Chiều 19/11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023.
Gửi lời chúc mừng đến tất cả các thầy cô giáo nhân dịp ngày lễ trong đại 20/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Mỗi nhà giáo được tuyên dương ngày hôm nay là tấm gương tiêu biểu, được lựa trọng trong số hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước.
Đây là các thầy giáo, cô giáo ở những miền xa xôi của Tổ quốc, đã đạt được nhiều thành công trong giảng dạy, có cách làm sáng tạo trong triển khai chủ trương, đường lối và các quyết sách của ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, nhiều nhà giáo đã vượt qua các khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong đó, nhiều thầy, cô đã vượt khó vươn lên, bám trường, bám lớp, tình nguyện công tác ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, đã dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho học sinh thân yêu. Các thầy, cô đã mang hết tâm sức, trí tuệ của mình để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” cao cả”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, dù trong hoàn cảnh nào, các nhà giáo vẫn luôn giữ trọng đạo nghề, dành nhiều tâm sức cho sự nghiệp trồng người và kiến tạo nên các giá trị cao đẹp cho xã hội và cho cuộc sống. Đó vừa là quyết tâm, vừa là chỗ dựa để các thầy, cô theo được nghề và làm tốt sứ mệnh của mình.
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho biết ngành Giáo dục và Đào tạo đang triển khai công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo một cách căn bản, toàn diện xưa nay chưa từng có đối với tất cả các cấp học từ mầm non tới đại học, trong đó, hiện đang tập trung triển khai đổi mới sâu rộng đối với giáo dục phổ thông, mà cụ thể là triển khai Chương trình GDPT 2018.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, cần phải đảm bảo thực hiện nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, lực lượng nhà giáo có vai trò quyết định đến sự thành công của toàn bộ quá trình này.
Bộ GD&ĐT xác định, phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, là nền tảng bền vững, quyết định mọi thành công của giáo dục và đào tạo. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã, đang và sẽ cố gắng làm mọi việc, mọi biện pháp để có thể nâng cao vị thế, phát triển lực lượng nhà giáo cả về lượng và đặc biệt là về chất.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, đổi mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nhà giáo, nhìn nhận theo hướng tích cực, quá trình đổi mới đang là cơ hội để mỗi nhà giáo thay đổi bản thân, đổi mới sáng tạo, trang bị và tích lũy kiến thức và kỹ năng mới tiến bộ hơn, triển khai thành công công việc dạy học, trang bị kiến thức, kỹ năng và phát triển năng lực cần thiết cho học trò.
Trong quá trình ấy, thách thức và cơ hội lớn nhất chính là đổi mới bản thân và vượt qua những giới hạn của chính bản thân mỗi thầy, cô giáo. Vì vậy, sự đổi mới của các thầy cô đạt được đến đâu thì sự đổi mới của ngành giáo dục chúng ta đạt được đến đó.
“Tuy nhiên, bên cạnh ghi nhận đóng góp hết sức ý nghĩa của các thầy cô thì chúng ta cũng phải cùng nhau nhìn về thêm một hướng. Đó là chúng ta làm được những việc lớn nhưng đó là câu chuyện vượt khó, vượt khó là một việc rất khó nhưng vượt qua để đổi mới được bản thân mình là việc còn khó hơn.
Nếu chúng ta chỉ vượt khó mà không vượt lên bản thân mình nữa thì giáo dục của chúng ta vẫn chỉ dừng là một nền giáo dục vượt khó thôi. Mà những chân trời của sự phát triển con người không chỉ dừng ở chỗ vượt khó. Vì vậy, còn rất nhiều việc chúng ta phải làm ở phía trước, mặc dù sự vượt khó đã là vô cùng đáng quý”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ thêm: “Đổi mới là một quá trình, từ chính sách đến thực tiễn luôn luôn còn một khoảng cách. Bộ GD&ĐT với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước ban hành chính sách vừa lắng nghe các thầy cô để tiếp tục điều chỉnh để sự đổi mới của chúng ta, đổi mới một cách có lý luận, có định hướng nhưng không thể thay được sự thay đổi trong thực tế của chính các thầy cô. Cho nên sự lan toả của những người tiên tiến, của những người tiêu biểu là vô cùng quan trọng”.
Chia sẻ với các thầy cô giáo được vinh danh là nhà giáo tiêu biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn các thầy cô tiếp tục lan tỏa những gì mình đã làm được, đã tích lũy được từ kinh nghiệm và thực tiễn nghề nghiệp của bản thân.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Chúng ta luôn tâm niệm nghề giáo là nghề cao quý và luôn cần giữ sự tôn nghiêm. Nhưng để có sự tôn nghiêm trước hết với nhà giáo chúng ta cần làm thật tốt công việc của mình để từ đó có tinh thần và ý thức đầy đủ để giữ gìn sự tôn nghiêm của nghề nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta khẳng định được giá trị bền vững của nghề nghiệp, những giá trị tốt đẹp của nghề nghiệp lan toả cho xã hội”.
XEM THÊM: Phú Yên: Một trường học tặng tiền học sinh nhân ngày 20/11
Đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023 chia sẻ tại lễ tuyên dương, PGS.TS Nguyễn Thành Nhân, giảng viên cao cấp khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM bày tỏ: “Được tham dự Lễ tuyên dương nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là một niềm vui bất ngờ và vinh dự đối với tôi.
Bất ngờ, là bởi những đóng góp mà tôi đã thực hiện được thực sự còn quá nhỏ bé so với những hy sinh thầm lặng của nhiều thầy cô giáo trong ngành, so với sự cống hiến của những thầy cô đã từng dạy dỗ tôi trưởng thành. Các thầy cô luôn là những tấm gương sáng ngời về đạo đức, về sự tận tụy và lòng yêu nghề, luôn hết lòng yêu thương với các thế hệ học trò”.
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Nhân, một trong những điều đặc biệt nhất của nghề giáo chính là niềm vui và động lực thường không đến từ thành tích của bản thân, mà đến từ thành công, sự trưởng thành của các thế hệ học trò.
Đinh Kim