Tập đoàn Đèo Cả lý giải nguyên nhân tăng giá thu phí qua hầm Hải Vân lên gấp hơn 2 lần so với mức ban đầu là vì đang gặp "áp lực tín dụng". Vậy Tập đoàn của ông Hồ Minh Hoàng đang kinh doanh ra sao?
Những ngày qua, người dân, doanh nghiệp phải “than trời” vì Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả, chủ đầu tư hầm đường bộ Hải Vân 2, đồng thời là đơn vị quản lý vận hành 2 hầm đường bộ Hải Vân, tăng phí tại trạm BOT này cho 5 loại phương tiện, trung bình từ 110.000 - 280.000 đồng/lượt xe, tăng khá nhiều so với mức trước đây từ 70.000 - 240.000 đồng/lượt xe.
Trả lời báo chí, Tập đoàn Đèo Cả (công ty mẹ của Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả) lý giải nguyên nhân tăng là vì đang gặp "áp lực tín dụng".
Trước đó, tại buổi lễ khánh thành hầm đường bộ Hải Vân 2, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, từng tuyên bố chủ đầu tư chỉ có thể mở cửa đường hầm cho người dân, phương tiện lưu thông khoảng 20 ngày trước và trong Tết Nguyên đán Tân Sửu, sau đó sẽ phải đóng cửa hầm.
Tập đoàn Đèo Cả của ông Hồ Minh Hoàng là một trong những doanh nghiệp lớn đang triển khai nhiều dự án BOT, BT tại Việt Nam với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng. Năm 2019, Tập đoàn Đèo Cả tái cơ cấu tập trung các dự án BOT của mình vào chung một thành viên của tập đoàn là Công ty đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (Hamadeco).
Theo đó, Hamadeco đã nhận chuyển nhượng cổ phần từ 5 doanh nghiệp với tổng giá trị hơn 2.394 tỷ đồng để trở công ty nắm quyền đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Cụ thể, 5 doanh nghiệp này bao gồm Công ty cổ phần đầu tư Hải Thạch B.O.T, Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Miền Bắc, Công ty cổ phần Tập đoàn Hải Thạch, Công ty cổ phần BOT Hưng Phát, Công ty cổ phần đầu tư thương mại quốc tế Hà Thành.
Thay vì thanh toán tiền mặt, Hamadeco phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ và tăng vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng lên gần 2.400 tỷ đồng. Động tác tài chính này đã đưa Hamadeco từ công ty bảo dưỡng hầm Hải Vân lột xác trở thành một công ty lớn đầu tư hạ tầng giao thông lớn nhất cả nước.
Sau khi tiếp quản các dự án, Tập đoàn Đèo Cả trở thành công ty mẹ của Hamadeco thông qua quyền sở hữu, quyền biểu quyết trực tiếp và gián tiếp tại các công ty con đầu tư vào Công ty đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả.
Một trong những công ty con lớn nhất của Hamadeco là Công ty đầu tư Đèo Cả, doanh nghiệp được thành lập năm 2010 để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng công trình hầm Cổ Mã và đường dẫn, hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông tại tỉnh Phú Yên.
Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả chủ đầu tư hầm Hải Vân trong những năm qua doanh thu thuần khá thấp so với vốn chủ sở hữu. Năm 2016, doanh thu thuần của công ty này chỉ đạt 8,8 tỷ đồng, còn năm 2019 là 689 tỷ đồng. Trong khi tổng tài sản và vốn chủ sở hữu Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả liên tục tăng. Tính đến năm 2019, tổng tài sản công ty đạt 16.444 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 4.811 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2019 , Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả báo lỗ 243,6 tỷ đồng.
Về phần Tập đoàn Đèo Cả của ông Hồ Minh Hoàng, tính từ năm 2016 – 2019, vốn chủ sở hữu Tập đoàn tăng gần 10 lần (từ 271 tỷ đồng lên 2.671 tỷ đồng). Trong khi lãi thuần của Tập đoàn Đèo Cả tăng theo từng năm. Trong năm 2019, Tập đoàn của ông Hồ Minh Hoàng báo lãi 114 tỷ đồng.
Hiện nay, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) là đơn vị tài trợ nguồn vốn chủ yếu cho các dự án hạ tầng của Tập đoàn Đèo Cả. Các tài sản đảm bảo của dự án, bao gồm các quyền thu phí và toàn bộ nguồn thu từ các trạm thu phí, quyền tiếp nhận máy móc thiết bị, các động sản,… thuộc dự án đều được thế chấp tại Vietinbank.
Giang Nam