+Aa-
    Zalo

    Tê tay khi cắm hoa tươi vì hóa chất bảo quản?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đầu ngón tay của người cắm hoa tươi bị tê, bứt rứt như kiến đốt khi cắm hoa tươi. Không loại trừ trường hợp hoa tươi tồn dư thuốc BVTV, hóa chất bảo quản hoa tươi.

    Khi cắm hoa cúc tươi vào lọ, các đầu ngón tay của người cắm hoa bị tê dại, bứt rứt như kiến đốt. Theo các chuyên gia, không loại trừ trường hợp hoa tươi tồn dư hóa chất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hóa chất bảo quản giúp hoa tươi lâu khi bán ngoài thị trường, có thể ảnh hưởng sức khỏe.

    Hoa tươi đều dùng hóa chất bảo quản?

    Chị Nguyễn Hiếu Châu (ngụ TX Thuận An, Bình Dương) phản ảnh, các ngón tay của chị bị tê dại, ngứa bứt rứt như kiến đốt sau khi chị cắm hoa cúc tươi vào lọ. Để tìm hiểu thông tin, phóng viên đã tới điểm bán hoa cúc tại chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương), nơi chị Châu mua hoa.

    Tại đây, người bán hàng tên Trần Văn Tùng cho biết: “Hoa các loại lấy tại chợ hoa đầu mối Đầm Sen (TP.HCM) về bán, còn nguồn gốc hoa ở Đà Lạt hay ở đâu chúng tôi không biết, chỉ cần hoa đẹp, rẻ, bán có lời. Hoa cúc mua về bán có thể để được vài tuần, vì nơi nào bán hoa lẻ đều phải dùng thuốc giữ hoa tươi lâu, bán lai rai vài tuần chứ làm sao bán hết được trong 1-2 ngày. Còn cây hoa có bị phun thuốc hay không chúng tôi làm sao biết được! Hoa tới điểm bán lẻ đã qua mấy cầu rồi”.   

    Theo PGS.TS Nguyễn Thị Chắt, bộ môn Bảo vệ thực vật, trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, có nhiều loại hoa ở Đà Lạt đưa về các tỉnh không thể nở to được do khí hậu thay đổi, nên không loại trừ nơi bán phải làm những thủ thuật như sử dụng hóa chất để cho hoa nở ra và tươi lâu. Hiện nay có nhiều hóa chất cho hoa, rau quả bán trôi nổi không thể kiểm soát.

    PGS.TS Nguyễn Thị Chắt cho biết thêm, sâu bệnh hại trên cây hoa cúc có nhiều loại. Tuy nhiên, không gây bệnh đặc biệt, bởi bản thân cây hoa cúc có chất trị tuyến trùng trong đất, nên chỉ những sâu bệnh có khả năng chống lại chất này mới gây bệnh cho hoa cúc. Hoa cúc thường mắc một số bệnh như: đốm nâu, đốm vàng, đốm sen, ruồi hại lá… nhưng chỉ làm cho hoa xấu đi, cây còi cọc chậm ra hoa, hoặc lá xoăn chứ không hoàn toàn hủy diệt cây hoa như những cây trồng khác.

    Cũng vì thế, khi hoa được đưa ra kinh doanh thì cần đẹp, tươi lâu, những hóa chất đáp ứng nhu cầu này của thị trường lại rất đa dạng nên khó mà lường trước được những hậu quả gây ra cho sức khỏe. PGS.TS Chắt cho rằng cần có quy định hoa an toàn tương đương với an toàn thực phẩm.

    Người tiêu dùng mua hoa cúc tươi tại chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương)

    Sử dụng hóa chất bảo quản hoa là bất hợp pháp

    TS Võ Mai, Phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay đa số các cơ quan chức năng, đơn vị tuyên truyền mới chú ý tới sản xuất rau an toàn, còn hoa an toàn thì chưa được chú trọng. Rau củ quả có thể rửa sạch, hoa thì không thể rửa, lại trưng trong phòng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người hít ngửi phải hóa chất. Nhẹ thì dị ứng, nặng có thể gây nôn mửa, đau đầu, chóng mặt, hại thần kinh, chưa kể hóa chất ngấm qua da tích lũy trong cơ thể, về lâu dài gây bệnh.

    Trên thực tế, vì tính kinh tế, để hoa nở đúng vụ, lại tươi lâu trong quá trình vận chuyển phân phối bán lẻ ra thị trường, việc sử dụng thuốc BVTV và hóa chất giúp hoa tươi lâu là khó tránh khỏi. Chính vì vậy, người cắm hoa khi tiếp xúc trực tiếp da tay vào cành, lá hoa rất có thể bị kích ứng bởi các loại hóa chất bảo quản hoa.
    Tuy nhiên, cần phải có phân tích cụ thể mới biết rõ kích ứng do thành phần chất gì, lượng tồn dư... "Đã có nhiều cảnh báo hại sức khỏe đối với trường hợp người chơi hoa tự ý pha hóa chất giúp hoa tươi lâu, nhưng với cơ sở trồng, phân phối hoa thì cần cơ quan chức năng có biện pháp quản lý kiểm soát quy định chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV phun cho cây hoa về thời gian cách ly tới khi cắt bán, mới mong có thị trường hoa an toàn phục vụ nhu cầu của người dân" -TS Võ Mai nói.

    Qua khảo sát thị trường cây cảnh tại TP.HCM, nhiều đại lý cây cảnh còn bán các loại được cho là thuốc tác dụng dưỡng hoa tươi lâu. Có loại được giới thiệu là B1, dạng bột màu xanh, hàng xuất xứ Mỹ, giá chỉ 20.000đ/lọ cung cấp dinh dưỡng nuôi cành hoa, giúp hoa vừa tươi lâu, bền màu, bền mùi. Ngoài ra, còn có loại nước cắm hoa giới thiệu có chứa thành phần methylisothiazolinone (MI), methylchlozo isothiazolinone (CMIT)… giá 15.000đ/chai.

    Chưa có đơn vị kinh doanh hoa nào đăng ký với Cục BVTV về sử dụng thuốc BVTV cho hoa tươi lâu, và cũng chưa có danh mục loại thuốc BVTV nào có tác dụng dưỡng hoa được nhà nước cho phép. Trên thị trường sử dụng những loại thuốc, hóa chất làm cho hoa tươi lâu thì đó là bất hợp pháp. Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN & PTNT)


    Quỳnh Hương

                                                                                                                    

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/te-tay-khi-cam-hoa-tuoi-vi-hoa-chat-bao-quan-a213005.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.