(ĐSPL) – "Nếu hành khách có khiếu nại gửi đến Hội, Hội sẽ vào cuộc, can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng", ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khẳng định khi nói về sự cố bay nhầm của Vietjet Air.
Hãng hàng không Vietjet Air với sự cố hy hữu đáp nhầm sân bay. |
Vào 17h40 ngày 19/6 máy bay A320 mang số đăng ký quốc tịch VN-A692 của Vietjet Air (VJA) thực hiện chuyến bay VJ 8575 theo chặng bay Hà Nội - Cam Ranh.
Tuy nhiên, toàn bộ hành khách, hành lý và hàng hóa được chuyên chở trên chuyến bay VJ8575 lại có hành trình theo vé Hà Nội đi Đà Lạt.
Phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về sự cố này.
Ông có bình luận gì về sự cố vừa qua của Vietjet Air?
Chuyện đó thật khó tin. Đúng là chuyện thật mà như đùa. Đây là hiện tượng hy hữu trong lịch sử của ngành hàng không. Đến thời điểm hiện tại có lẽ hàng không là ngành được quản lý chặt chẽ nhất bởi lẽ tôi chưa thấy phương tiện nào phải kiểm tra an ninh nghiêm ngặt như khi lên máy bay.
Cơ trưởng và những người điều phối trên máy bay nắm trong tay sinh mạng của hàng trăm hành khách. Với “khối tài sản” lớn như vậy, không thể chấp nhận, cho phép xảy ra bất cứ sai sót nào.
Nói về sự cố này, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho rằng lỗi trực tiếp là của điều phái viên và của cơ trưởng, bên cạnh đó còn có lỗi của cơ quan giám sát. Ông nghĩ sao về mức độ nghiêm trọng của sự việc cũng như trách nhiệm của các cá nhân có liên quan?
Cục Hàng không Việt Nam cũng đã khẳng định đây là sự cố nghiêm trọng trong hoạt động khai thác bay.
Về việc xử lý các cá nhân có liên quan tới sự cố này phải dựa trên cơ sở của pháp luật chứ công ty không thể tự quyết. Ngoài ra phải có sự đàm phán, trao đổi giữa khách hàng và hãng hàng không để đi đến sự thống nhất.
Phía Hội đã có động thái nào để bảo vệ quyền lợi cho các hành khách trên hay chưa?
Chúng tôi đã lên tiếng, thể hiện thái độ của Hội về vụ việc hy hữu này. Việc trả nhầm khách hàng ở sân bay khác là chuyện hy hữu, còn vấn đề đáng quan tâm hiện nay của ngành hàng không là tình trạng chậm giờ, trễ chuyến thậm chí hủy chuyến xảy ra khá thường xuyên.
Không chỉ với Vietjet Air, ngay cả các hãng hàng không khác như Vietnam Airlines cũng xảy ra tình trạng này. Ai đã từng đi máy bay hẳn không ít lần phải nghe những lời xin lỗi từ các hãng, thậm chí nhiều khi họ xin lỗi như cơm bữa vì chậm chuyến, trễ chuyến…
Không ít khách hàng hết sức bức xúc vì họ phải đợi, mất thời gian, mệt mỏi, nhỡ công việc…
Hiện tại chúng tôi chưa có các hành động cụ thể, nhưng nếu hành khách có khiếu nại gửi đến Hội, Hội sẽ vào cuộc, can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Theo ông khách hàng có nên khởi kiện hãng hàng không này nếu bị xâm phạm quyền lợi gây thiệt hại không?
Theo luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hành khách hoàn toàn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi sử dụng dịch vụ mà không đúng như cam kết.
Còn theo luật hàng không dân dụng cũng đã có các quy định về việc đòi bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm. Nói như vậy có nghĩa là người tiêu dùng hoàn toàn có quyền yêu cầu hãng hàng không bồi thường.
Về hình thức, có nhiều cách trong đó có thể đưa ra tòa án dân sự.
Ông có bình luận gì về cách xử lý sự cố của Vietjet Air vừa qua?
Tôi chưa được nghe báo cáo giải trình của Vietjet Air, nên không thể bình luận nhiều. Nhưng căn cứ vào ý kiến sơ bộ của cơ quan chức năng, tôi có bình luận như sau:
Thứ nhất, luật bảo vệ người tiêu dùng cộng thêm luật hàng không dân dụng đã có, nhưng qua những vụ việc cụ thể như thế này mới thấy luật pháp của Việt Nam còn nhiều bất cập.
Cụ thể, với sự cố trả khách nhầm sân bay như trên thì sẽ bị xử lý ra sao, tôi đọc luật không thấy có quy định nào.
Thứ hai, muốn bảo vệ quyền lợi của khách hàng phải căn cứ vào các điều lệ bay mà hãng này quy định bởi hành khách sử dụng hãng máy bay giá rẻ thì sẽ có những điều kiện ràng buộc cụ thể, chứ không thể nói chung chung được.
Nếu người tiêu dùng chịu thiệt hại quá, họ sẽ không chịu, nhưng nếu họ đòi hỏi quá bất hợp lý, hãng cũng sẽ không chấp nhận.
Khi hai bên không thống nhất quan điểm thì phải đưa vụ việc ra tòa dân sự để tòa phán quyết và đó không còn là việc của Hội nữa.
Ở góc độ người tiêu dùng, họ không quan tâm tới cá nhân gây ra sự cố trên, họ chỉ biết tới hãng hàng không Vietjet Air. Do vậy, nội bộ công ty xử lý nhân viên thế nào đó là chuyện của công ty.
Xin cảm ơn ông!