+Aa-
    Zalo

    Thâm nhập “thánh địa” xe quá khổ, quá tải

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Nhiều xe tải được cơi nới quá cao về nhiều phía, trông từ xa lừng lững như những chiếc container nhưng thực chất chúng chỉ là những chiếc xe ben mui hở. Cá biệt có những chiếc xe được nới cao thêm so với quy chuẩn cả mét.

    (ĐSPL)- Nhiều xe tải được cơi nới quá cao về nhiều phía, trông từ xa lừng lững như những chiếc container nhưng thực chất chúng chỉ là những chiếc xe ben mui hở. Cá biệt có những chiếc xe được nới cao thêm so với quy chuẩn cả mét.

    Cảng Cái Lân (khu công nghiệp Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh) có lượng hàng hóa bốc xếp lên tới hàng trăm ngàn tấn mỗi ngày. Kéo theo đó là hàng ngàn lượt xe tải chở hàng nườm nượp vào ra. Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra ngang nhiên và công khai là phần lớn những chiếc xe này đều trong trạng thái quá khổ và quá tải. Trong khi chính quyền địa phương tiếp nhận thông tin phản ánh một cách thờ ơ thì những con đường nội bộ của khu công nghiệp Cái Lân và các vùng lân cận đang ngày càng oằn mình, xuống cấp...

    Một "ăn" đôi, "ăn" ba

    Cảng Cái Lân sáng 28/8, theo quan sát phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ đồng hồ đã có hàng trăm chuyến xe tải nườm nượp ra vào cảng, lặc lè mang theo những chuyến hàng cồng kềnh và nặng trịch. Có những chuyến xe chở hàng từ phía Quốc lộ 18 vào cảng. Nhưng cũng có những chiếc chỉ chạy loanh quanh trên các cung đường nội bộ vốn đã bị băm nát. Tuy nhiên, tựu chung lại những chiếc xe này đều có một điểm chung: Quá khổ, quá tải và ngang nhiên hoạt động. Trước đầu mỗi xe còn có tên của doanh nghiệp chủ quản và cả tem lưu hành vẫn còn thời hạn hiệu lực.

    Nhiều xe tải được cơi nới quá cao về nhiều phía, trông từ xa lừng lững như những chiếc container nhưng thực chất chúng chỉ là những chiếc xe ben mui hở. Cá biệt có những chiếc xe được nới cao thêm so với quy chuẩn cả mét, khiến khối lượng vận chuyển ăn ra được thể gấp đôi, gấp ba so với thường lệ. Một tài xế của nhà xe C.T. (trụ sở tại Đại Yên, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) thừa nhận với PV: "ở đây có nhiều đơn vị cùng tham gia vận tải. Công ty ít thì một vài chiếc, nhiều thì hàng chục chiếc. Chiếc xe tôi lái bình thường chở 7 tấn. Đôn lên thế này thì được hơn chục tấn, coi như gấp đôi. Như thế tiết kiệm được một nửa chi phí vận chuyển".

    Thâm nhập “thánh địa”xe quá khổ, quá tải

    Hàng trăm chiếc xe cơi nới thế này mỗi ngày không những băm nát các tuyến đường chúng đi qua mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn. Ảnh minh họa.

    Đã thế, để tiết kiệm thời gian đi lại, nhiều chủ xe ở đây sau khi trả hàng tại cảng còn chạy về bãi tập kết hàng (cũng nằm trong khu công nghiệp Cái Lân - PV) mới với tốc độ chóng mặt. Sử dụng phương tiện cá nhân để bám theo những chiếc xe này, công-tơ-mét trên xe của PV luôn thể hiện tốc độ rất cao, từ 60-80km/h.

    Theo ghi nhận, ngoài những chiếc xe chở hàng từ phía Quốc lộ 18 vào đều được phủ kín, phần lớn những chiếc xe quá khổ, quá tải hoạt động tại khu công nghiệp Cái Lân đều được sử dụng để chở dăm gỗ và bột mì. Những chiếc xe chạy nội bộ thế này thậm chí còn được "độ" thêm thùng một cách rất tạm bợ, bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy vì các màu tôn khác nhau. Cánh lái xe ở đây giải thích, làm như vậy để lúc đi đăng kiểm tháo ra cho tiện. Cứ đăng kiểm về là lại lắp vào chạy tiếp (?!).

    Với tải trọng lớn, chiều cao quá khổ lại thường xuyên di chuyển ở tốc độ cao, thực tế cho thấy đã xảy ra không ít vụ va chạm, ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm. Anh Nguyễn Văn Đại (phường Việt Hưng, TP. Hạ Long, Quảng Ninh), người thường xuyên di chuyển qua khu vực này cho biết: "Tai nạn xảy ra nhiều lắm rồi. Tại xe quá cao, đi nhanh nên khi vào khúc cua gấp dễ bị lật. Mỗi lần đi qua đây tôi đều phải nơm nớp quan sát, không thì rất dễ bị tai bay vạ gió. Không hiểu tại sao cơ quan chức năng nơi đây vẫn để những chiếc xe như thế này hoạt động".

