Tăng tuổi nghỉ hưu nếu áp dụng đại trà sẽ khiến nhiều người mệt mỏi, không đáp ứng được. Chỉ nên áp dụng với đối tượng cụ thể, có tiêu chí rõ ràng.
Ngày 11/10, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết cơ quan này đang cân nhắc các phương án tăng tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức, trước khi đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật lao động.
Dự kiến có hai phương án, tăng từ 60 lên 62 đối với nam và tăng từ 55 lên 58 hoặc từ 55 lên 60 đối với nữ. Việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và cân đối quỹ lương hưu.
Ảnh minh họa |
Câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu đã được bàn tới nhiều năm nay và có nhiều ý kiến trái chiều. Phần đông những ý kiến phản đối xuất phát từ những người lao động trong các ngành nghề nặng nhọc hoặc có phần vất vả, thu nhập ở mức thấp hoặc trung bình; ý kiến ủng hộ phần nhiều được đưa ra từ những đối tượng làm công tác nghiên cứu, những lĩnh vực cần chất xám cao, những cán bộ công chức viên chức đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo… Còn nếu cứ áp dụng đại trà thì sẽ có cảnh “kẻ khóc người cười”.
Tuy nhiên, luồng ý kiến phản đối việc nâng tuổi nghỉ hưu có vẻ “vượt trội” bởi đa số người lao động, kể cả một bộ phận người có chức vụ đều mong muốn nghỉ hưu đúng tuổi (nữ 55, nam 60). Thực tế, hiện cũng có không ít người đang đảm nhận các vị trí lãnh đạo nhưng họ lại xin nghỉ hưu trước tuổi. Bởi, nếu chiểu theo các qui định thì việc nghỉ hưu sớm có lợi hơn rất nhiều so với nghỉ hưu đúng tuổi, và họ cũng cảm thấy không còn sức lực để kéo dài tuổi làm việc.
Tăng tuổi nghỉ hưu hay tinh giản biên chế cần căn cứ vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Trong một hệ thống có quá nhiều người già cũng chưa chắc đã tốt, bởi họ rất dễ có tính bảo thủ, trì trệ, thậm chí níu giữ giới trẻ phát triển. Việc tăng tuổi nếu có vấn đề liên quan “cân đối quỹ” thì cần xem xét lại. Nếu quỹ BHXH hiện nay hoạt động không hiệu quả thì nên để thêm các công ty tư nhân, nước ngoài cùng tham gia thị trường này để có sự cạnh tranh.
Theo Bộ Nội vụ, năm 2015 đã tinh giản được trên 5.300 người, trong đó có tới hơn 4.500 người hưởng chính sách về hưu trước tuổi, trên 800 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 4 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học và 10 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước.
Vì sao số người xin nghỉ hưu trước tuổi lại cao như vậy trong lúc chúng ta lại có mong muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu? Dù làm gì thì người lao động vẫn đặt lợi ích của mình lên trên hết. Cụ thể, theo quy định của Chính phủ, nếu nghỉ hưu trước 1/7/2015 thì mức lương hưu được tính bình quân của 5 năm cuối cùng, nhưng nếu sau tháng 1/7/2015 thì tính bình quân của 10 năm. Không cần tính toán cũng có thể thấy, bình quân lương của 5 năm cuối cao hơn so với bình quân của 10 năm. Vì thế, người nào chỉ cần chậm một chút là có thể mất vài trăm ngàn, thậm chí cả triệu đồng mỗi tháng.
Đặt thêm một phép toán, nếu làm theo cách hiện nay thì kinh phí của Nhà nước bỏ ra để chi trả lương cho một người lao động cụ thể không giảm nếu anh ta xin nghỉ hưu sớm, thậm chí là tăng. Nhưng nếu bắt buộc phải giảm những người “không hoàn thành nhiệm vụ, sức khỏe yếu” thì có đảm bảo sẽ tuyển dụng những người tinh tú hơn không, hay vẫn là nạn con ông cháu cha, thân quen, chạy chọt?
Đa phần ý kiến cho rằng, để tránh lãng phí nguồn chất xám, công sức đào tạo thì nên kéo dài tuổi làm việc của những công chức, những chuyên gia có trình độ, kỹ năng, kinh nghiệm trên cơ sở tự nguyện để họ có điều kiện cống hiến. Tuy nhiên, không nên để những đối tượng được kéo dài tuổi nghỉ hưu giữ vị trí lãnh đạo. Bởi đa phần ý kiến lo ngại việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ là động cơ phục vụ cho lợi ích của một số nhóm người hoặc các đối tượng công chức yếu kém.
Tăng tuổi nghỉ hưu, tinh giản biên chế, tuyển dụng cán bộ công chức… còn quá nhiều vấn đề “loằng ngoằng” mà khi triển khai đã nảy sinh nhiều bất cập. Nếu không cân nhắc kỹ chúng ta sẽ lại mãi chạy theo hệ quả của sự đối nghịch giữa các chính sách./.
Vũ Hạnh
Nguồn: VOV.VN