Những phân tích ban đầu cho thấy những phần tử khủng bố đã sử dụng đạn pháo tự chế cỡ 120mm, được nhồi đầy chất độc bên trong, khi tấn công Aleppo.
Một người trúng khí độc Clo được điều trị trong bệnh viện. Ảnh: SANA/Reuters |
Sputnik đưa tin ngày 25/11, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Phóng xạ, Hóa học và Sinh học của quân đội Nga Konstantin Potyomkin cho rằng các phần tử thuộc nhóm khủng bố Tahrir Al-Sham (tiền thân là Mặt trận al-Nusra) đã sử dụng những loại đạn pháo bên trong có chứa chất độc để nã vào thành phố Aleppo của Syria.
Phát biểu báo giới, ông Potyomkin nói: "Những phân tích ban đầu từ các mảnh đạn này cho thấy những phần tử khủng bố này đã sử dụng đạn pháo tự chế cỡ 120mm, được nhồi đầy chất độc bên trong".
Trước đó, ngày 24/11, khoảng 100 người Syria nhập viện trong tình trạng khó thở sau khi vụ tấn công hóa học xảy ra tại thành phố Aleppo do chính phủ kiểm soát.
SANA đưa tin “107 ca gặp khó khăn về hô hấp”, sau cái mà quan chức y tế Ziad Haji Taha nhận định “có thể” là một vụ tấn công bằng chlorine. Trong lúc đó, theo SOHR, tổng cộng 94 người nhập viện sau khi có người trình báo về “mùi chlorine” trong thành phố.
Liên minh nổi dậy Mặt trận Giải phóng Quốc gia phủ nhận liên quan tới vụ việc. Tuy nhiên, HTS, Hurras al-Deen có liên hệ với Al Qaeda hiện chưa lên tiếng.
Ngày 25/11, Nga không kích vào khu vực được chỉ định là vùng đệm rìa thành lũy của phiến quân.
Đây là cuộc không kích đầu tiên vào khu phi quân sự kể từ sau thỏa thuận hồi tháng 9 giữa Moscow và Ankara. Thỏa thuận này được phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng sẽ giúp bảo vệ Idlib khỏi một cuộc tấn công tổng lực của lực lượng chính phủ Syria.
Cũng trong ngày 25/11, Bộ Ngoại giao Syria đã "kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án ngay lập tức và mạnh mẽ các tội ác khủng bố này... và thực hiện những biện pháp ngăn chặn, trừng phạt đối với các quốc gia và chế độ ủng hộ cũng như tài trợ khủng bố."
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria không nêu tên “nhà tài trợ” cụ thể nào, nhưng nói rằng vụ tấn công là hệ quả của “việc tạo thuận lợi của một số nước để cung cấp hoá chất cho các chiến binh vũ trang”.
Cuộc nội chiến Syria từ năm 2011 đã phát triển thành xung đột phức tạp bao gồm cả các cường quốc và nhóm thánh chiến. Chiến tranh kéo dài 7 năm đã khiến hơn 360.000 người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà ở. Năm 2017 và tháng 4/2018, chính phủ Syria từng bị cáo buộc tấn công hóa học, dẫn đến việc Mỹ thực hiện cuộc không kích trừng phạt.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)