    Bên cạnh nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông, một thực tế cho thấy, những con đường nội bộ của khu công nghiệp này đã bị hàng ngàn chuyến xe cày nát hàng ngày. Lân cận cảng, phía các tuyến đường ra vào khu công nghiệp, đoạn thuộc Quốc lộ 18 cũng có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, phía mặt cầu Bãi Cháy (cách cảng chừng 1km) gần đây đã xuất hiện những vết "sống trâu" lồi lõm, rất nguy hiểm cho các phương tiện qua lại.

    Bóc mẽ chiêu trò "sang tải"

    Ngoài những chiếc xe chỉ loanh quanh chạy trong nội bộ khu công nghiệp Cái Lân, những chiếc xe chở hàng chạy liên tỉnh thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Theo ghi nhận của PV, kể từ khi thực hiện việc siết chặt xe quá tải ở nhiều địa phương trên cả nước, ngay gần cổng khu công nghiệp Cái Lân, hướng về phía Hà Nội vài km đã "mọc" lên một trạm cân để kiểm soát các xe tải ra vào cảng và các xe vận chuyển hàng hai chiều đi đến từ Móng Cái.

    Tuy nhiên, sau nhiều ngày mật phục, PV báo ĐS&PL đã cơ bản nắm được chiêu trò "sang tải" của cánh tài xế chở hàng đi từ cảng Cái Lân ra, biến việc cân xe trở nên khó khăn. Đặc biệt, việc "sang tải" này thường diễn ra vào ban đêm. Vào ban ngày, việc "sang tải" được hạn chế hết mức. Chỉ khi lượng hàng cập cảng quá lớn, cánh tài xế mới phải nhắm mắt đưa chân làm liều.

    Theo đó, cách cổng cảng Cái Lân khoảng vài trăm mét, nằm sâu trong khu công nghiệp có một bãi đất trống sát núi đã trở thành vị trí "sang tải" lý tưởng cho hàng trăm xe "đủ tải" vừa rời cảng. Theo quy định, những chiếc xe rời cổng cảng đều được cân, nếu đủ tải mới được phép rời cảng.

    Thế nhưng, một sự lạ đã lọt vào tầm quan sát của PV khi hầu hết những chiếc xe "được chứng minh đủ tải" này đã không vội vã rời cảng, xuôi theo đường 18 để về nơi cần đến mà nán lại thong dong đi về phía bãi đất trống đã nói trên.

    Để tiếp cận được sát vị trí "nhạy cảm" này, PV đã phải nhập vai người đi bắn chim đêm, nhờ một người dân địa phương chở bằng xe máy. Con đường bê tông dẫn thẳng đến vị trí "sang tải" dài chừng 600 mét nhưng cứ cách khoảng 100 mét, lại lởn vởn những bóng "chim lợn", sẵn sàng cấp báo khi "có biến".

    Tại bãi đất sát núi, đèn điện công suất cao được thắp lên sáng rực một vùng. Mặc dù là nửa đêm, vẫn có một chiếc máy xúc xình xịch xúc hàng và khá nhiều công nhân đang cật lực bốc, nén hàng lên một chiếc xe tải. Theo cung cách làm việc, có thể hiểu được rằng với mỗi xe tải đến, thùng hàng sẽ được mở ra để tiếp tục nén thêm hàng lên. Trên xe có cả những công nhân hỗ trợ trong việc dàn hàng và nén hàng cho chặt. Lượng hàng một chiếc xe sau khi được nén chặt rồi có thể tăng gấp từ 1,5 đến 3 lần so với lượng hàng trên xe được kiểm soát tại cảng Cái Lân.

    Sau khi "sang tải" xong, xe quá tải về vị trí gần cảng chờ kẹp chì, do một đơn vị tư nhân phụ trách. Hóa đơn kẹp chì sẽ thể hiện "kẹp chì tại cảng" gây nhầm lẫn cho lực lượng kiểm soát bởi theo đúng quy định: Hàng ra khỏi cảng phải đủ tải. Theo lời một tài xế thì, việc kẹp chì sau khi nhồi hàng này sẽ dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng bởi sự nhầm lẫn đánh lận con đen (?!).

    Chiều 28/8, trao đổi với PV báo ĐS&PL về hiện tượng trên, ông Nguyễn Hồng Dương - Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh tỏ ra không mấy mặn mà. ông thừa nhận có biết về việc xe quá tải, quá khổ hoành hành và cho rằng đó là những xe lưu thông trong nội cảng thuộc khu công nghiệp Cái Lân. "Đó là những xe cơi nới theo dạng tháo lắp", ông Dương nói.          

    Cần phải có cơ chế xử phạt lũy tiến

    Trao đổi với PV về câu chuyện xe quá khổ quá tải ở cảng Cái Lân, ông Nguyễn Văn Thanh (Chủ tịch hiệp hội Vận tải Việt Nam) cho biết, cần phải có cơ chế xử phạt lũy tiến mới có thể răn đe được các nhà xe trong việc sai phạm này. Theo ông Thanh, xử phạt luỹ tiến có nghĩa là nếu xe chở quá 1 tấn sẽ có mức xử mức phạt 1 tấn, 10 tấn sẽ phạt mức khác và các mức cần phải phạt thật nặng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-nhap-thanh-dia-xe-qua-kho-qua-tai-a49512.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan