Quần áo ẩm mốc không chỉ gây mùi khó chịu mà còn là tác nhân gây ra nhiều bệnh về da, hô hấp, tiêu hóa...
Trời nồm, độ ẩm cao, thời tiết mưa phùn ẩm ướt khiến quần áo dù có giặt, phơi nhiều ngày nhưng vẫn không khô gây mùi khó chịu. Vì thế, để tránh mắc các bệnh trên bạn không nên mặc quần áo ẩm mốc. Đặc biệt giặt quần áo trong thời tiết nồm cần đảm bảo vị trí phơi thông thoáng, tốt nhất là nên sử dụng máy sấy để áo quần được khô ráo, thơm tho.
Gây mùi khó chịu
Độ ẩm từ quần áo cộng với các vi khuẩn sẽ tạo nên mùi khó chịu. Nếu trên cơ thể bạn đã có sẵn các vi khuẩn thì khi mặc quần áo còn chưa khô sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển hơn.
Cuối cùng cơ thể bạn sẽ có mùi hôi khó chịu, vừa ảnh hưởng tới chính sức khỏe bản thân lại ảnh hưởng tới cả những người xung quanh.
Độ ẩm từ quần áo cộng với các vi khuẩn sẽ tạo nên mùi khó chịu. |
Phát ban da
Theo các chuyên gia, việc mặc quần áo vẫn ẩm ướt có thể gây kích ứng da và các chứng bệnh về da khiến bạn ngứa ngáy, đau rát.
Bởi vì các loại vi khuẩn, nấm mốc từ trong không khí sẽ rất dễ sinh sôi trong môi trường có độ ẩm cao như quần áo vẫn chưa khô. Sau đó chúng sẽ lây lan sang da của bạn.
Bị mụn
Mặc quần áo còn ẩm ướt có thể làm tăng nguy cơ bị mụn trứng cá trên cơ thể. Nhiệt độ và độ ẩm sẽ khiến da bạn sản xuất nhiều bã nhờn và dẫn đến việc tích tụ các vi khuẩn trong da, gây nổi mụn trứng cá.
Các bệnh về đường hô hấp
Có lẽ ít người biết rằng trên quần áo ẩm ướt để lâu không khô có đến 10 loại nấm mốc phát sinh ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe cơ thể con người. Ví dụ như loại nấm Stachybotrys chartarum, một loại nấm mốc vô cùng độc hại nếu bạn hít phải sẽ làm sản sinh bào tử gây nhiễm trùng cơ quan hô hấp.
Nếu bạn thường xuyên mặc những bộ quần áo đầy nấm mốc này sẽ vô tình đẩy cơ quan hô hấp đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng khá cao. Bởi khi khoác bộ quần áo lên người thì bản thân người mặc là người tiếp xúc và hít phải các loại nấm dễ dàng nhất. Từ đó dẫn đến các triệu chứng như nhảy mũi, ho, đau mắt, đau họng... nặng hơn có thể gây viêm xoang, viêm phổi, nhiễm trùng phổi, suy hô hấp, hen suyễn...
Bệnh về đường tiêu hóa
Vi khuẩn, nấm mốc trên quần áo cũng có thể bám vào tay và tấn công cơ thể qua đường miệng khi chúng ta cầm nắm thực phẩm. Từ đó, vi khuẩn, nấm mốc nhanh chóng xâm nhập vào cơ quan tiêu hóa gây ra các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa... Những vi khuẩn này nếu sinh sôi mạnh sẽ gây ra các bệnh nặng hơn về tiêu hóa, dạ dày, ruột... vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe.
Mặc quần áo ẩm mốc gây bệnh về đường tiêu hóa. |
Suy giảm hệ miễn dịch
Nếu bạn đi ra ngoài trời lạnh trong khi quần áo vẫn còn ẩm ướt thì bạn sẽ rất dễ bị cảm lạnh. Có thể lúc đầu bạn chủ quan cho rằng đó chỉ là cảm giác lạnh do mặc quần áo ẩm. Tuy nhiên nếu bạn vẫn cảm thấy rét một thời gian dài thì có nghĩa hệ miễn dịch của bạn đã bị yếu.
Viêm nhiễm "vùng kín"
Đây là bộ phận vô cùng nhạy cảm trên cơ thể và rất dễ mắc bệnh bởi các loại vi khuẩn, nấm mốc. Việc mặc quần áo vẫn còn ẩm ướt, đặc biệt là quần lót rất dễ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh ở "vùng kín".
Trong môi trường ẩm ướt, vi khuẩn rất dễ sinh sôi sẽ gây nên các bệnh viêm nhiễm, bệnh phụ khoa, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc bệnh vô sinh và ung thư cổ tử cung nữa đó.
Cách giúp khắc phục tình trạng áo quần ẩm mốc khi trời nồm
- Mở cửa sổ hàng ngày, sử dụng quạt để làm thông thoáng nhà cửa và các góc khuất. Sửa sang những nơi ẩm ướt kéo dài như sàn nhà, ván ốp tường và cửa sổ.
- Có thể sử dụng chất tẩy rửa để tiêu diệt nấm mốc. Lưu ý nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng các loại thuốc này vì chúng có thể gây hại cho sức khỏe. Thường xuyên tẩy rửa phòng tắm, nhà bếp, bồn rửa bát; sử dụng các loại sơn chống nấm mốc trong nhà tắm và nhà bếp.
Sử dụng máy sấy quần áo trong ngày trời nồm. |
- Nên hạn chế giặt quần áo trong những ngày trời nồm. Nếu giặt thì phải đem phơi cho khô hẳn, đem là nóng rồi mới cất vào tủ quần áo khô ráo, sạch sẽ. Không nên hong quần áo bằng quạt vì sẽ chỉ khiến hơi nước ngưng tụ nhiều hơn. Ngoài ra, đừng quên cho vài viên chống ẩm vào tủ quần áo.
- Sử dụng máy sấy quần áo trong những ngày trời nồm ẩm ướt.
Mỹ An (T/h)