PV báo ĐS&PL đã có buổi làm việc với trưởng thôn Kênh Gà và chủ tịch xã Gia Thịnh để làm rõ nguyên nhân tình trạng thanh thiếu niên trong thôn thường bỏ học sớm đi làm.
Trả lời thông tin báo ĐS&PL đã phán ánh ở 2 kỳ trước về tình trạng các em nhỏ chưa đến tuổi lao động phải bỏ học đi làm. Anh Trần Hoàng Anh, trưởng thôn Kênh Gà cho biết, việc trẻ em trong độ tuổi đến trường tại thôn phải bỏ học đi làm nhiều vì ngoài lái tàu không có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp cho các em.
“Cả thôn có hơn 3000 dân nhưng chỉ có vài chục mẫu ruộng không đủ cung cấp cho nhu cầu cơ bản. Bên cạnh đó thu nhập từ các ngành nghề khác như xây dựng, bán hàng… lại không cao nên chủ yếu các em học hết lớp 9 là bỏ học đi thuyền, có em nghỉ từ lớp 7, 8” - Anh Hoàng Anh cho biết.
Ông Nguyễn Đức Nhàn, chủ tịch xã Gia Thịnh. |
Ngoài ra, thôn Kênh Gà vốn có nghề vận tải đường thủy từ xưa nên các em mang sẵn tâm lý sẽ đi theo nghiệp ông cha. Các gia đình làm nghề tàu thường cho các em đi theo để quen sông nước và dễ quản lý. Bên cạnh đó, đặc điểm địa hình khu vực thôn Kênh Gà giống như một “ốc đảo” nằm phía bên ngoài đê xã Gia Viễn, việc đi học cũng trở nên khó khăn hơn.
“Cách đây hơn chục năm chúng tôi mới có cầu phao để đi lại chứ trước đây muốn vào bờ toàn phải đi thuyền. Tuy nhiên cầu phao có thu phí nên nhiều người cũng cảm thấy chưa hài lòng. Ngoài vận tải thủy, thôn có nghề chài lưới nhưng hiện nay nguồn nước ô nhiễm, sông không có thủy sản. Bà con muốn đánh cá phải ra tận sông Hồng nên không đem lại hiệu quả về kinh tế.” - Anh Hoàng Anh thông tin thêm.
Ông Nguyễn Đức Nhàn, chủ tịch xã Gia Thịnh cho biết, tình trạng trẻ em thôn Kênh Gà nghỉ học sớm đã diễn ra từ lâu, số lượng học sinh cấp 2 tại thôn Kênh Gà không đông bằng các thôn ở trong đê. Đa số các em chỉ học hết lớp 9 là nghỉ để lên tàu theo gia đình làm vận tải thủy.
“Cả thôn Kênh Gà có hơn 700 con tàu, thuyền lớn nhỏ, mỗi nhà có một chiếc, có nhà vài chiếc. Nghề đi tàu đã có từ lâu nên các em học sinh trong thôn xác định có thể học được thì học còn không thì học hết cấp 2 là nghỉ để đi tàu.” - Ông Nhàn nói.
Đề cập đến giải pháp gia tăng số lượng học sinh tốt nghiệp PTTH tại thôn Kênh Gà. Ông Nhàn cho rằng đây là một vấn đề khó vì ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế và đời sống của người dân.
“Các em học sinh đi học chưa biết chắc công việc tương lai là gì trong khi chỉ đi phụ tàu thôi có em đã kiếm được 4, 5 triệu/ tháng. Ngoài ra việc tuyên truyền, vận động còn gặp khó khăn ở chỗ, người dân làm tàu thuyền thường đi suốt ngày không có nhà, hơn 50% cư dân ở thôn Kênh Gà theo công giáo.
Trong năm chỉ có 2 dịp người dân tụ tập đông đủ là vào lễ Noel và Tết Âm lịch. Chúng tôi cũng khó đến được từng nhà vận động các gia đình cho con đi học đầy đủ được.” - Ông Nhàn chia sẻ.
Về hoạt động giáo dục đặc thù về ATGT đường thủy cho học sinh, ông Nhàn thông tin thêm, trước đây tại thôn Kênh Gà cũng có lớp dạy lái tàu và luật giao thông đường thủy. Hiện nay, có thêm một cơ sở nữa ở thôn Phong Tình, xã Gia Phong. Tuy nhiên đối tượng đào tạo tại các cơ sở này đều trên 18 tuổi và do điều kiện các em học sinh sớm bỏ học nên cũng không “mặn mà” với việc học tại các cơ sở trên.
Nhóm PV