xóm 9 Đại Cương, Kim Bảng, Hà Nam) cho công an huyện Thường Tín để điều tra về tội Cướp tài sản.
Đối tượng Nghiêm Văn Phong tại cơ quan điều tra - Ảnh: báo Kinh tế và Đô thị |
Báo Tri thức trực tuyến đưa tin, trước đó, vào khoảng 19h00 tối 7/8, anh Trương Văn Hinh (SN 1983, ở Mỹ Đức, Hà Nội, tài xế GrabBike) chở một khách nam từ bến xe Nước Ngầm về Hà Nam.
Đến khu vực cánh đồng vắng người thuộc xã Nhị Khê ven quốc lộ 1A (huyện Thường Tín, cách bến xe Nước Ngầm khoảng 10 km), người ngồi sau xe bất ngờ dùng súng bắn điện khống chế tài xế để cướp xe máy nhưng bị nạn nhân chống trả quyết liệt và kêu cứu.
Nghe tiếng nam thanh niên hô cướp, người dân vội chạy ra kiểm tra. Lúc này, tên cướp thấy động nên vứt xe bỏ chạy ra khu vực cánh đồng thôn Văn Xá, xã Nhị Khê.
Nhận tin báo, công an xã có mặt và cùng người dân truy đuổi, giữ được thanh niên nghi cướp, đưa về trụ sở.
Tại cơ quan điều tra, nam thanh niên thừa nhận hành vi phạm tội của mình và khai tên Nghiêm Văn Phong. Phong cho biết, do không có nghề nghiệp ổn định nên lên Hà Nội sống bằng nghề trộm cắp vặt.
Đươc biết, Nghiêm Văn Phong có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản và mua bán trái phép chất ma túy.
Điều 133. Tội cướp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)